Hà Nội: Có nên thí điểm cách ly F1 tại nhà ?

Lan Anh 31/07/2021 10:08

Hà Nội tiếp tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới, trong đó, nhiều ca được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc ho, sốt cộng đồng. Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, Hà Nội nên thí điểm việc cách ly tại nhà để đề phòng tính huống số ca mắc tăng lên.

Các chùm ca bệnh rải rác ở nhiều quận, huyện

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, dù Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố được 7 ngày (từ ngày 24/7) nhưng số ca mắc chưa thể thuyên giảm vì có các ca bệnh đã bị nhiễm từ trước những ngày thực hiện giãn cách. Bây giờ, Hà Nội xét nghiệm và phát hiện được các ca mắc Covid-19 vì thời gian ủ bệnh của vi rút SARS-CoV-2 là 14 ngày.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp mắc Covid-19 không rõ nguồn lây, được phát hiện thông qua xét nghiệm sàng lọc đối với người có triệu chứng ho, sốt. Theo đó, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, tại Hà Nội, trong cộng đồng có nhiều ổ dịch lẩn khuất, số ca mắc Covid-19 mới trên địa bàn Hà Nội được phát hiện mỗi ngày không cao nhưng các ổ dịch đã rải rác ở khắp các quận, huyện.

Tính đến 6h sáng ngày 31/7, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1123 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 670 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 453 ca.

Trong đó, chùm ca bệnh phát hiện xét nghiệm ho, sốt cộng đồng là 46 ca và chùm ca bệnh ho, sốt thứ phát là 231 ca. Hai chùm ca bệnh này nằm rải rác ở nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội. Trong đó, một số quận, huyện như quận Hoàng Mai, quận Hai Bà Trưng, huyện Thanh Trì, huyện Thạch Thất là những nơi ghi nhận số ca mắc tại chùm ho, sốt thứ phát cao, vẫn thêm ca mắc mới qua từng ngày.

Nên thí điểm cách ly F1 tại nhà ?

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, ngay từ đầu các chuyên gia đã nhận Hà Nội là “vùng trũng” của dịch nên nguy cơ cao. Vì thế, Hà Nội cần thực hiện nghiêm việc giãn cách theo Chỉ thị 16 đến từng hộ gia đình, đồng thời thực hiện tốt 5K để cắt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng.

Nguyên tắc là mỗi nhà đều “cửa đóng, then cài”, về cơ bản đóng cửa các cửa hàng cửa hiệu trừ cửa hàng cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu… Người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết và được chính quyền cho phép. Đồng thời, các hoạt động lao động, sản xuất, giao thông cũng cần sắp xếp lại để hạn chế giao tiếp.

Đồng thời, Hà Nội cũng cần phải lên phương án cho cách ly, điều trị cần thiết nếu số ca mắc tăng cao. Bởi khi số mắc tăng cao thì số trường hợp nặng nhiều hơn, bệnh nhân tử vong cũng nhiều.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Hà Nội nên triển khai thí điểm cho cách ly F1 tại nhà, điều kiện là cần đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Y tế. Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về nội dung này. Việc làm này vừa để thí điểm vừa để tập dượt sẵn sàng cho tình huống khi các ca bệnh nhiều lên.

Xây dựng hướng dẫn cơ bản việc cách ly F1 tại nhà

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, CDC Hà Nội chưa đề xuất việc cách ly F1 tại nhà, tuy nhiên, CDC đã xây dựng nhiều kịch bản phòng, chống dịch cho thành phố. Nếu thành phố có chủ trương đơn vị sẽ đề xuất và trình các phương án. Tuỳ thuộc và tình hình diễn biến của dịch Covid-19 và chủ trương của Hà Nội, CDC Hà Nội sẽ tiến hành triển khai các biện pháp phù hợp, hiệu quả.

Cũng theo ông Tuấn, khi các khu vực cách ly tập trung quá tải, việc cách ly tại nhà sẽ là giải pháp để giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung. Đối với người F1 có nhà đáp ứng điều kiện cách ly thì có thể cách ly tại nhà.

Việc cách ly tại nhà giúp cho người cách ly giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm chéo khi phải cách ly trong các khu cách ly tập trung bị quá tải hoặc khu cách ly được cải tạo từ trường học, khu nhà văn phòng phải sử dụng khu vệ sinh chung không đạt yêu cầu phòng, chống dịch. Ngoài ra, cách ly tại nhà còn tạo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho người cách ly trong suốt thời gian cách ly theo quy định.

Cụ thể, theo hướng dẫn này, những đối tượng F1 có thể được áp dụng cách ly tại nhà bao gồm:

Những người tiếp xúc gần (F1) và không phải là người trong cùng gia đình, trong cùng phòng làm việc, trong cùng bàn ăn, uống với ca bệnh xác định;

Các F1 bắt buộc phải có người chăm sóc hỗ trợ như: trẻ em dưới 12 tuổi, người tàn tật, phụ nữ sau sinh và cho con bú trong vòng 12 tháng;

Tất cả người sống trong một nhà/nơi cư trú đều là F1;

Những người đang cách ly tập trung (F1 hoặc về từ vùng dịch) đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm RT- PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà;

Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ F1 được cách ly cùng với F1 tại nhà;

Đối với các F1 nguy cơ cao: F1 cùng gia đình hoặc cùng phòng làm việc hoặc cùng bàn ăn với trường hợp xác định thì Ban chỉ đạo phòng chống dịch cơ sở cân nhắc các điều kiện cách ly tại nhà và các yếu tố nguy cơ dịch bệnh để quyết định.

Các F1 thuộc diện cách ly tại nhà sẽ phải thực hiện cách ly 14 ngày liên tục kể từ ngày bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly tập trung 7 ngày thì tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày. Sau cách ly y tế, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày tiếp theo.

Các F1 khi cách ly tại nhà sẽ được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 3 lần vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ khi bắt đầu cách ly. Riêng người đã được cách ly y tế tập trung 7 ngày thì lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 7 cách ly tại nhà.

Bố trí bàn trước cửa phòng cách ly để cung cấp suất ăn riêng, nước uống và các nhu yếu phẩm khác cho người cách ly. Nghiêm cấm không được mang đồ dùng, vật dụng của người cách ly ra khỏi nhà.

Nếu có điều kiện, khuyến khích lắp camera để giám sát người cách ly.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Có nên thí điểm cách ly F1 tại nhà ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO