Hai câu hỏi cuộc đời trong 'Vía phố hồn quê'

Nhà thơ Ðặng Huy Giang 22/09/2019 08:00

Trong “Vía phố hồn quê”, Phạm Công Đoàn có hai bài thơ khiến tôi đặc biệt chú ý. Bài thứ nhất thuộc về “Hội làng”. Bài thứ hai thuộc về “Trầm cảm”. Hai bài thơ này như hai bức tranh có giá trị phản ánh, cảnh báo, cảnh tỉnh sự xuống cấp, sự tha hóa, như là mặt trái, là sản phẩm thừa của một xã hội thị trường. Ấy cũng là sự xuống cấp về mặt văn hóa, về mặt tinh thần. Dường như những “mặt trái”, những “sản phẩm thừa” ấy trở thành một “thế lực”, đã hiện ra rõ mồn một và đang lấn át những giá trị của đạo đức, của văn minh.

Hai câu hỏi cuộc đời trong 'Vía phố hồn quê'

Nhà thơ Phạm Công Đoàn.

Đây là minh chứng thứ nhất qua “Hội làng”:

Không thấy tinh thần đâu, thấy vật chất ùn ùn

Xô đẩy dữ dằn giằng bùa cướp ấn

Mắt xanh mỏ đỏ khấn

Quần bò áo phông mò vào hậu cung

Cờ ngũ hành màu sắc rối tinh

Câu tục ngữ dân ca chẳng dám ra đình

Cờ lá chuối cắm hai bên cầu

Tiếng Anh ỡm ờ, tiếng Việt dậm giật

Nồi lẩu văn hóa sền sệt

Hóa chất tẩm nhang thơm ghê ghê…

Đây là ví dụ thứ hai qua “Trầm cảm”:

Nhiều lúc không phải đầu óc mình nghĩ

Mà lòng mình nghĩ

Sao con mình bỏ chồng, cháu phải học thêm

Sao vào bệnh viện phải phong bì mặt mũi rất gian

Sao ai kia vào họp mà cứ thì thầm dấm dúi…

Nếu ở ví dụ thứ nhất là sự “lên ngôi” của những hiện tượng nhốn nháo, thì ở ví dụ thứ hai là sự “lên ngôi” của những hiện tượng vừa không nên có, vừa không đáng có, vừa khuất tất. Và tất cả “thành nỗi buồn đi vào gan ruột” của chính tác giả đến nỗi “tự nhủ với lòng mình thôi đừng buồn nữa/ Đã tự nhủ lòng vậy rồi sao lại thấy buồn hơn”.

Cả hai bài thơ tuy viết bằng bút pháp hiện thực, thiên về thực chứng, nhưng chúng đứng được, đi được vào lòng người đọc vì cái tâm, cái tình, vì cái ý, cái tứ, cái tổng thể, cái toàn bộ trong thời buổi mà cái “duy vật chất” đang lấn át cái “duy tinh thần”. Thêm nữa, chúng còn mang một phần dấu ấn của lối sống đương thời và là một thứ thơ gắn với đời sống, có ích với đời sống.

Khi trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, Phạm Công Đoàn có bài “Hỏi”:

Bao năm lang bạt kỳ hồ

Ngày lạc lõng bạn, đêm chơ vơ mình

Bao năm thế chấp bóng hình

Ta ở đâu giữa u - minh cõi người?

Hai câu hỏi cuộc đời trong 'Vía phố hồn quê' - 1

Khi bình bài thơ này, tôi đã viết:

“Người “lang bạt kỳ hồ” là người ưa trôi dạt, xê dịch, nay đây, mai đó. Như thế cũng có nghĩa là người đi nhiều, sống nhiều, hiểu nhiều và cũng là người giàu trải nghiệm. Bi kịch lớn nhất của con người nói chung và người “lang bạt kỳ hồ” nói riêng là không tìm ra tri âm, tri kỷ. Bởi thế mà trong vai một người như vậy, nhà thơ Phạm Công Đoàn đã có lúc phải thở dài ngán ngẩm: “Ngày lạc lõng bạn, đêm chơ vơ mình”. Và tuy có lúc phải “thế chấp” cả “bóng” lẫn “hình” nhưng vẫn không biết vị trí mình nằm ở đâu

“Thế chấp bóng hình” là sự đánh đổi gần như đến tận cùng. Đây là biểu hiện sự quyết liệt của thái độ sống.

Với thơ, việc đưa được hai từ “thế chấp” vào câu “bao năm thế chấp bóng hình”, cho thấy một khả năng sử dụng ngôn ngữ của Phạm Công Đoàn trong một văn cảnh cụ thể.

Câu kết: “Ta ở đâu giữa u - minh cõi người”đặt ra một câu hỏi muôn thuở, mang tính phổ quát, mà bao nhiêu năm rồi, hậu thế vẫn còn băn khoăn: Ta ở đâu giữa vùng sáng - tối, giữa vùng sáng không ra sáng, tối không ra tối này, khiến ta mãi cô đơn và một mình đến vậy?

Đặt ra câu hỏi ấy đã là thành công của “Hỏi”. Chắc Phạm Công Đoàn đã từng rất thấu hiểu hai câu thơ thật sâu sắc của Nguyễn Công Trứ: “Khôn ngoan chẳng qua ba tấc đất/ Hẳn hoi không đủ một bàn tay”, thì phải?

Ở đời, người tri âm, tri kỷ và hẳn hoi, đâu có nhiều!”

Đấy cũng là dấu ấn cá nhân của người viết.

Chỉ bằng ba bài thơ trên, Phạm Công Đoàn đã trả lời được một phần hai câu hỏi mà bất kỳ người viết có trách nhiệm nào cũng nên nghĩ tới: Anh là ai? Thời đại anh đang sống là thời đại nào?

Chưa hết. Trong “Vía phố hồn quê”, Phạm Công Đoàn còn chứng tỏ có sở trường về thơ lục bát.

Đây là một cặp lục bát trong “Ngày xuân lên chùa”: “Đường về muôn nẻo chuông ngân/ Nghe như muôn nẻo mùa xuân cùng về”. Đây là hai cặp lục bát trong “Nhớ quê”: “Đêm qua mình ra khỏi mình/ Về quê trong mộng gặp tình ngày xưa/ Tình xưa gạn nắng lọc mưa/ Nương theo mùa vụ cho vừa hôm nay”.

Tôi cũng thích cách nói và ý lạ của những câu: “Thời gian trong miệng thành thức ăn/ Giọng bạn trong ta ngời âm tiết”, “Mặt trời thu vào giọt nước mắt” (“Con đường tâm linh”); “Tôi là người không cần ai đóng thế/ Cũng chẳng ai đóng thế được tôi” (“Ngày lại ngày…”); “Một mái nhà sao giống một con thuyền/ Mà mặt đất giống như đại dương cũng chất chồng sóng gió/ Trên đất bằng, chúng ta vượt cạn/ nhà chúng mình là tổ ấm, em ơi!”; “Bởi quyền lực thường đẻ ra tiền/ Tiền cũng thường đẻ ra quyền lực” (“Mẫu số”)…

Khép lại bài viết này, xin dẫn chứng thêm một bài thơ lục bát nữa mang tên “Hợp long” của Phạm Công Đoàn. Chỉ có những phút giây hợp long của một cây cầu ấy thôi, vậy mà trong ông cũng đầy ngẫm ngợi theo cách của một nhà thơ:

Sông chảy dọc

cầu đâm ngang

ngoái nhìn bến cũ

dở dang kiếp đò

Đêm đêm

thao thức đôi bờ

đội vầng trăng

khát khao giờ

hợp long.

Phố Khuất Duy Tiến
(đêm 11 – 9 - 2019)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai câu hỏi cuộc đời trong 'Vía phố hồn quê'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO