Hà Nội đảm bảo đủ chỗ cho học sinh

Thu Hương 31/07/2021 07:51

Đã kết thúc thời gian tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, câu chuyện làm thế nào tính toán phương án đủ chỗ học cho học sinh ở các khu đô thị đông đúc, quá tải dân cư vẫn chưa năm nào hết “nóng”.

Theo điều lệ trường tiểu học của Bộ GD&ĐT, mỗi lớp không quá 35 học sinh.

Năm học 2021-2022, các trường học trên địa bàn Hà Nội tuyển sinh khoảng 158.000 trẻ mẫu giáo 5 tuổi; 159.000 học sinh lớp 1 và 131.000 học sinh lớp 6. Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, sau khi hết thời hạn đăng ký trực tuyến (giai đoạn 1), số hồ sơ đã đăng ký thành công với trẻ vào lớp 1 là 128.879; số hồ sơ đăng ký cho trẻ 5 tuổi vào trường mầm non cũng đạt tỷ lệ rất cao, còn số hồ sơ đăng ký vào lớp 6 là 107.108.

Việc xây dựng bổ sung trường học luôn là một trong những nhiệm vụ cấp bách được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Bởi với tốc độ gia tăng dân số hàng năm, đặc biệt là tại các khu đô thị mọc lên liên tiếp, việc dành quỹ đất để xây dựng trường học cũng được TP quyết liệt chỉ đạo.

Điển hình là tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, qua rà soát thực tế, cả xã có gần 500 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1, song cơ sở vật chất của trường Tiểu học Cự Khê (xã Cự Khê) chỉ đáp ứng được khoảng 240 học sinh. Như vậy là còn khoảng 240 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1 sẽ phải đăng ký tuyển sinh các trường tiểu học công lập khác.

Lý do dôi dư học sinh là vì trước đây trường Tiểu học xã Cự Khê được xây dựng căn cứ dựa trên số dân trên địa bàn với hơn 4.000 nhân khẩu, cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 200 học sinh (từ lớp 1 đến lớp 5). Tuy nhiên, khi khu đô thị mới Thanh Hà đi vào hoạt động với dân số nâng lên gấp nhiều lần, mặc dùđ ược nâng cấp về cơ sở vật chất nhưng trường vẫn chưa thể đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh.

Trưởng phòng GDĐT huyện Thanh Oai Đoàn Việt Dũng, cho biết huyện đang tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng số phòng học, dự kiến khi hoàn thiện sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của hơn 900 học sinh. Còn giải pháp trước mắt với số học sinh dôi dư đó là phòng GDĐT huyện sẽ bố trí cho số trẻ này học tại các trường tiểu học công lập thuộc các xã lân cận như: Bích Hòa, Mỹ Hưng… Tuy nhiên, đây vẫn là giải pháp tình thế.

Theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2020-2021, trên địa bàn thành phố có 786 trường tiểu học với gần 20.000 lớp. Tính trung bình, cấp tiểu học của Hà Nội có sĩ số bình quân là 40 học sinh/lớp. Trong đó, có những lớp ở khu vực đông dân cư ở các quận nội thành có sĩ số học sinh vượt quá 50 học sinh/lớp.

Trong khi đó, Điều lệ trường học của Bộ GDĐT quy định cấp tiểu học có sĩ số không quá 35 học sinh/lớp. Nhất là trong bối cảnh triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, để đạt hiệu quả chất lượng như cảnh báo của nhóm tác giả xây dựng chương trình tổng thể thì việc sĩ số lớp quá đông sẽ làm cản trở việc dạy và học của thầy và trò.

Để đạt được tỷ lệ này là một thách thức với nhiều khu vực ở thủ đô. Trong đó, một mình ngành giáo dục không thể làm giải quyết được mà cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng khác.

Quy hoạch khu đô thị mới phải đi kèm với trường học mới là một trong những giải pháp căn cơ để không phá vỡ quy hoạch mạng lưới trường học trên các địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới.

Phó Giám đốc phụ trách Sở GDĐT Hà Nội Phạm Văn Đại cho biết, với quy mô 2.800 trường học, ngành giáo dục Thủ đô cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Sở yêu cầu các phòng GDĐT tiếp tục tham mưu chính quyền địa phương tăng cường đầu tư xây dựng trường, phòng học, ưu tiên những nơi có khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư…

“Mục tiêu của thành phố là bảo đảm phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, huy động 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khỏe vào lớp 1, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6, vì vậy, phụ huynh hoàn toàn yên tâm”, ông Phạm Văn Đại khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội đảm bảo đủ chỗ cho học sinh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO