Hạ tầng phía Nam chuyển mình đầu năm mới

ĐOÀN XÁ 10/01/2022 09:00

Sau 1 năm dài bị ngưng trệ vì dịch Covid-19 và cả lý do khác, đầu năm 2022 này nhiều dự án hạ tầng quan trọng ở TPHCM đang gấp rút triển khai, với những bước ngoặt lớn.

Nhiều dự án trọng điểm quốc gia được TPHCM tích cực triển khai từ đầu năm.

Được dự kiến hoàn thành năm 2022 nhưng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã lỡ hẹn vì dịch Covid-19. Hiện hầu hết các gói thầu xây dựng của dự án đã gần như hoàn thiện. Gói thầu xây lắp, vận hành đang tích cực triển khai với phần lớn các toa tàu metro được vận chuyển thành công từ Nhật Bản về TPHCM. Không chỉ là dự án hạ tầng giao thông công cộng, tuyến metro số 1 còn tạo hệ thống không gian ngầm hiện đại, kết nối nhiều dịch vụ khác ở khu vực chợ Bến Thành (quận 1).

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, tuyến metro này được kỳ vọng sẽ thay đổi diện mạo nhiều khu đô thị từ TP Thủ Đức cho tới trung tâm thành phố. Theo kế hoạch, cuối năm 2023 tới dự án sẽ cơ bản hoàn tất để phục vụ khai thác thương mại. Song song với tuyến metro số 1, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương cũng dự kiến sẽ khởi công trong năm 2022 sau nhiều lần trì hoãn.

Hiện nay khúc mắc lớn nhất của dự án vẫn là giải phóng mặt bằng. Với đặc thù đi qua nhiều quận trung tâm như quận 3, quận 1, quận 10, Tân Bình, Tân Phú... nên việc giải phóng mặt bằng khá khó khăn, với hầu hết đất giải tỏa là mặt tiền đường lớn. Ngoài ra do thay đổi về bảng giá đất cũng khiến việc đền bù kéo dài mấy năm qua. Thực tế ghi nhận hiện nay bên cạnh các khu vực đã giải tỏa xong, nhiều khu vực chủ yếu là nhà dân vẫn chưa được giải tỏa.

Ngoài 2 siêu dự án trên, TPHCM cũng dự kiến phối hợp cùng doanh nghiệp đầu tư hoàn thành dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng trong năm 2022. Từng nhận được nhiều kỳ vọng và dự kiến hoàn thành năm 2018 nhưng dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỷ đồng hiện đã phải tạm ngưng nhiều tháng sau khi hoàn thành tới hơn 90% khối lượng công việc.

Cũng là các dự án trọng điểm quốc gia, năm 2022 TPHCM sẽ khởi công và tích cực thực hiện các dự án gồm đường cao tốc TPHCM-Mộc Bài, đường cao tốc TPHCM-Chơn Thành, đường Vành đai 2. Đây đều là các dự án có quy mô đường cao tốc, kết nối với các tỉnh lân cận có vai trò to lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Theo nhiều chuyên gia, dù đồng loạt thực hiện và triển khai nhiều dự án nhưng thực tế các dự án này đều được chuẩn bị kỹ lưỡng, được xây dựng từ nguồn ngân sách Nhà nước nên chủ động về nguồn vốn, không phụ thuộc vào dòng vốn tư nhân như các dự án PPP khác.

Ngoài các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như trên, TPHCM cũng đẩy mạnh giải ngân để thực hiện các dự án hạ tầng quan trọng khác. Trong đó, tổng nguồn vốn dự kiến là khoảng 45.000 tỷ động. Cụ thể, đó là các dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) với số vốn 1.000 tỷ đồng. Đây là dự án có kế hoạch triển khai từ rất lâu nhưng vì nhiều lý do chưa thực hiện được.

Ngoài ra, dự án xây dựng nút giao thông An Phú (nối cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây) với 365 tỷ đồng cũng được gấp rút triển khai trong năm 2022 này. Cuối cùng, cụm dự án được kỳ vọng để giải quyết tình trạng ùn tắc kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là tuyến đường nối từ đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa với tổng vốn 4.800 tỷ đồng, dự án còn làm cầu vượt trước ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, cải tạo đường Cộng Hòa, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám... cũng đều sẽ triển khai ngay trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hạ tầng phía Nam chuyển mình đầu năm mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO