Từ đầu năm 2021 đến nay, cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp, khó lường. Trên “mặt trận” mạng xã hội, chúng ta lại phải đối diện với hàng loạt thông tin sai sự thật.
Trước thực tế đó, TP Hà Nội đã và đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Cảnh giác với tin giả giữa mùa dịch
Những ngày này, các bộ, ngành, địa phương và TP Hà Nội đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao nhằm đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và an sinh xã hội. Chính vì vậy, những thông tin chỉ đạo, điều hành từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và của Bộ Y tế, các cấp, các ngành TP Hà Nội về dịch bệnh bao giờ cũng là những tin “hot”, được nhiều người dân quan tâm.
Chống dịch Covid-19 và dịch “fake news”
Trên “mặt trận” truyền thông, từ internet (gồm: trang tin, báo điện tử, mạng xã hội...), đã có rất nhiều bài viết hay và bổ ích giúp mọi người cập nhật tình hình và biết cách phòng tránh bệnh dịch. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn vô số bài viết chỉ nhằm mục đích câu khách /view/like.
Khắp các diễn đàn, mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube... đâu đó vẫn còn những video clip bị cắt xén, lồng ghép vào là những giọng điệu hù doạ, làm hoang mang dư luận, nhưng lại thu hút được nhiều người quan tâm và chia sẻ. Có những bài viết được giật những cái tít thật kêu, nhưng nội dung thì “không có gì” chỉ để tăng tỉ lệ tương tác, like hoặc có thể có mục đích xấu. Có những bài là “vay mượn” ý tưởng từ tác giả khác, rồi “xào” lại như thể là ý tưởng của mình. Còn có cả những bài viết được lấy về từ trang web khác dán vào web của mình mà không cần phải trích nguồn...
Kết quả là những trang web hữu ích, tài khoản uy tín thì cứ âm thầm phục vụ không lợi ích, còn những trang web, tài khoản mạng xã hội giỏi cắt xén vay mượn và tạo tin giả (fake news) thì được hưởng lợi cách bất chính từ công sức của người khác. Nguy hiểm hơn, hiện nay, nhiều status, comment, chia sẻ của các tài khoản mạng xã hội Facebook đã thông tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Tin vào “fake news”, nhiều người tỏ ra chủ quan, lơ là, bất chấp lệnh cấm, vi phạm các biện pháp phòng chống dịch và cũng có nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng thái quá, đặc biệt trước thông tin về số ca mắc mới, lịch trình di chuyển của ca bệnh không đúng với diễn biến tình hình thực tế, thông tin do cơ quan chức năng đưa ra.
Tăng cường xử lý nghiêm thông tin sai sự thật
Từ đầu năm 2021 đến nay, cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 ngày một diễn biến phức tạp, khó lường, trên “mặt trận” mạng xã hội chúng ta lại phải đối diện với hàng loạt thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh.
Quan điểm chỉ đạo chung Thường trực Thành ủy Hà Nội hiện nay là không để mất “thế trận”; phải làm tất cả để kiểm soát tình hình, triển khai các biện pháp đồng bộ, toàn diện trên khắp các “mặt trận”; tập trung khoanh vùng, cách ly những “điểm nóng” là nơi có ca nhiễm Covid-19, đồng thời bảo vệ, ngăn ngừa dịch xâm nhập những điểm an toàn.
Trả lời báo chí trước thông tin có hay không việc sẽ thực hiện giãn cách toàn Thành phố để phòng, chống Covid-19, mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định, thành phố chưa xem xét phương án này ở thời điểm hiện tại.
Đây được xem là động thái mạnh mẽ và quyết liệt của người đứng đầu thành phố trước những thông tin không chính xác gây hoang mang dư luận, đặc biệt trên các diễn đàn, mạng xã hội hiện nay.
Chỉ trong 3 ngày 12, 13 và 14/5/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chủ tài khoản Facebook có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật về ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vi phạm quy định tại Điểm e, Khoản 1 Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP.
Trước đó, ngày 10/5, Sở TT&TT Hà Nội cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Văn Duy (39 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), chủ tài khoản Facebook có tên “Hà Nội Phố” (địa chỉ: https//www.facebook.com/hanoiphotv) do có hành vi "cung cấp thông tin sai sự thật” - thông tin “Hà Nội phố thông thoáng trong ngày đầu phong tỏa” kèm theo một video về trải nghiệm đường phố Hà Nội ngày 4/5/2021.
Đó chỉ là một số ví dụ các trường hợp trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua đã bị xử lý về việc đăng tải các thông tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở TT&TT đã phát hiện và xử lý trên 30 trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt 270 triệu đồng. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở TT&TT cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên nhân các đối tượng đăng tin chủ yếu nhằm mục đích “câu view, câu like”, một số khác gửi tin nhắn cảnh báo trong các nhóm kín. Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Sở TT&TT Hà Nội tới đây sẽ tập trung tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận.
Sở TT&TT cũng khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả
Giữa “cơn bão” thông tin thật - giả trên môi trường mạng như hiện nay, vai trò của các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí chính thống càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí cần tăng cường cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác, hạn chế cơ hội cho những đối tượng lợi dụng sự kém hiểu biết, sự tò mò của người dân... để thông tin sai sự thật nhằm kích động, trục lợi... Khi tỉnh táo, hiểu rõ bản chất tin tức vô căn cứ trên mạng xã hội, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin mà họ quan tâm.
Các tòa soạn cần phải hợp tác với nhau để đẩy ra những thông điệp nhất quán xung quanh những thông tin sai trái. Cần viết những tin, bài tiêu đề có trách nhiệm chứ không nên sử dụng thủ thuật SEO để câu view mà hậu quả là càng tăng thêm sức mạnh cho “tin đồn, tin nhảm”.
Các cơ quan báo chí tiếp tục thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh, lưu ý tránh đưa tin thụ động, một chiều, phải có phân tích, so sánh, đánh giá khách quan, trung thực, để nhân dân hiểu được, biết được về tình hình dịch bệnh, các biện pháp, trách nhiệm phòng, chống dịch; truyền cảm hứng để nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ và tích cực hợp tác, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tinh thần chung truyền thông là để “dân hiểu, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát và dân thụ hưởng thành quả”...
Tin giả (fake news) được hiểu là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung, được khuếch tán trên Internet và các phương tiện truyền thông. Một điều tệ hại là những thông tin sai lệch có xu hướng lan truyền nhanh hơn tin thật trên các dịch vụ truyền thông xã hội. Đây là một thực trạng đáng báo động, khiến các nhà chức trách, cơ quan thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn.
Tại Điều 8 và Điều 9 Luật An ninh mạng 2018 nêu rõ: Nghiêm cấm hành vi thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.