Hà Giang: Phát triển du lịch dựa trên các di sản văn hóa

HỒNG TRANG 26/12/2021 09:00

Hà Giang là địa phương có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Nhiều du khách bày tỏ, muốn đến và muốn trở lại Hà Giang bởi phong cảnh đẹp, và sự sinh động, thân thiện của bà con nơi đây.

Hà Giang là vùng đất biên cương, địa đầu Tổ quốc, có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với nhiều giá trị đặc sắc về địa chất, địa hình; thời tiết, khí hậu quanh năm ôn hòa, mát mẻ. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hồng Hải - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc vẫn đang được giữ gìn và phát huy... Đây chính là những tiềm năng, lợi thể để đẩy mạnh phát triển du lịch.

Ông Hải cũng cho biết, Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch. Thứ nhất, đó là không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và tâm linh.

Thứ hai, không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh, là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia. Khu vực đồi núi đá phía Bắc gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và thể thao mạo hiểm.

Và thứ ba, là không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với Di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, được biết tới với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 điểm du lịch được UBND tỉnh công nhận, 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng. Nhiều khu du lịch, điểm du lịch đã và đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao.

Đặc biệt, Hà Giang có 3 bảo vật quốc gia; 61 di tích, danh thắng được xếp hạng trong đó 31 di tích, danh thắng cấp quốc gia, 30 di tích, danh thắng cấp tỉnh và 22 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 6 làng nghề có sản phẩm OCOP từ 3-4 sao phục vụ du lịch, 8 làng nghề được đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm; 193 sản phẩm đạt sao OCOP, trong đó 40 sản phẩm đạt 4 sao, 153 sản phẩm đạt 3 sao.

Bên cạnh đó, ẩm thực Hà Giang được du khách yêu thích, đặc biệt là các món ăn truyền thống của các dân tộc vùng cao được khách du lịch lựa chọn. Trong đó, có 2 món ăn gồm cháo ấu tẩu, mèn mén nằm trong 100 món ăn đặc sản của Việt Nam và 2 sản phẩm quà tặng gồm: Mật ong bạc hà, chè Shan tuyết Hoàng Su Phì nằm trong 100 sản phẩm quà tặng đặc sắc ở Việt Nam.

Tỉnh Hà Giang đã ban hành đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc, làm bài bản. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang tham mưu cho tỉnh triển khai từng giai đoạn cụ thể, giai đoạn 2021-2025, tập trung bảo tồn 16 làng văn hóa đặc trưng trên tuyến du lịch, để làng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách nội địa, quốc tế. Bảo tồn văn hóa không thể chung chung mà triển khai cụ thể với từng sản phẩm về kiến trúc, lễ hội, trang phục, ẩm thực.

Với các lễ hội, tỉnh Hà Giang nâng cấp và duy trì tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc theo hướng để du khách được trải nghiệm và hòa mình vào lễ hội, trong đó chú trọng một số lễ hội đặc trưng của Hà Giang như: Chợ Phong Lưu Khâu Vai, Nhảy lửa, Lồng tồng, Gầu Tào, Khèn Mông, tuần văn hóa dân gian dân tộc Nùng, Cấp sắc...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Giang: Phát triển du lịch dựa trên các di sản văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO