Hà Nội dự kiến cho học sinh trở lại trường sau Tết: Quá thận trọng?

PHƯƠNG ANH 16/01/2022 09:05

Thông tin Sở GDĐT Hà Nội sẽ đề xuất cho toàn bộ học sinh khối 7-12 của Hà Nội trở lại trường sau Tết đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là phụ huynh có con học khối lớp 7-12.

Cô và trò Trường THCS Thái Hòa (Ba Vì, Hà Nội) trong ngày trở lại học trực tiếp. Ảnh: Thanh Tùng.

Trong tuần, Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương đã chia sẻ lộ trình, kế hoạch trở lại trường của học sinh thủ đô tại buổi họp trực tuyến với lãnh đạo sở giáo dục các tỉnh, thành.

Theo đó, nếu không có gì thay đổi, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Sở sẽ tiếp tục đề xuất với thành phố cho học sinh khối 7 đến 12 đi học trở lại 100% ở tất cả 30 quận, huyện, thị xã.

Ông Cương nhấn mạnh, để đưa ra đề xuất, Sở sẽ cân nhắc dựa trên tình hình dịch bệnh tại thành phố cũng như tỷ lệ tiêm chủng của học sinh. Đồng thời, chỉ khi nào đảm bảo an toàn, Hà Nội mới cho học sinh đến trường.

Trước đó, học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp từ đầu tháng 5/2021 khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Đến 8/11, khoảng 4.000 học sinh lớp 9 tại Ba Vì được trở lại trường. Hai tuần sau, khối 9 tại 17 huyện, thị ngoại thành cũng được học trực tiếp.

Đến 6/12 năm ngoái, các trường THPT mở cửa đón học sinh lớp 12. Hiện có khoảng 64.000 em, trên tổng số khoảng 2,2 triệu học sinh phổ thông ở Hà Nội, được học trực tiếp.

Tính đến 11/1, tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ từ 12-14 tuổi ở Hà Nội đạt 99,5% mũi một và 90,3% mũi hai; trẻ từ 15-17 tuổi đạt 99,4% mũi một và 93,9% mũi hai.

Đón nhận thông tin này, có nhiều phản ứng khác nhau. Nếu các cơ sở giáo dục, các nhà trường cơ bản đồng tình với chủ trương này khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và học sinh đã tiêm đủ liều vaccine thì từ phía phụ huynh học sinh vẫn có những băn khoăn.

Theo dữ liệu từ một cuộc thăm dò trên mạng, tính đến 15h ngày 15/1, có 38% đồng ý cho con đi học lại sau Tết, 62% không đồng ý. Anh Nguyễn Ngọc Huy (quận Cầu Giấy), có con học lớp 8, cho rằng, cho học sinh trở lại trường sau Tết là phù hợp.

“Tôi nghĩ Hà Nội đã rất thận trọng trong việc mở cửa trường học để học sinh trở lại trường học trực tiếp. Sự thận trọng này là rất cần thiết, mặc dù có gây khó khăn cho các gia đình và cũng ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng học của học kỳ 1 năm học 2021-2022. Tuy nhiên, nếu kéo dài thêm nữa thì sẽ gây áp lực không chỉ cho phụ huynh mà còn ảnh hưởng nhiều tới các cơ sở giáo dục, đồng thời ảnh hưởng tới kết quả chung của cả năm học”, anh Huy nêu quan điểm.

Đồng tình với việc cho học sinh trở lại trường, chị Bùi Tuyết Mai (quận Thanh Xuân) cho rằng, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, và học sinh đã được tiêm vaccine thì việc cho học sinh trở lại trường là quyết định đúng đắn.

“Sau Tết cho học sinh khối lớp 7-12 đi học trở lại là phù hợp”, chị Mai nói, thêm rằng, học sinh từ 12 tuổi trở lên đã tiêm phòng đầy đủ và đủ thời gian để có mức kháng thể ở mức cao nên Hà Nội cần mạnh dạn cho các con đi học trở lại.

Ngoài ra, Sở GDĐT đã có bộ quy chuẩn về phòng - chống dịch Covid-19 nên các trường cứ áp dụng vào thực hiện. “Nhìn hình ảnh những học sinh ở Ba Vì và một số nơi đã đi học trở lại, tôi thấy rất thương các bạn cùng thành phố mà ngày ngày phải ở nhà học online”, chị Mai nói thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh những phụ huynh ủng hộ để học sinh đã tiêm đủ liều vaccine trở lại trường, còn khá nhiều phụ huynh bày tỏ băn khoăn. Đa số ý kiến chưa đồng tình bởi đến ngày 15/1, Hà Nội vẫn có 7 quận huyện ở ‘’vùng cam’’, không có quận, huyện, thị xã ở ‘’vùng xanh’’ .

Theo dõi kỹ các diễn tiến dịch tễ, anh Ngô Ngọc Long (quận Hoàn Kiếm) băn khoăn, hiện nay các ca F0 xuất hiện nhiều, quận Hoàn Kiếm hiện đang là “vùng vàng”, nếu cho học sinh trở lại trường, nhất là ở những khu vực đông dân cư, liệu đã an toàn cho học sinh và thầy cô giáo?

Tương tự, chị Bùi Việt Nga (huyện Thanh Trì) lo lắng vì dịch bệnh tại Hà Nội vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nhất là biến chủng Omicron xuất hiện. Do đó, cũng như một số phụ huynh khác, chị Nga mong muốn các con tiếp tục học online một thời gian nữa.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, quyết định cho học sinh khối lớp 7-12 trở lại trường học trực tiếp từ sau Tết Nguyên đán của Hà Nội đã được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố. Bên cạnh tình hình dịch tễ, thì tỉ lệ đã tiêm vaccine ở học sinh Hà Nội khá cao.

Mặt khác, Hà Nội cũng đã từng bước thí điểm cho học sinh trở lại học trực tiếp trong nhiều tháng qua. Gần đây, từ ngày 4-7/1, học sinh khối lớp 1 và 2 ở huyện Mê Linh cũng đã được trở lại trường để ôn tập và kiểm tra học kỳ 1.

Nhìn rộng ra, nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng đã cho phép học sinh trở lại trường. Như Tây Ninh, Đồng Tháp cho học sinh lớp 9 và 12 trở lại trường từ ngày 17/1 sau thời gian học trực tuyến vì dịch Covid-19. Tại TPHCM cũng đã có kế hoạch từ sau Tết Nguyên đán, học sinh mầm non sẽ đến trường, tham gia các hoạt động trực tiếp trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh. Trước đó, ngày 4/1, học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 ở TPHCM đã trở lại trường sau thời gian học trực tuyến vì dịch Covid-19.

Điều đó cho thấy, việc Hà Nội bây giờ mới dự kiến cho học sinh khối 7-12 trở lại trường là một quyết định được cho là “quá thận trọng”.

Hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ GDĐT hôm 14/1, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập đến những khó khăn mà ngành giáo dục phải đối mặt trong năm 2021 do dịch Covid-19, đồng thời, chỉ ra những việc đã làm được và những điều còn “đáng tiếc” của năm qua. Theo Bộ trưởng, mặc dù còn một số việc, nội dung chậm, muộn, song nhìn tổng thể năm 2021, ngành giáo dục đã đương đầu với thách thức, bền bỉ ứng phó với dịch bệnh và đã làm được nhiều việc. Đặc biệt trong khó khăn, hơn 1,5 triệu nhà giáo đã thể hiện tinh thần năng động, sáng tạo, trách nhiệm, hành động vì nghề và vì học sinh.

Nhấn mạnh tới các nhiệm vụ lớn của năm 2022, Bộ trưởng cho biết: Trước hết, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai nhiệm vụ có tính thời sự là chống dịch Covid-19, hạn chế tối đa tác động tiêu cực của dịch bệnh tới giáo dục và đào tạo. Trong đó, sớm hoàn thành chiến lược ứng phó toàn diện với dịch bệnh của ngành giáo dục.

Trước thực tế, có khoảng 70.000 sinh viên đại học chưa thể tốt nghiệp ra trường do dịch bệnh, Bộ trưởng đề nghị các trường đại học, cao đẳng tích cực hơn nữa đưa sinh viên trở lại trường học tập. Cùng với đó, trọng tâm vẫn là bù đắp, củng cố chất lượng giáo dục từ phổ thông tới đại học.

Theo thống kê, tính đến ngày 9/1/2022, cả nước có 9 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; 35 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến và 19 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội dự kiến cho học sinh trở lại trường sau Tết: Quá thận trọng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO