Gượng dậy sau lũ

Hạnh Nguyên 23/10/2020 11:29

Lũ rút, bùn non, rác thải bủa vây, mọi tài sản đều nhuộm bùn. Đói, khát, chống chọi với lũ dữ suốt mấy ngày liền, người dân vùng lũ Hà Tĩnh vẫn phải gắng gượng đứng lên rũ bùn làm lại từ đầu…

Lấy nước lũ để rửa bát

Sau 6 ngày bị lũ nhấn chìm, “tâm lũ” Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh vẫn còn nhiều nhà dân bị cô lập. Nước rút đến đâu, người dân dọn dẹp đến đó. Nước sạch chưa có giọt nào, dân vùng lũ phải xách từng xô nước lũ đục ngầu, hôi hám để rửa bát, lau dọn đồ đạc.

Lúa mọc mầm, lấm lem bùn đất để lại bên đường, dân vùng lũ không còn sức để phơi dọn.
Lúa mọc mầm, lấm lem bùn đất để lại bên đường, dân vùng lũ không còn sức để phơi dọn.

Ngồi nơi sơ tán, trong lòng chị Nguyễn Thị Hà (49 tuổi, thôn 3, xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) như lửa đốt, chị phải xin thuyền về thăm nhà trước khi lũ rút để tranh thủ dọn dẹp.

Hai vợ chồng ngồi “canh” suốt 3 tiếng đồng hồ chờ lũ rút, lòi vật dụng nào, chị Hà đến vớt lên, rũ bùn lầy, rác thải, lấy nước lũ lau sơ qua.

Trong nhà bốc lên mùi xác thối động vật, mùi thối rửa cây cối nồng nặc. Chân tay mỏi rã rời, cổ khản tiếng, mắt đau nhưng người phụ nữ vùng lũ vẫn phải gắng gượng hết sức để dọn dẹp.

Bùn non nhuộm đầy vật dụng trong nhà.
Bùn non nhuộm đầy vật dụng trong nhà.

Xã Cẩm Duệ chỉ cách hồ Kẻ Gỗ và hồ Bộc Nguyên vài chục km, nơi đây có sông Ngàn Mọ chảy qua nên lũ ập đến rất nhanh, dân trở tay không kịp. Ngay trong đêm 18/10, Cẩm Duệ đạt đỉnh lũ hơn 2 m, nhiều nhà chạm đến nóc. Hơn 1.000 nhân khẩu ở thôn 3 xã Cẩm Duệ chạy lũ trong đêm.

“Hơn 100 con lợn và gà trôi đi hết, 3 tấn lúa ướt nhẹp, bốc mùi chua, mọc mầm đầy rẫy. Tất cả đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, quạt… đều bị ngấm nước hư hỏng hết. Nước ngập đến chân bàn thờ, cao hơn cả lũ lịch sử năm 2020. Giờ nhà tôi chỉ còn mỗi hai cái xác khô này nữa thôi” - chị Hà vừa nói vừa móc lúa trong bồ bị mọc mầm ra cho chúng tôi xem.

Quần áo của người dân vừa mới được giũ tạm bằng nước lũ rồi treo lên phơi.
Quần áo của người dân vừa mới được giũ tạm bằng nước lũ rồi treo lên phơi.

Nhà chị Hà lũ rút sớm hơn các gia đình khác trong thôn, đến sáng 23/10, lũ mới rút hết vùng này, người dân tranh thủ trời nắng đưa tất cả đồ đạc ra phơi trau. Cả xã đang ngổn ngang với cơ man nào là chăn, nệm, bàn ghế, quần áo, lúa…

Dọc con đường từ hồ Kẻ Gỗ xuôi về Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thạch… dân vùng lũ hì hục dọn dẹp. Đang rũ bùn từ đống bát đũa bằng chút nước lũ đọng lại bên đường, chị Lê Thị Loan (39 tuổi, thôn Mỹ Trung, xã Cẩm Mỹ) với xin đoàn cứu trợ ít chai nước khoáng để uống.

“Giờ cần nhất là nước sạch để ăn uống, dọn dẹp nhưng không có nên chúng tôi phải dùng chính nước lũ để rửa bát” - chị Loan vừa nói vừa quẹt nước mắt.

Người dân xã Cẩm Mỹ phải rửa bát đũa bằng nước lũ đọng lại bên đường.
Người dân xã Cẩm Mỹ phải rửa bát đũa bằng nước lũ đọng lại bên đường.

Vừa chở đống lúa mọc mầm tua rủa ra phơi, ông Phạm Văn Nhân (45 tuổi, thôn Nam Bắc Thành, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên) vừa chảy nước mắt khi mọi của cải gia đình tích góp bao nhiêu năm đã trôi theo dòng nước bạc vô tình.

“Còn 20 bì lúa trữ để ăn đến mùa giáp hạt cũng mọc mầm, lúa này phơi để xay cho lợn, gà chứ người có ăn được nữa đâu. Lợn, gà cũng trôi hết, tiếc của nên tôi phơi rồi tính sau” - ông Nhân nói, giọng đầy chất chứa bao nỗi niềm.

Được 20 bì lúa trữ để cả nhà ăn đến ngày giáp hạt nhưng bị lũ ngâm mọc mầm hết, ông Phạm Văn Nhân (xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) nhìn lúa nhắt nước mắt.

Nguy cơ dịch bệnh từ nước lũ

Toàn tỉnh Hà Tĩnh có 43.283 người dân đang phải sơ tán tránh lũ. Thời điểm cao nhất có 104 xã, phường với 38.955 hộ/135.851 người của 10 huyện, thành phố bị ngập lụt. Tính đến sáng nay (23/10), 10 xã của Hà Tĩnh vẫn bị ngập trong lũ.

Bò chết bên đường, hôi thối nồng nặc.

Trong đó Cẩm Xuyên 7 xã (Cẩm Mỹ, Cẩm Duệ, Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang, Cẩm Quan), với 972 hộ dân; Thạch Hà 2 xã (Tân Lâm Hương và Thạch Thắng), với 500 hộ dân; phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh), với 600 hộ dân.

Nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng ở vùng lũ vì gia súc, gia cầm chết hàng loạt.
Nguy cơ ô nhiễm nghiêm trọng ở vùng lũ vì gia súc, gia cầm chết hàng loạt.

Đến thời điểm này, mưa lũ làm 6 người trên địa bàn Hà Tĩnh bị chết. Hệ thống giao thông, thủy lợi, hoa màu…bị lũ tàn phá. Vật nuôi chết nhan nhản, rác thải bủa vây khắp nơi. Dân vẫn đang phải chịu cảnh thiếu nước, mất điện, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh phát sinh trầm trọng sau lũ.

Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), do mưa lũ kéo dài, đến nay toàn tỉnh có trên 45.580 hộ, trên 30.503 giếng nước, 34.530 công trình vệ sinh, 119 trường học, 35 trạm y tế và nhiều cơ quan hành chính bị ngập sâu.

Lũ tràn về, giếng nước ngập đầy nước lũ.
Lũ tràn về, giếng nước ngập đầy nước lũ.

Ngành y tế cảnh báo, sau mưa lũ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát, đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là các dịch bệnh phổ biến như: sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng, các bệnh đường tiêu hóa, bệnh nước ăn chân, cảm cúm, đau mắt đỏ…

Ở vùng nông thôn, người dân chủ yếu dùng nước giếng đào, giếng khoan. Lũ rút đồng nghĩa với nước giếng bị nhiễm bẩn, rác thải chất đầy trong các ao, hồ, giếng nước. Còn ở khu vực thành thị, bể ngầm bị nước lũ tràn vào, không thể sử dụng.

“Nhà tôi dùng nước giếng khoan và giếng đào, giờ chưa có điện để bơm, thau rửa giếng, xử lý hóa chất. Nước giếng đục ngầu như nước lũ, mùi hôi tanh bốc lên nồng nặc, chỉ nhìn thôi cũng thấy sợ rồi, không biết đến khi nào mới có nước sạch để dùng” - chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Mỹ Thành, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên lắc đầu lo lắng.

Lũ rút, Trung tâm Y tế phối hợp với MTTQ huyện Lộc Hà xử lý nước sạch giúp dân.
Lũ rút, Trung tâm Y tế phối hợp với MTTQ huyện Lộc Hà xử lý nước sạch giúp dân.

Với phương châm nước rút đến đâu, xử lý đến đó, tỉnh Hà Tĩnh đã cấp phát 8 tấn Poly aluminium chloride; 500 kg Cloramine B để xử lý nước sạch cho các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Tp Hà Tĩnh, Lộc Hà, Hương Khê, Vũ Quang, Kỳ anh và thị xã Kỳ Anh.

Trung tâm Y tế phối hợp với MTTQ đoàn thể các huyện về tận nhà người dân hướng dẫn, hỗ trợ người dân vùng lũ xử lý nước sạch, đảm bảo an toàn cho người dân sau lũ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Gượng dậy sau lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO