Hà Nội xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở 4 quận nội thành: Thận trọng khi chọn địa điểm

Tuấn Việt 17/07/2017 08:35

Khi không gian tĩnh đang thiếu thốn nghiêm trọng thì kế hoạch lập và phê duyệt quy hoạch 4 bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội thành Hà Nội là việc làm cấp bách. Tuy nhiên, việc lựa chọn địa điểm để xây dựng liệu đã thực sự phù hợp.

Giao thông tĩnh Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu. (Ảnh: TTXVN).

Giao thông tĩnh mới đáp ứng 10% nhu cầu

Theo kết quả thống kê mới đây của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đến hết năm 2016, diện tích dành cho giao thông tĩnh toàn tại Hà Nội chỉ đạt khoảng gần 40 ha tương đương 0,12 % diện tích đất ở đô thị. Trong đó, hệ thống các bến bãi, điểm đỗ xe khoảng 134 điểm với tổng diện tích khoảng 258.890 m2, cho phép đỗ trên 7.000 xe. 127 điểm đỗ xe trên hè phố, đất lưu không với diện tích 73.639 m2, sức chứa khoảng 4.500 xe. Còn lại là khoảng gần 200 điểm trông giữ xe của các cơ quan tận dụng các diện tích đất lưu không như sân trường, bệnh viện, trụ sở cơ quan, kho tàng hoặc các hầm ngầm của các khách sạn lớn, nhà chung cư… để làm điểm đỗ.

Tuy nhiên, với diện tích đó, nếu so với sức tăng chóng mặt của phương tiện cá nhân trong vòng 5 năm qua rõ ràng chưa thực sự tương xứng. Theo báo cáo của Phòng CSGT CATP Hà Nội, Toàn TP, có khoảng 5,4 triệu xe máy và khoảng 470.000 xe ô tô, và với tốc độ đăng ký mới 20.000 xe máy và 8.000 xe ô tô mỗi năm, đến năm 2020, tức khoảng 3 năm nữa, Hà Nội sẽ có trên 6 triệu xe máy và 700.000 xe ô tô. Đó là chưa kể hơn ngần ấy phương tiện từ các tỉnh lân cận đổ về Hà Nội. Diện tích giao thông tĩnh vì thế ngày càng đè nặng sức ép, chỉ đáp ứng 10% nhu cầu thực tế.

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, sự khan hẹp của giao thông tĩnh một phần do sự phát triển quá nhanh của thủ đô Hà Nội. Nhiều chung cư cao tầng, trung tâm thương mại, đại dự án mọc lên như nấm đã “chiếm” luôn các diện tích được “khoanh vùng” trước đây làm điểm đỗ xe công cộng. Đất vàng bị chiếm, sức tăng mật độ dân cư chóng mặt, đó cũng là kết quả để cho các quận như Đống Đa chỉ đạt 4,23% nhu cầu điểm đỗ, quận Thanh Xuân đạt 8,1%, quận Tây Hồ đạt 6,69%, quận Hoàn Kiếm 5,17%… nhu cầu của phương tiện.

Một trong những giải pháp cấp bách, theo ông Viện, Hà Nội đã đề xuất xây dựng 4 bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội thành Hà Nội. Đó là các bãi đỗ xe tại Công viên Nhân Chính (quận Cầu Giấy), Nhà thi đấu Quần Ngựa (quận Ba Đình), Công viên Thống nhất (quận Hai Bà Trưng), Quảng trường cách mạng 19/8 và Vườn hoa Cổ Tân (quận Hoàn Kiếm). Riêng đối với bãi đỗ xe trong công viên Thống Nhất sẽ được xây dựng với quy mô 5 tầng hầm. Trong đó tầng hầm 1 có chức năng thương mại dịch vụ, 4 tầng hầm phía dưới còn lại để xe. Hiện đang có nhà thầu tư vấn Nhật Bản đang xây dựng quy hoạch mạng lưới không gian bãi đỗ xe ngầm tỷ lệ 1/2.000.

Cẩn trọng khi lựa chọn địa điểm

Cả 4 khu vực được lựa chọn làm điểm đỗ xe ngầm hiện nay đều thuộc những quy hoạch mang tính chiến lược về cảnh quan, xã hội, kiến trúc thượng tầng đô thị. Vấn đề đáng nói là trong khi nhiều dự án sử dụng đất để hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích, việc sử dụng quỹ đất tại những điểm quy hoạch trên liệu có thực sự phù hợp? Đơn cử như tại nhà thi đấu Quần Ngựa. Khu vực các phường Liễu Giai, Cống Vị, Ngọc Hà, một phần diện tích đất giáp ranh với quận Tây Hồ gần đó, rất nhiều quỹ đất đã và đang được dành cho dự án, hoặc đã lập dự án nhiều năm nhưng chưa thể thực hiện. Hay khu vực Công viên Nhân Chính, nhiều dự án sử dụng đất đang được cho thuê làm sân bóng, gara ô tô, nhà hàng… nhằm mục đích “đánh lừa thị giác”.

Có ý kiến cho rằng, làm bãi đỗ xe ngầm không ảnh hưởng tới phần nổi của hiện trạng. Song nếu tận dụng những diện tích của những dự án lãng phí nhiều năm, diện tích giao thông tĩnh sẽ được cả nổi lẫn ngầm, đặc biệt sẽ giảm áp lực lớn về kinh phí. TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, bản chất của giao thông tĩnh Hà Nội là nửa vời và đi ngược với quy hoạch.

Giao thông có trước, nhà mới có sau nhưng với Hà Nội thì lại làm ngược lại. Nhiều chủ đầu tư “xí” rất nhiều đất “vàng” rồi không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chuyển đổi mục đích khác. Quỹ đất Hà Nội không thiếu diện tích để làm giao thông tĩnh. Nhưng với một tòa nhà cao chọc trời và một bãi xe phục vụ an sinh, vế một luôn được ưu tiên, và trên thực tế lại luôn đi sau chót, thậm chí không thể thực hiện.

Giải pháp cấp bách bãi đỗ xe ngầm, kinh phí lớn rất nhiều lần so với những bãi xe thông minh tư nhân đang hình thành ở nhiều tuyến phố hiện nay. Vấn đề là tư duy và cách thực hiện, liệu có bị trói buộc bởi những lợi ích?

Giải pháp cho giao thông là ưu tiên tiên vốn đầu tư xây dựng một số bãi đỗ xe lớn theo quy hoạch như Xuân Phương, Vĩnh Quỳnh, Mai Lâm, Lĩnh Nam, Bắc Yên Viên… Bố trí các khu vực đỗ tập trung tại khu vành đai khu vực phố cổ. Tận dụng bố trí điểm đỗ xen kẽ trong khu vực cây xanh công viên và những điểm đỗ ngầm dưới công trình xây dựng mới. Từ khu vực vành đai 2 trở vào sẽ được ưu tiên quy hoạch phát triển bãi để xe cao tầng. Tập trung xây dựng các bãi đỗ xe đấu nối với hệ thống giao thông công cộng sẽ đưa vào sử dụng như tuyến buýt Yên Nghĩa - Kim Mã, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hà Nội xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở 4 quận nội thành: Thận trọng khi chọn địa điểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO