Trong 9 tháng qua, dù dịch bệnh bủa vây nhưng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố Hà Nội vẫn tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020. Có được những kết quả đó là nỗ lực không ngừng…
Trụ đỡ nông nghiệp
Dẫu trong 9 tháng một số ngành dịch vụ của Hà Nội có mức tăng trưởng âm nhưng xét tổng thể thì tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố lại tăng 1,28% so với cùng kỳ năm 2020.
Kết quả đó là nhờ vào các “điểm sáng” của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khi ước tính tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,6 điểm % vào mức tăng GRDP. Tương tự, khu vực công nghiệp và xây dựng ước tính tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2020, đóng góp 0,4 điểm % vào mức tăng GRDP; trong đó ngành công nghiệp tăng 4,32%, đóng góp 0,59 điểm %; ngành xây dựng giảm 2,37% làm giảm 0,19 điểm % mức tăng chung GRDP.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 9 tháng là 176.737 tỷ đồng, đạt 75% dự toán Trung ương giao (đạt 70,3% dự toán thành phố giao), bằng 105,4% so với cùng kỳ.
Thời gian từ giờ đến cuối năm chỉ còn vài tháng, để cả năm 2021 tăng trưởng đạt 4,54% là vấn đề khá thách thức. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu không có những đột phá về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh về tín dụng, thuế, thị trường nhân lực cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính e rằng tăng trưởng của Hà Nội sẽ khó đạt.
Tăng cường đối thoại với doanh nghiệp
Hiện UBND TP Hà Nội đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm. Cụ thể Hà Nội xác định: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu-chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, trong những tháng cuối năm, căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh, hiện thành phố đang giao các ngành tập trung phân tích và tham mưu kế hoạch phục hồi và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế căn cứ theo lộ trình chuyển trạng thái trong tình hình mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp, giảm mức độ ảnh hưởng của dịch, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi tối đa cho sản xuất, kinh doanh, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, để khôi phục sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư của thành phố trong những tháng cuối năm thì nhiều đại biểu HĐND TP Hà Nội kiến nghị thành phố nên khoanh vùng hạn chế, áp dụng tối đa công nghệ thông tin, đảm bảo sự lưu thông hàng hóa của người dân, cũng như cần tăng cường thời gian đối thoại với doanh nghiệp, trước khi ban hành chính sách, để sát với đối tượng và chính sách đi vào cuộc sống.
Hà Nội sẽ đưa 3 huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh lên thành phố trực thuộc Thủ đô
HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của TP Hà Nội. Theo Tờ trình của UBND TP, đáng chú ý, trong lĩnh vực quy hoạch, đô thị, UBND TP Hà Nội sẽ xây dựng, trình phê duyệt Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; nghiên cứu đề xuất chủ trương và quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh thành thành phố.
Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cũng hoàn thành các quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, các đô thị vệ tinh; quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các khu dân cư làng xóm hiện có, cải tạo chỉnh trang các khu vực hai bên tuyến đường giao thông. Cùng với đó, hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm. Phát triển các tuyến đường có tính kết nối với các đô thị vệ tinh và kết nối vùng nội vùng và liên vùng.
T.H.