Hà Nội: Người dân lúng túng với quy định mới về giấy đi đường

Quang Thành 04/09/2021 17:45

Việc Công an TP Hà Nội đề xuất UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR Code trong thời gian TP tiếp tục giãn cách xã hội nhận được vô số ý kiến trái chiều từ phía người dân.

Hà Nội sẽ áp dụng kiểm soát giấy đi đường mới từ ngày 6/9.
Hà Nội sẽ áp dụng kiểm soát giấy đi đường mới từ ngày 6/9.

Triển khai cấp giấy đi đường mới từ 4/9

Theo Công an TP Hà Nội, đơn vị này đã hoàn thành và từng bước triển khai phần mềm cấp, kiểm tra giấy đi đường có nhận diện bằng mã QR Code cho các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Từ ngày 3/9, Công an Hà Nội tập huấn trực tuyến cho cán bộ các địa phương về việc cấp và kiểm tra giấy đi đường có nhận diện thông qua mã QR Code. Để triển khai công việc trên, Công an Hà Nội đề nghị các địa phương chuẩn bị hạ tầng, trang thiết bị, như máy tính kết nối Internet, máy in, lập 3 địa chỉ email.

Theo đó, việc cấp giấy theo hình thức mới dự kiến triển khai từ sáng 4/9.

Về quy trình cấp giấy đi đường đối với mỗi đối tượng là khác nhau. Với các tổ chức, đơn vị sẽ đăng ký thông tin qua cảnh sát khu vực; cảnh sát khu vực thẩm định và chuyển lên cán bộ xã, phường. Hệ thống sau đó sẽ gửi mail xác nhận để tổ chức gửi email danh sách cán bộ cần cấp giấy đi đường và đính kèm tài liệu liên quan theo quy định.

Khi nhận được danh sách từ tổ chức gửi đến, cán bộ cấp phường sẽ duyệt hoặc từ chối sau đó gửi lại giấy đi đường được duyệt cho công an xã, phường đóng dấu xác nhận.

Những trường hợp không được duyệt, cán bộ xã, phường cũng phải gửi mail thông báo lại cho tổ chức được biết.

Đối với cá nhân, người dân đăng ký đề nghị cấp giấy đi đường với cảnh sát khu vực nơi cư trú; cảnh sát khu vực tiếp nhận, thẩm định thông tin và gửi danh sách cho cán bộ cấp phường để xét duyệt hoặc từ chối.

Khi giấy đi đường được duyệt, cán bộ xã sẽ gửi lại cho công an để đóng dấu xác nhận. Cuối cùng, cảnh sát khu vực sẽ nhận giấy đi đường đã đóng dấu gửi cho công dân.

Về quy trình cấp thẻ đi chợ, siêu thị, cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn quản lý sau đó gửi danh sách cho cán bộ phường để xét duyệt hoặc từ chối.

Cán bộ phường sau đó gửi lại thẻ đi chợ đã được duyệt cho công an để đóng dấu xác nhận. Cuối cùng, cảnh sát khu vực sẽ nhận thẻ đã đóng dấu gửi lại cho đại diện hộ gia đình.

Dự kiến có 6 nhóm đối tượng được lực lượng chức năng xét duyệt hồ sơ, cấp giấy đi đường, bao gồm: Các cá nhân thực hiện nhiệm vụ chính trị, công vụ, ngoại giao, thực hiện nhiệm vụ công tác, công vụ, dịch vụ công ích thiết yếu, tham gia công tác phòng, chống dịch, PV, BTV, kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, Công dân thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc, đi mua lương thực thực phẩm, Tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ công vụ, công ích thiết yếu.

Tính đến nay, Hà Nội đã 4 lần ban hành quy định về mẫu giấy đi đường, các lần trước đó đã bộc lộ những bất cập nhất định. Do đó, người dân lo ngại những quy định mới về mẫu giấy đi đường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, công việc cho người dân, doanh nghiệp và làm phiền cả các cơ quan chức năng đang căng sức chống dịch.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, anh Trần Mạnh T. (Cầu Giấy, Hà Nội) - chủ một hiệu thuốc tại Cầu Giấy bày tỏ lo lắng trước thông tin giấy đi đường mới sẽ do Công an TP phối hợp với địa phương triển khai cấp cho các đơn vị bởi chỉ vài ngày trước đó, anh đã phải chạy đôn chạy đáo để làm giấy đi đường cho nhân viên.

Tuy nhiên, với quy định mới này, toàn bộ giấy tờ xin cấp phép, phê duyệt trước đó đều "mất hiệu lực", anh T. sẽ phải "đau đầu" xin cấp giấy đi đường mới cho nhân viên để cửa hàng được tiếp tục hoạt động.

"Khi tìm hiểu các đối tượng được cấp giấy đi đường, tôi không biết mình thuộc nhóm nào trong 6 nhóm được cấp phép giấy đi đường", chị B., một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân chia sẻ.

Bên cạnh đó, một số người dân, tổ chức cho rằng, việc áp dụng kiểm tra giấy đi đường mới lần này được triển khai khá gấp gáp và bất cập.

"Trong khi thông báo mới nhất của Công an TP Hà Nội cho biết sẽ áp dụng kiểm soát giấy đi đường từ ngày 6/9, nhưng ngày 4, 5/9 lại rơi vào cuối tuần nên phía công ty tôi "trở tay không kịp". Trong trường hợp không kịp xin cấp giấy đi đường cho cán bộ nhân viên thì khó có thể đảm bảo sản xuất kinh doanh được diễn ra bình thường. Vì vậy, công ty đã thông báo tạm thời cho người đi làm nghỉ làm vào thứ Hai để chờ thông tin và hướng dẫn chi tiết, có giấy đi đường theo mẫu mới rồi mới đi làm trở lại", anh Ngô Thế H., chủ một công ty thiết bị y tế cho biết.

Thay đổi cần hiệu quả và không gây lãng phí

Theo các chuyên gia pháp lý, việc Hà Nội ban hành chính sách, văn bản để hướng dẫn người dân về giấy đi đường là cần thiết, tuy nhiên phải phát huy được hiệu quả, đơn giản, không gây phiền hà cho người dân.

Khi đề xuất cấp giấy đi đường cần thống nhất việc căn cứ vào địa điểm cư trú hay nơi làm việc. Do hiện tại, TP đã phân chia các vùng (đỏ, cam vàng) theo tình hình, diễn biến dịch Covid-19 cũng như mật độ dân số, việc kiểm soát người đi lại, ra vào tại từng khu là khác nhau.

Bên cạnh đó, khi thay đổi mẫu giấy đi đường, phía cơ quan chức năng cũng cần có thông báo, quy định đối với những trường hợp giấy đi đường đã được cấp thẩm quyền cấp duyệt trước đó. Những giấy này không còn giá trị hay vẫn còn hiệu lực cho đến khi được cấp giấy mới. Thời gian cấp giấy mới là bao lâu; trong thời điểm chưa có giấy mới thì việc đi lại của người dân sẽ xử lý như thế nào để không làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Dù nhiều lần thay đổi mẫu giấy đi đường nhưng hầu như đều cho thấy những bất cập nhất định. Vì vậy, trong trường hợp việc cấp giấy đi đường không kiểm soát được việc di chuyển của người dân, không chỉ mục tiêu kiểm soát dịch khó đạt được hiệu quả cao mà còn lãng phí nhân lực, vật lực cho mỗi lần thay đổi mẫu giấy.

Một vấn đề khác đặt ra là theo dự kiến quy trình cấp giấy đi đường có hai cơ quan (2 cấp) có thẩm quyền cấp giấy là Công an phường và Công an TP. Trong khi đó, đối tượng được phép đi lại theo Chỉ thị 16 tại Hà Nội là 6 nhóm.

Việc hai đầu mối này (Công an phường và Công an TP) cấp giấy đi đường có thể dẫn đến tình trạng quá tải, chậm trễ dẫn đến khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và quá tải về đầu việc đối với chính cơ quan Công an.

Bên cạnh đó, cảnh ùn tắc tại các chốt kiểm tra, không đảm bảo khoảng cách an toàn cũng kèm theo mối lo về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của toàn TP.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội: Người dân lúng túng với quy định mới về giấy đi đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO