Hà Nội những ngày dập dịch

Hải Nhi 03/05/2020 09:00

Sau hơn 3 tháng quyết liệt chống chọi với dịch Covid-19, Hà Nội đang dần trở lại nhịp sống thường nhật. Tuy nhiên, việc “mở cửa” cũng được vẫn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ.

Hà Nội những ngày dập dịch

Khu vực Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày phong tỏa dập dịch. Ảnh: Quang Vinh.

Đêm 6/3, khi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội công bố trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19, ca nhiễm 17 từ châu Âu trở về, cả thành phố như chao đảo bởi thứ dịch bệnh chết người cuối cùng đã ập vào thủ đô với gần 10 triệu dân, dù trước đó chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp phòng ngừa cứng rắn. Người dân lo lắng khi khu phố Trúc Bạch, quận Ba Đình bị phong toả.

“Đó là một đêm tôi thức trắng vì không biết rồi đây Hà Nội sẽ ra sao, bởi truyền thông liên tiếp đưa tin dịch bệnh với nhiều ca tử vong từ Vũ Hán (Trung Quốc) khiến chúng tôi không tránh khỏi lo sợ khi khu phố có người nhiễm bệnh”- anh Nguyễn Văn Quyền, người dân sống tại phố Trúc Bạch kể lại.

Rạng sáng 6/3, nhiều người Hà Nội đổ xô đi mua đồ tích trữ, xếp vòng trong vòng ngoài chờ thanh toán trước quầy thu ngân, thậm chí suốt cả ngày vẫn chưa dứt. Đến sáng 8/3, nguồn cung nhu yếu phẩm đã tăng gấp 3 đến 4 lần trong các siêu thị, các cửa hàng tiện ích… không còn cảnh chen lấn mua lương thực thực phẩm tích trữ, Hà Nội đã bước đầu giải toả được tâm lý bất an bởi nỗi lo thiếu nhu yếu phẩm của người dân trong dịch bệnh.

Sau ca mắc Covid-19 số 17, số bệnh nhân tăng khá nhanh. Diễn biến của dịch bệnh cũng phức tạp hơn rất nhiều khi người nhà, lái xe của bệnh nhân số 17 cũng bị lây nhiễm. Cùng với đó là thông tin phát đi từ Bộ Y tế về những ca bệnh từ nhân viên y tế, khách du lịch, người từ nước ngoài cấp tập về tránh dịch…khiến Hà Nội như trong “chảo lửa”. Thời điểm đó, Hà Nội đã triển khai rất nhanh chóng các kịch bản đã đề ra. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ đã truy xuất được các trường hợp F0, F1, F2, F3… Thành phố cũng đã thực hiện cách ly nghiêm ngặt toàn bộ những người trên các chuyến bay từ vùng dịch về. Nhiều điểm cách ly tập trung được hình thành, những người đi từ vùng dịch về đều được xét nghiệm sàng lọc và cách ly 14 ngày. Biện pháp này đã giúp ngăn chặn hiệu quả, triệt để nguồn lây từ bên ngoài.

Đến 1/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Cụ thể là thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0h ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Tính tới 19 giờ 30 ngày 1/4, Việt Nam có 218 người mắc covid-19, trong đó Hà Nội có 94 người. Ngay sau lệnh cách ly, Hà Nội dường như trở về thời chiến với quang cảnh đường phố vắng lặng, các cửa hàng không thiết yếu, nhà hàng, quán bar, quán cà phê đều “cửa đóng then cài”. Là một trong những điểm đến nổi tiếng của thế giới, nhưng các di tích, thắng cảnh, khách sạn cũng đồng loạt treo biển không đón khách bằng đủ thứ tiếng. Khu “ba sáu phố phường” náo nhiệt, chật chội là vậy giờ thênh thang, không bóng dáng du khách. “Hà Nội đóng cửa du lịch để dốc hết tâm sức bảo vệ sự an toàn cho thành phố cũng như sức khoẻ của mỗi người dân”, theo ông Trần Đức Hải - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Trong những ngày chống dịch, Hà Nội nổi lên 2 ổ dịch lớn là Bệnh viện Bạch Mai và ở thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh). Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” Covid-19 trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, khi nguồn lây bị mất dấu, bắt đầu từ việc bùng phát ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó, thành phố chính thức kích hoạt giai đoạn 3 của cuộc chiến với việc áp dụng các biện pháp cao hơn để ngăn chặn dịch bệnh. Cũng với ổ dịch Bạch Mai, có lẽ đó còn là những ngày được ghi vào lịch sử của đội ngũ nhân viên y tế, nhất là khi bệnh viện dựng cả khu dã chiến hoàn chỉnh chỉ trong một đêm để chuẩn bị sẵn sàng cho cả những tình huống, những diễn biến xấu nhất của dịch bệnh. Thời điểm đó, cả nước hướng về Bạch Mai với một niềm tin tất thắng.

Có thể thấy, hình ảnh các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch phải mặc quần áo phòng hộ trong suốt ca làm việc, mồ hôi ướt sũng, mắt quầng sâu, mặt hằn vết khẩu trang, họ tranh thủ ngủ gục trên bàn làm việc..., đã nói lên cuộc chiến vất vả trước covid 19 của nhân viên y tế, nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ. Như câu chuyện về những công dân chào đời trong Bệnh viện cách ly được Phó trưởng Khoa Phụ sản Trần Quốc Nhân trải lòng, gần 40 năm công tác ở Bạch Mai, chào đón những cháu bé sinh ra trong thời điểm này cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt. Nghe tiếng khóc cất lên, chúng tôi thật sự xúc động, lúc ấy không nói nên lời. Cảm giác không gian bệnh viện bị cách ly nhường cho tiếng trẻ sơ sinh, trong trẻo và tinh khiết.

Hay theo lời PGS.TS Nguyễn Mai Hồng- Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện lúc đó là “chiến trường”, mỗi y bác sĩ là một chiến sĩ. Lúc này, tất cả các y, bác sĩ của Bạch Mai rất vững tâm, không hề nao núng trước sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Chúng tôi vẫn rất vui vẻ, lạc quan và sẵn sàng xung kích vào bệnh viện tiếp sức cho nhau. Các bác sĩ có thể mang virus cho cả gia đình nhưng lúc cấp cứu bệnh nhân không ai nghĩ đến chuyện được bệnh nhân cảm ơn. Bởi vì, tất cả chúng tôi khi vào trường Y học đều xác định đức hy sinh.

Và thật may mắn, dịch bệnh Covid-19 ở bệnh viện Bạch Mai đã sớm được kiểm soát. Ngày 12/4, bệnh viện dỡ phong toả trong hạnh phúc vỡ oà của hàng trăm y, bác sĩ của bệnh viện vui mừng ôm nhau, vỗ tay, hô to khẩu hiệu “Bạch Mai chiến thắng”.

Thế nhưng mọi chuyện chưa dừng lại khi Hà Nội lại phát hiện ổ dịch mới ở Mê Linh, sau đó gấp rút khoanh vùng cách ly toàn bộ thôn Hạ Lôi- nơi bệnh nhân 254 sinh sống. Ngay trong đêm 9/4, 5 đội cơ động của CDC Hà Nội cùng 30 đội cơ động của các quận huyện thuộc thành phố đã được huy động về thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19. Đến 12/4 xét nghiệm toàn bộ 12.000 dân. Như vậy là có 13 ca từ ổ dịch Hạ Lôi, và cho tới thời điểm này Hạ Lôi vẫn trong thời gian cách ly. Người dân Hạ Lôi không chỉ được xét nghiệm sàng lọc nguy cơ, mà còn được bảo đảm đầy đủ nhu yếu phẩm, giúp họ yên tâm thực hiện cách ly. Nếu biện pháp khoanh vùng đều được thực hiện nghiêm túc như hiện nay, thì dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi. Có thể nói, đến ổ dịch Hạ Lôi thì Hà Nội đã đủ bình tĩnh để ứng phó với Covid-19.

Không chỉ nhân viên y tế hay những người dân trong ổ dịch mới được làm xét nghiệm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố, đã yêu cầu triển khai lấy mẫu, test nhanh sàng lọc cho các tiểu thương ở những chợ đầu mối lớn, như chợ Ngã Tư Sở, chợ Long Biên, chợ đầu mối Hoàng Mai, chợ hải sản, chợ gia cầm Hà Vĩ. Trong 2 ngày 18 và 19/4, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP Hà Nội phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện lấy 1.064 mẫu xác suất, xét nghiệm nhanh cho tiểu thương tại 5 chợ đầu mối. Kết quả, tất cả các mẫu đều âm tính với virus SARS-CoV-2. Trước đó, những người dân sống gần bệnh viện Bạch Mai cũng được xét nghiệm nhanh với Covid-19. Có thể thấy, sự quyết liệt của Hà Nội đã cho một kết quả khả quan trong phòng chống Covid-19. Cùng với đó, việc áp dụng biện pháp “giãn cách xã hội” với các quy định chặt chẽ đã được người dân ủng hộ và thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội cũng dẫn tới tình trạng đóng cửa nhiều doanh nghiệp nhỏ, khiến hàng ngàn người mất thu nhập. Đối với những người đột ngột mất thu nhập, các doanh nhân, doanh nghiệp, nhà tài trợ, hảo tâm đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thiết thực nhất. Như hình ảnh cây ATM gạo, siêu thị 0 đồng đến những kệ đồ thiết yếu trên nhiều con phố Hà Nội dành hỗ trợ người nghèo trụ vững mùa dịch Covid-19 là những nghĩa cử cao đẹp không chỉ làm ấm lòng những mảnh đời khó khăn, mà truyền thông quốc tế còn ngỡ ngàng và dành không ít lời khen ngợi. Điều đó đã thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Cùng với đó, thành phố đã thực hiện tốt các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Thực hiện trả lương tháng 4 và tháng 5 cho những người được hưởng. Lên danh sách các đối tượng được hỗ trợ...

Và dấu mốc khẳng định sự nỗ lực chặn đứng dịch bệnh Covid-19 của Hà Nội là từ 0h ngày 23/4, trừ huyện Mê Linh và Thường Tín, các quận huyện khác của Hà Nội đã ngừng cách ly xã hội, nhiều hoạt động kinh tế xã hội được khôi phục.

Nhưng nói như Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, chúng ta không dỡ bỏ hết tất cả yêu cầu về cách ly. Những nơi có nguy cơ cao như huyện Mê Linh, Thường Tín vẫn phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch mạnh mẽ. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng, hạn chế tụ tập đông người và coi đây là biện pháp bắt buộc.

“Người dân vẫn không được chủ quan để tránh việc tái nhiễm, hoặc lây nhiểm bởi có trường hợp ủ bệnh không có biểu hiện có thể lây bệnh trong cộng đồng”- ông Chung nhấn mạnh.

Nhìn nhận về cuộc chiến chống dịch của Hà Nội, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nhận định: Hà Nội được xác định là “điểm nóng” của dịch Covid-19 do là một địa bàn đông dân, phức tạp về mặt dịch tễ. Thế nhưng, thời gian qua, thành phố đã triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch. Bạn bè quốc tế cũng bày tỏ ngưỡng mộ đối với công tác phòng, chống dịch của Thủ đô ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội những ngày dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO