Hà Nội: Người dân được mua hàng hóa phân theo vùng từ 6/9

An Chi 06/09/2021 11:04

Sở Công Thương Hà Nội vừa phát đi thông cáo về việc ''Người dân sẽ được mua hàng hóa theo từng phân vùng giãn cách, hạn chế đi từ nơi này sang nơi khác mua hàng'' theo 3 phân vùng cụ thể từ ngày 6/9.

Lãnh đạo Sở Công Thương cho biết: TP. Hà Nội sẽ rà soát thật kỹ, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng đảm bảo không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Với mạng lưới phân phối gồm 103 siêu thị, 449 chợ và 9.546 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu; Các điểm bố trí làm kho, bán hàng lưu động: 2.500 địa điểm; Các cơ sở chế biến lương thực, thực phẩm: 210 đơn vị; Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm: 52 đơn vị; 606 cửa hàng gas; 480 cửa hàng xăng dầu… Sở Công Thương Hà Nội sẵn sàng cung ứng, phân phối hàng hoá cho người dân theo từng phân vùng cụ thể. Người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Đảm bảo cung ứng hàng hoá cho các phân vùng ở Hà Nội.

Bên cạnh việc dự trữ hàng hóa, Sở Công Thương đã có phương án cung ứng cho từng phân vùng.

Đối với phân vùng một: Thành phố sẽ đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (Gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc), 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ (sữa uống, giấy vệ sinh, bỉm trẻ em, bỉm người lớn, băng vệ sinh phụ nữ)

Lượng hàng hoá trên sẽ được phân phối thông qua 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.

"Để mua hàng, người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán", Sở Công Thương cho biết.

Nếu mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện. Trong trường hợp người dân mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn, UBND các Phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm… để người dân tham gia mua sắm.

Đối với phân vùng 2: Theo Sở Công Thương Hà Nội sẽ có 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu.

Đối với phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp - sẽ có 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

Tại hai phân vùng này, phương án vận chuyển và cung ứng hàng hóa sẽ được thực hiện theo Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 7-8-2021 của UBND thành phố về việc bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nhân dân phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội.

Có thể thấy, mặc dù có một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị tạm đóng cửa nhưng chính quyền và hệ thống phân phối đã triển khai các hình thức cung ứng hàng hóa đa dạng đến người dân, hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định, người dân mua bán thuận tiện.

Các doanh nghiệp phân phối đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường và dự trữ trong 3 tháng; chủ động đưa hàng về các kho trong thành phố. Các cơ sở chế biến tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. Hiện, đã có gần 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội.

Bên cạnh đó, các hệ thống phân phối đa dạng các hình thức bán hàng (bán hàng truyền thống, bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, bán hàng không người bán, đăng ký phục vụ 24/24/7...) để phục vụ nhân dân.

Sở Công Thương cũng đã công khai 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu bán hàng online để cung cấp cho người dân tham gia mua sắm trực tuyến, nhờ đó giảm tải việc người dân đến trực tiếp các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Người dân được mua hàng hóa phân theo vùng từ 6/9

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO