Từ 6h sáng ngày 25/9 cho tới 12h trưa ngày 26/9, Hà Nội không ghi nhận thêm ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2. Đây là thành công lớn của Hà Nội trong phòng, chống dịch Covid-19 ở đợt bùng phát thứ 4 này (tính từ ngày 27/4/2021).
Hà Nội cũng đã bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục dần từng bước các hoạt động sản xuất kinh doanh; bên cạnh việc tiếp tục áp dụng các biện pháp y tế cần thiết để phòng, chống dịch.
Để phòng, chống Covid-19, trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, Hà Nội đã lập 656 điểm phong toả. Theo diễn biến của dịch khi đã được không chế, tới nay chỉ còn 22 điểm phong tỏa. Tại “điểm nóng” các ngõ 228, 230 và 232 phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, các hạn chế cũng đã được gỡ bỏ sau hơn 1 tháng cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19 (kể từ ngày 23/8).
Nhân dân vào cuộc thì hiệu quả chống dịch sẽ rất cao
Thông tin từ UBND quận Thanh Xuân, khu vực ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi dự kiến sẽ phong tỏa đến hết ngày 28/9. Tính từ ngày 23/8 đến nay, phường Thanh Xuân Trung đã ghi nhận 594 ca dương tính.
Về cách ly tập trung, Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn thành phố còn 3.156 người đang cách ly, trong đó có 2.056 người tại khu cách ly tập trung cho F1 và người về từ vùng dịch; 137 người tại khu cách ly tập trung do quân đội quản lý, 869 người cách ly tại khách sạn, 94 người tại khu cách ly dành cho tổ bay.
Đáng chú ý, việc tiêm chủng được Hà Nội đẩy mạnh, với hơn 6,7 triệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó có hơn 5,76 triệu mũi 1 (đạt 95,71% dân số trên 18 tuổi và 69,42% tổng dân số); gần 950 nghìn mũi 2 (đạt 15,76% dân số trên 18 tuổi và 11,43% tổng dân số).
Phát biểu tại buổi giao ban trực tuyến ngày 25/9 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TP Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, thời gian qua, TP huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chống dịch, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của nhân dân. Thực tế triển khai cho thấy, nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách xã hội và khi nới lỏng thực hiện theo Chỉ thị 15 Thủ tướng Chính phủ.
Nói về việc tiêm vaccine, ông Phong cho biết chủ trương của Hà Nội là phải chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để khi có vaccine thì phải tiêm ngay, cùng đó là vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”. Trong khoảng 7 ngày, Hà Nội đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi, có điểm tiêm hoạt động đến 2 giờ sáng để tiêm hết cho người dân đã được mời.
Ông Phong cho biết thêm, Hà Nội chủ trương phong tỏa hẹp nhất có thể nhưng phải xét nghiệm rộng và trả kết quả ngay với công thức 4-6 (4 tiếng lấy mẫu, 6 tiếng trả kết quả). “Lãnh đạo thành phố không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Quan điểm này không chỉ được áp dụng trong thời gian giãn cách, mà cả khi nới lỏng hay hết giãn cách hoàn toàn” - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Sẵn sàng kịch bản đón học sinh trở lại trường
Hà Nội dự kiến cho học sinh (HS) trở lại trường vào tháng 11, trước hết là với khối lớp 6, lớp 9, lớp 10 và lớp 12 ở “vùng xanh”. Đó là 1 trong 4 kịch bản dạy học ứng phó với diễn biến của dịch Covid-19 mà Sở GDĐT phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và báo cáo UBND thành phố.
Sở GDĐT Hà Nội cho biết, Sở đã phối hợp với cơ quan y tế xây dựng 2 dự thảo, gồm: Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học và hướng dẫn chi tiết phòng, chống dịch Covid-19 tại trường để có thể đón HS trở lại trường.
Theo đó, bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học sẽ gồm 15 tiêu chí với 3 giai đoạn: Trước khi HS đến trường, khi đến trường và kết thúc buổi học… Bộ tiêu chí sẽ được áp dụng khi mở cửa trường học trở lại nếu điều kiện cho phép, giúp đánh giá nơi nào, cơ sở nào đủ điều kiện để đón HS tới trường học tập.
Khi HS đến trường, các cơ sở giáo dục phải đảm bảo 100% HS, cán bộ, giáo viên được đo thân nhiệt trước khi vào lớp học. Đồng thời phải đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt tại nhà trường. Khi HS kết thúc buổi học phải bảo đảm 100% HS, cán bộ, giáo viên giãn cách hợp lý, đeo khẩu trang từ khi rời trường trở về nhà; 100% HS mầm non và tiểu học được nhà trường bố trí giao nhận đầy đủ.
Dựa trên các tiêu chí trên, Sở GDĐT Hà Nội sẽ thực hiện đánh giá và xếp loại an toàn trường học ở 2 mức: Đạt và không đạt. Nếu đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá mức độ thực hiện chưa tốt, trường học không an toàn và chưa được phép đón HS đến trường.
Với trên 2 triệu học sinh các cấp, Hà Nội là địa phương có số HS lớn nhất cả nước. Theo Sở GDĐT, giữa các quận, huyện, thị xã của TP lại có sự chênh lệch đáng kể về điều kiện học tập cũng như diễn biến dịch Covid-19. Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì - ông Phùng Ngọc Oanh, cho biết các trường học đã sẵn sàng mọi phương án phòng dịch và có thể cho HS quay lại trường sớm hơn dự kiến.
Một số ý kiến cũng cho rằng, Hà Nội không nên quy định cứng về thời gian, địa điểm tổ chức học trực tiếp mà cần linh hoạt từng khu vực. Điều này là phù hợp với thực tiễn và cũng đúng theo tinh thần Công điện của Bộ trưởng Bộ GDĐT gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: “Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, Bộ GDĐT đề nghị cần tận dụng tối đa khoảng thời gian HS có thể đến trường để dạy học trực tiếp, nhất là các nội dung thực hành, thí nghiệm và kết hợp ôn tập, củng cố những nội dung lý thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh theo quy định”.
Nhận định tình hình dịch bệnh tại Hà Nội những ngày gần đây, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng số ca nhiễm đã ở mức độ an toàn hơn trước. Tuy nhiên, ông Phu cũng cho rằng, Hà Nội vẫn còn lác đác các ca F0 trong cộng đồng, chưa chấm dứt được hoàn toàn. Bởi thế, vẫn cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch. Hà Nội vẫn cần xét nghiệm hàng ngày các trường hợp ho, sốt, biểu hiện nghi nhiễm Covid-19. Còn PGS.TS Nguyễn Huy Nga cho rằng, theo các bước nới lỏng của Hà Nội, thì rất có thể thời gian tới sẽ đón số lượng lớn người lao động, sinh viên, học sinh từ tỉnh ngoài quay trở lại Thủ đô làm việc và học tập. Những trường hợp này phần nhiều chưa được tiêm chủng. Vì thế, rất cần chú ý tiêm chủng cũng như áp dụng các biện pháp y tế cần thiết.
Nhóm PV