Hạ bì Đại vương Phúc thần

11/06/2018 09:09

Sách Công dư Tiệp ký của Tiến sĩ Vũ Phương Đề có đoạn chép rằng: "Ở làng Hạ Bì huyện Gia Phúc (nay thuộc tỉnh Hải Dương), có một người tướng mạo khác thường, chuyên sống bằng nghề bắt nghêu, bắt hến ở bãi biển. Một hôm anh ta ra biển, thấy có hai con trâu lớn đang húc nhau dữ dội, bèn lấy đòn gánh đánh vo cả hai con. Chúng hoảng sợ, bỏ chạy xuống biển rồi mất tích.

Hạ bì Đại vương Phúc thần

Đền Quát, thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu (Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) nhìn từ trên cao. Ảnh: Gia Lộc.

Anh nhìn cái đòn gánh thì thấy có mấy sợi lông dính vào, cho đó là vật thiêng, liền lấy nuốt chửng, chẳng dè từ đó trở đi, khí lực của anh mạnh mẽ khác thường, anh ta lặn xuống nước không khác gì đi trên đất, ra biển bắt cá, có khi đến ba bốn ngày mới trở về mà cũng chẳng sao. Thời ấy, giặc Bắc kéo đến, chiến thuyền nhiều đến 300 chiếc đóng ở cửa Vạn Ninh (nay thuộc tỉnh Quảng Ninh), nhân dân ai cũng đều lo lắng. Hoàng đế xuống chiếu ban ra khắp cõi, rằng nếu ai có kế gì đánh lui được giặc sẽ trọng thưởng. Nghĩ đây là cơ hội tốt, anh liền xin đi. Tới nơi, anh lặn xuống nước, lấy dùi nhọn đục thủng ván đáy thuyền, làm nước ùa vào, khiến thuyền giặc bị chìm xuống biển. Giặc thấy thuyền đang không bị chìm, không rõ nguyên cớ vì sao, chúng bèn lấy kính soi xuống đáy và thấy có người đang cố sức đục thuyền, bèn dùng lưới bủa xuống để bắt anh lên. Chúng hỏi:

- Người trong nước có bao nhiêu kẻ lặn giỏi như mày?

Anh đáp :

- Dân làng tôi có rất nhiều người giỏi nghề bơi lặn, hiện giờ họ đang nấp dưới đáy biển, đợi để cùng nhau đục thuyền, chỉ mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu tha chết cho tôi, tôi sẽ dẫn đến tận nơi họ đang ẩn náu, tha hồ mà bắt.

Giặc nghe nói vậy cứ tưởng thật, lập tức cởi trói cho anh và sai người dùng thuyền nhẹ chở anh đi. Nhưng, trong lúc chúng phòng bị thiếu cẩn mật, anh nhảy xuống biển và lặn đi mất. Giặc ngơ ngác nhìn nhau rồi quay thuyền về. Thuyền của chúng lại tiếp tục bị đánh đắm, cho nên, chúng càng tin nước ta nhiều người giỏi nghề bơi lặn, bèn nhổ neo đi chứ không dám ở lâu nữa. Người có tướng mạo dị thường ấy, sau khi làm tròn công việc, về đến nhà, lâm bệnh rồi mất. Triều đình tưởng nhớ công lao đuổi giặc của anh, liền phong cho anh tước Đại vương, lại cho con cháu được quản lĩnh chỗ cửa sông nơi quê nhà để thu lợi đánh cá và lo việc khói hương. Đền thờ ấy nay vẫn còn, nước nhà vẫn tế lễ, linh ứng lạ thường, thật xứng đáng là phúc thần một phương vậy".

*
* *

Lời bàn:
Cả gan dám đánh một lúc cả hai con trâu khi chúng đang hung hăng húc nhau, nếu không phải là bậc vũ dũng, quyết không dám làm. Liều mình lặn xuống biển để đục thuyền giặc dữ, nếu không phải là bậc có chí cả, quyết không dám làm. Bình tĩnh tìm cho mình lối thoát khi bị giặc bắt, khiến cho chúng phải ngơ ngác một phen, nếu không phải là bậc túc trí và tự tin, nhất quyết không dám làm. Có vũ dũng, có chí cả, lại túc trí và tự tin, làm những việc biết bao người thường không thể làm được, triều đình truy phong làm Đại Vương, dân tôn làm phúc thần một phương như thế là phải lắm. Lý lịch Hạ Bì Đại vương phúc thần tuy có chút xa lạ với mọi thần dân trong xã hội, nhưng phàm đã là thần đều như vậy, nếu không thần sẽ chẳng chịu là thần nữa.
Dân kính thờ thần là để tôn vinh người có đại công đức, cũng là để nhắc nhở con cháu sống xứng đáng với tổ tiên. Mới hay, bước vào nơi thờ tự mà chẳng hiểu điều gì ẩn náu ở phía sau việc thờ tự, thà cứ ở nhà còn hơn. Nhưng nếu ai ứng xử nông cạn như vậy, nghĩ cho kĩ sẽ thấy… vô phúc thay !

Tiến sĩNguyễn Khắc Thuần

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạ bì Đại vương Phúc thần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO