Hà Nội giữ vững và mở rộng ‘vùng xanh’

Đức Trân - Lan Anh 31/08/2021 08:00

Dịch Covid-19 tại Hà Nội những ngày qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Những chùm ca bệnh tại quận Thanh Xuân, quận Hoàng Mai hay huyện Thanh Trì… cho thấy nguy cơ phát sinh dịch rất lớn tại khu vực mật độ dân cư cao, chật hẹp với nhiều phố, ngõ nhỏ hay nhiều nhà chung cư san sát nhau. Vì thế việc giữ vững và mở rộng “vùng xanh” là rất quan trọng để thành phố sớm trở lại an toàn.

Giảm tối đa lượng người ra đường

Theo Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng, công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thủ đô khó khăn không nhỏ bởi sự xuất hiện của biến chủng mới và đang tiếp tục biến đổi lây nhiễm mạnh, dễ dàng hơn. Đồng thời, những chùm ca bệnh mới phát sinh trong những ngày gần đây cho thấy còn không ít sơ hở trong tổ chức thực hiện giãn cách xã hội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh: “Trước mắt, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay vẫn là phải thực hiện giãn cách xã hội một cách thực chất. Trong đó, bằng mọi giải pháp giảm số người ra đường, bảo đảm yêu cầu ai ở đâu ở yên đó, cấp uỷ các cấp ở quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát với trọng tâm là siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phương án sản xuất an toàn, cấp và sử dụng giấy đi đường”.

Ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Hệ thống chính trị từ thành phố xuống cơ sở phải đặt người dân vào vị trí trung tâm, là lực lượng chính quản lý các chốt kiểm soát ở địa bàn dân cư; lấy sự gương mẫu, tận tụy của cán bộ, đảng viên để lan tỏa, coi Tổ Covid cộng đồng làm nòng cốt, chọn những người có uy tín trong cộng đồng làm trung tâm để quy tụ nhân dân tham gia chống dịch. Toàn thành phố tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn Covid-19”, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết không ra đường khi không có việc cần thiết; hiện thực hóa phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch”.

Cùng đó, Bí thư Thành ủy kêu gọi tất cả người dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện tốt giãn cách xã hội, cụ thể là ở nhà, không ra đường khi không có việc cần thiết và 5K.

“Đó chính là việc làm thiết thực nhất để ủng hộ công tác phòng, chống dịch cùng thành phố” - ông Đinh Tiến Dũng nói.

Người dân “vùng xanh” thực hiện nghiêm túc quy định y tế để phòng, chống dịch. Ảnh: Trung Nguyên.

Phải bảo vệ bằng được các “vùng xanh”

Một trong những nhiệm vụ được Hà Nội xác định là cấp thiết ở thời điểm hiện tại là giữ vững và dần mở rộng các “vùng xanh”, thu hẹp và xoá bỏ các “vùng da cam”, “vùng đỏ”. Đây được coi là biện pháp mũi nhọn tập trung ưu tiên nguồn lực để xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao, các vùng phong toả nhằm bóc tách triệt để các F0, từng bước làm sạch chuyển “vùng đỏ” thành “vùng da cam”, chuyển “vùng da cam” thành “vùng xanh” tiến tới tổ chức xét nghiệm diện rộng cả “vùng xanh” đưa thành phố trở lại an toàn.

Trao đổi với Báo Đại Đoàn Kết về các biện pháp cần thực hiện để giữ vững các “vùng xanh”, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng cần luôn luôn đề phòng có những ca xâm nhập vào, phải phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập tắt, đưa F0 ra khỏi cộng đồng.

“Vùng xanh cũng vẫn có thể có người bị nhiễm SARS-Cov-2 xâm nhập vào vì dịch diễn biến rất phức tạp trên thế giới cũng như là trong nước, nhất là chủng mới Delta lây lan rất nhanh. “Vùng xanh” nếu có ca bệnh xâm nhập vào sẽ trở thành vùng đỏ”- ông Phu lưu ý.

Để làm được điều này một cách chặt chẽ, ông Phu cho rằng cần chú ý đến mô hình tự quản. Bởi tự quản thì mới bền vững. Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra giám sát, cử người dân tham gia tổ tự quản. Ông Phu cũng lưu ý người dân trong “vùng xanh” cần thực hiện nghiêm các quy định về giãn cách, bởi chủng mới lây lan nhanh. Bằng mọi cách giãn cách cho hợp lý, thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

“Trong lúc này nếu không thực hiện nghiêm 5K, khi có ca bệnh xâm nhập thì không cắt đứt được chuỗi lây nhiễm và dịch lại bùng phát lên” - ông Phu nhấn mạnh và cho rằng “cần sống an toàn”. Theo đó mỗi người an toàn, gia đình an toàn, nhà máy, siêu thị, đơn vị cơ quan… phải an toàn. Như thế “vùng xanh” mới tiến tới an toàn. Khi đó, khu phố an toàn thì xã, phường an toàn. Xã, phường an toàn thì quận, huyện an toàn. Quận, huyện an toàn thì thành phố mới an toàn.

Một biện pháp khác được vị chuyên gia phòng, chống dịch nhấn mạnh, đó là tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại những vùng có nguy cơ cao càng sớm càng tốt. Trong thời gian tới, khi lượng vaccine nhiều cần nhanh chóng tiêm phủ ở tất cả “vùng xanh” để chủ động trong công tác phòng, chống dịch và sớm đạt miễn dịch cộng đồng.

Trước việc có thể nới lỏng giãn cách tại một số quận, huyện của Hà Nội sau ngày 6/9, theo ông Phu “đây là vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng. Bởi không chỉ vấn đề dịch bệnh mà còn những yếu tố khác có liên quan”.

Ngày 30/8, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã đi thăm, động viên một số đơn vị, cá nhân tham gia lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch Covid-19. Đoàn đã đi thăm, tặng quà tại chốt kiểm soát dịch xã Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm); BVĐK Đức Giang; Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm. Đoàn đã tặng quà chốt kiểm soát dịch xã Kiêu Kỵ và Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm, mỗi đơn vị 10 triệu đồng tiền mặt, 1 thùng quà tặng, 5 thùng nước sát khuẩn, 5 thùng khẩu trang (tổng giá trị 20,7 triệu đồng); tặng BVĐK Đức Giang 10 triệu đồng tiền mặt, 2 máy trợ thở, 10.000 que cấy dịch tị hầu, 1 thùng quà (tổng giá trị 146 triệu đồng).

H.Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội giữ vững và mở rộng ‘vùng xanh’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO