Hà Nội: Đủ nguồn cung, không cần ‘đổ xô’ đi mua hàng

Lan Anh - Toàn Nghĩa 18/07/2021 21:09

Sở Công thương Hà Nội khẳng định, lượng hàng hóa sẽ đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng, sẵn sàng phục vụ nhân dân. Người dân không cần “đổ xô” đến các siêu thị, tích trữ hàng hóa.

“Đổ xô” đến siêu thị

Ngay sau khi Hà Nội có Công điện số 15/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước, nhiều người dân đã khẩn trương đến các siêu thị mua dự trữ lương thực, thực phẩm.

Theo ghi nhận của phóng viên Đại Đoàn Kết Online, tại siêu thị Vinmart Nhật Tân, lượng người mua hàng khá lớn. Đa phần, mọi người đều tập trung mua lương thực, thực phẩm. Một số các kệ đồ đông lạnh hết sạch hàng hoặc chỉ còn số ít.

Kệ hàng đông lạnh tại siêu thị Vinmart Nhật Tân đã "vơi bớt". Ảnh: T.N.

Tại khu vực thanh toán, người dân cũng phải xếp hàng chờ nhau bởi mỗi người đều mua dự trữ khá nhiều đồ nên một lượt thanh toán cũng lâu hơn mọi khi.

Ghi nhận thêm tại siêu thị Big C Lê Trọng Tấn, lượng người dân đi mua hàng cũng rất đông. Mặt hàng được người dân lựa chọn khá nhiều là các loại mỳ, phở, miến khô. Khu vực thanh toán người dân xếp hàng dài, có những người đợi gần 1 tiếng mới có thể thanh toán.

Người dân xếp hàng chờ thanh toán trong tối ngày 18/7. Ảnh: N.T.

Đủ nguồn cung, lượng hàng hóa sẵn sàng

Ngay khi có chỉ đạo của Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.

Tại buổi làm việc, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart, cho biết trước tình hình dịch Covid-19 bùng phát đợt 4, doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo 3 tại chỗ (gồm: lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ) để phục vụ người tiêu dùng Hà Nội, với lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Hệ thống doanh nghiệp này cũng đang tăng dự trữ các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây…; chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, Meatdeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng bị trống trên kệ hàng.

Cũng theo ông Khúc Tiến Hà, hiện doanh nghiệp có 4 kho hàng, các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn; trong đó riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng. Phía doanh nghiệp phân phối cam kết đủ nguồn cung hàng hóa, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.

“Phía siêu thị luôn đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp liên tục cho người dân từ 9 ngày đến 15 ngày tùy từng mặt hàng. Riêng mặt hàng như mỳ tôm, nước mắm,… do doanh nghiệp làm việc với đối tác sản xuất nên hàng hóa luôn đủ cung cấp đến 45 ngày liên tục,” ông Khúc Tiến Hà nói.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail, cho biết doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm; tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…

“Nhằm góp phần bình ổn giá cả trên thị trường khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với mức giá không đổi tại hệ thống 77 siêu thị, Minimart thuộc BRGMart tại các tỉnh phía Bắc và nhiều tỉnh phía Nam như thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…,” ông Nguyễn Thái Dũng cho biết.

Khuyến cáo người dân không nên dữ trữ hàng hóa

Hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có 459 chợ, 28 TTTM, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá , hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa ... phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết.

Mặc dù đang phải đối mặt với một khó khăn (nguồn nhân lực , vận chuyển hàng hóa qua địa phận các tỉnh, một số mặt hàng thiết yếu đang phải cung cấp cho các tỉnh phía Nam ...) song trong bất kỳ tình huống nào các hàng hóa cũng đảm bảo đáp đầy đủ ứng nhu cầu của nhân dân kể cả khi nhu cầu mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống, đổi mới nhiều phương thức phục vụ, đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, bán hàng online ... để hạn chế tập trung đông người tại hệ thống phân phối.

Sở Công thương Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh. TP Hà Nội đảm bảo đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Đủ nguồn cung, không cần ‘đổ xô’ đi mua hàng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO