Hà Nội sẽ thí điểm nhiều chủ trương về công tác cán bộ

Khánh Ly 29/04/2021 17:14

Hà Nội sẽ tổ chức thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng; Bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình...

Sáng 29/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 4. Nhiều vấn đề liên quan đến công tác cán bộ được đưa ra họp bàn ở hội nghị này.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác cán bộ là “công việc then chốt của then chốt, quyết định thành bại của mọi công việc”, với vai trò là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với vị trí là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trong những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Do đó, dự thảo Nghị quyết có nhiều quan điểm, chủ trương, nội dung mới có tác động trực tiếp tới đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp của thành phố. Từ đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị, các đại biểu tham gia đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, sát thực để hoàn thiện Nghị quyết một cách toàn diện, đúng đắn và khả thi.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị.

Trình bày Tờ trình về Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, Dự thảo Nghị quyết về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo có mục tiêu kế thừa và phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục có hiệu quả các hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời đổi mới, đột phá trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp của TP với cách làm thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bài bản và hiệu quả. Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, công hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô; nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới.

Hoàn thiện đồng bộ, đầy đủ, thống nhất hệ thống các quy định, quy chế, quy trình công tác cán bộ đảm bảo khoa học, khách quan, dân chủ, minh bạch, chặt chẽ từ TP đến cơ sở. Thực hiện tốt công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của TP bảo đảm tính kế thừa, liên tục, phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy khoa học, đổi mới, có phương pháp, kỹ năng, phong cách làm việc hiện đại, chuyên nghiệp; được bố trí đúng vị trí việc làm, khung năng lực, tiêu chuẩn chức danh.

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, một trong những giải pháp Hà Nội đặt ra để đạt được các mục tiêu nêu trên là triển khai thí điểm một số chủ trương công tác cán bộ theo tinh thần nghị quyết TƯ 7 như: Đề án thi tuyển một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp phòng; Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; Quy định người đứng đầu lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong quy hoạch để thực hiện quy trình bâu cử, bổ nhiệm cấp phó của mình; Bí thư cấp ủy giới thiệu để bầu ủy viên ban thường vụ cấp ủy và chịu trách nhiệm về việc giới thiệu của mình; Phân cấp, giao quyền cho người đứng đầu bổ nhiệm cán bộ trong quy hoạch, miễn nhiệm đối với cán bộ cấp trưởng cấp dưới trực tiếp theo các quy trình, quy định về công tác cán bộ. Đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ qua việc thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá hàng tháng đối với cán bộ, công chức, người lao động; sửa đổi Quyết định số 3814-QĐ/TU, ngày 16/5/2018 của Thành ủy cho phù hợp với tình hình thực tiễn, bổ sung tiêu chí đánh giá, lượng hóa kết quả thực hiện nhiệm vụ của cá nhân; thực hiện đánh giá đa chiều, liên tục, đảm bảo nguyên tắc và quy trình dân chủ, khách quan, chính xác, công khai, minh bạch; kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, lãnh đạo, quản lý phải dựa vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của tập thể.

Kết quả hàng tháng là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm; thực hiện đồng bộ công tác đánh giá cán bộ, công chức với đánh giá đảng viên hàng năm; kết quả đánh giá cán bộ là tiền đề cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng luân chuyển, điều động và sử dụng cán bộ. Tiến tới thực hiện việc quản lý tình hình, kết quả đánh giá cán bộ hàng tháng, hàng năm thông qua phần mềm thống nhất từ TP đến cơ sở.

Cũng theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, một trong những khâu đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ là công tác quy hoạch cán bộ. Theo đó, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải đảm bảo nguồn quy hoạch “động” và “mở”; đảm bảo hệ số, cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cơ cấu đúng chuyên môn đào tạo, theo vị trí việc làm, theo khối, lĩnh vực và kinh nghiệm công tác gắn với phát hiện nhân tố mới, cán bộ trẻ qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành và có chiều hướng, triển vọng phát triển tốt; quy hoạch phải đảm bảo tính khả thi. Phát hiện, lựa chọn những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc của TP để giới thiệu TƯ quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội sẽ thí điểm nhiều chủ trương về công tác cán bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO