Hà Nội đề xuất tăng giá nước: Cần minh bạch và nâng cao chất lượng

Nguyên Khánh 08/11/2019 00:00

Sau sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu bẩn khiến hàng nghìn hộ dân tại Hà Nội lo lắng thì mới đây lãnh đạo UBND TP Hà Nội lại thông tin về việc chuẩn bị tăng giá nước. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng giá theo lộ trình là điều khó tránh khỏi, nhưng tăng giá phải đi kèm tăng trách nhiệm, đồng thời phải minh bạch thông tin, làm rõ cơ chế giá, tránh gây gánh nặng cho dân.

Hà Nội đề xuất tăng giá nước: Cần minh bạch và nâng cao chất lượng

Sự cố nước nhiễm dầu vừa qua khiến nhiều gia đình ở Hà Nội lao đao.

Đề xuất tăng giá nước sinh hoạt

Cách đây chưa lâu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô.

Theo văn bản trên, UBND TP Hà Nội giao cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch. Cùng với đó, TP Hà Nội cũng đưa ra chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm, đảm bảo phù hợp với thực tế của Hà Nội.

Thực tế giá nước hiện tại mà người dân Hà Nội đang dùng đã tồn tại từ năm 2015 và từ đó đến nay đã không ít lần doanh nghiệp kiến nghị việc tăng giá nước nhưng đều bị lãnh đạo UBND TP Hà Nội bác bỏ.

Từ 2013 - 2015, mỗi năm TP. Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp. Như vậy, từ 2015 đến nay, đối với hộ gia đình, người dân Hà Nội dùng nước các mức 10m3 đầu tiên có giá là 5.973 đồng/m3. Từ trên 10m3 đến 20m3 có giá là 7.052 đồng/m3. Từ 20m3 đến 30m3, năm 2015 có giá là 8.669 đồng/m3 và trên 30m3, năm 2015 có giá là 15.929 đồng/m3. Cũng như giá điện, giá nước được tính theo lũy kế, tức là dùng ít sẽ phải trả đơn giá thấp, càng dùng nhiều sẽ phải trả với đơn giá cao hơn.

Nước sông Đuống được Hà Nội mua giá gấp đôi

Theo tìm hiểu của PV, việc Hà Nội gấp rút tăng giá nước sạch do áp lực bù lỗ lớn đến từ việc giá mua buôn chênh lệch từ các đơn vị cung cấp. Hai đơn vị bán buôn nước sạch lớn nhất của Hà Nội hiện nay là Nhà máy nước mặt Sông Đuống và Nhà máy nước mặt Sông Đà. Hai đơn vị đều xử lý nước mặt của các con sông Đuống - sông Đà để cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho dân Hà Nội. Tuy nhiên, mức giá mua buôn nước của Hà Nội với hai đơn vị lại có sự phân biệt lớn.

Cụ thể, giá nước sạch tối đa của nhà máy nước sạch sông Đuống tạm tính năm 2017 là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7%/năm. Trong khi đó, tại Quyết định phê duyệt phương án giá thành sản xuất, giá bán buôn nước sạch và phương án bù giá của công ty Công ty Nước sạch Vinaconex (nhà máy nước sạch sông Đà) được UBND TP Hà Nội đưa ra ở các mức: năm 2013: 4.612,22 đồng/m3; 2014: 4.658,90 đồng/m3; 2015: 4.726,54 đồng. Lộ trình tăng giá thành giai đoạn từ năm 2013-2015 dao động từ -400 đồng/m3 cho đến + gần 200 đồng/m3. Lộ trình giá bán buôn nước sạch từ năm 2014-2016 cụ thể ở các mức từ 3.600-4.658,90-5.069,76 đồng/m3. Như vậy, so sánh mức giá bán được phê duyệt, giá nước sạch của nhà máy nước sạch sông Đà chưa bằng 1/2 so với giá bán của nước sạch sông Đuống”, vậy tại sao lại có mức chênh lệch quá lớn này, điều này cũng cần được làm rõ.

Đề xuất làm rõ cơ chế giá

Trước đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên, đặc biệt hơn khi 250.000 người dân Hà Nội vừa trải qua “cơn khủng hoảng” về nước sinh hoạt do nhiễm dầu thải đã khiến không ít người dân cảm thấy lo lắng cũng như cho rằng không phù hợp. “Gia đình tôi cũng như rất nhiều gia đình vừa phải trải qua những ngày khốn đốn vì nước sạch nhiễm bẩn. Thậm chí, đến thời điểm này nước vẫn chưa thật sự ổn định nhưng TP đã đề xuất tăng giá nước tôi cảm thấy chưa thật sự hợp lý”, chị Nguyễn Thị Mai ở Thượng Đình Thanh Xuân nói.

Anh Nguyễn Thanh Bình ở Trương Định (Hoàng Mai, Hà Nội) đặt câu hỏi: “Tăng giá nước sinh hoạt liệu chất lượng có tăng?”. “Tôi nghe nói vừa rồi nhà máy nước Sông Đuống chưa nghiệm thu đã bán nước cho dân cả năm trời. Như vậy nước sinh hoạt đó ai đứng ra đảm bảo được chất lượng? Ngay cả việc tăng giá như thế nào cũng cần công khai minh bạch các thông tin. Không thể cứ mua nước của nhà máy nước Sông Đuống đắt gấp đôi các nhà cung cấp khác rồi tính chuyện tăng giá bán cho dân để bù vào khoản ngân sách thâm hụt được. Như thế là không hợp lý”.

Nguyên ĐBQH Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, việc đề xuất điều chỉnh giá nước vào lúc này sẽ không hợp lòng dân. Vì thế các cơ quan liên ngành nên cân nhắc. Theo bà An, việc quan trọng nhất lúc này là các cơ quan chức năng cần thiết lập lại quy trình sản xuất, cung cấp nước của các doanh nghiệp. Cần cam kết rằng, nguồn nước khi bán ra cho dân phải đảm bảo sạch. “Nếu việc tăng giá nước là quan trọng thì nên tổ chức các cuộc hội thảo công khai. Trong đó có ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người dân. Việc này rất quan trọng, không nên đưa ra một quyết định hành chính có tính áp đặt mà không có thảo luận với người dân” - bà Bùi Thị An nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội đề xuất tăng giá nước: Cần minh bạch và nâng cao chất lượng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO