Hải Dương: Dự án nghìn tỷ vốn nước ngoài về tay ai sau nhiều lần đổi chủ?

Nghĩa Hiệp 21/12/2022 10:29

Một dự án có tổng vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài lên tới hơn một nghìn tỷ, qua nhiều lần đổi chủ đầu tư vẫn “án binh bất động”, khiến chính quyền địa phương và người dân mòn mỏi đợi chờ.

Từ đối tác nước ngoài

Ngày 10/1/2017, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chủ trương đầu tư cho phép Công ty TNHH YMSA Co.Ltd (Hàn Quốc) thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách tại Cụm Công nghiệp Cao Thắng, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện. Người đại diện là ông Ki Hak-Sung, quốc tịch Hàn Quốc đã đăng ký thực hiện dự án với quy mô sản xuất kinh doanh hàng dệt may 8.500.000 sản phẩm/năm và sản xuất kinh doanh túi xách 500.000 sản phẩm/ năm.

Dự án xin thuê tỉnh Hải Dương 414.478 m2 đất (chiếm phần lớn là đất trồng lúa). Tổng số vốn đầu tư 1.056 tỷ VNĐ (tương đương 48 triệu USD). Trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 264 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Về tiến độ thực hiện dự án, tỉnh Hải Dương yêu cầu Công ty TNHH YMSA Co.Ltd triển khai xây dựng, hoàn thành đưa toàn bộ dự án đi vào hoạt động trong vòng 60 tháng (từ năm 2017 đến hết năm 2022).

Sau nhiều năm triển khai dự án nghìn tỷ tại Hải Dương vẫn chỉ là chờ đợi
Sau nhiều năm triển khai, dự án nghìn tỷ tại Hải Dương vẫn chưa được thành hình.

Tỉnh Hải Dương cũng giao các đơn vị chức năng tiến hành làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) sớm bàn giao cho doanh nghiệp thực hiện dự án; đồng thời đánh giá, phân định giai đoạn theo năm, với từng công trình, quy mô.

Cụ thể, năm thứ nhất xây dựng 2 xưởng, thực hiện sản xuất với quy mô 600.000 sản phẩm/năm. Đến năm thứ 5 xây dựng 4 xưởng nâng quy mô lên 6.200.000 sản phẩm/năm và đạt công suất thiết kế từ năm thứ sáu. Trong 5 năm xây dựng 16 xưởng sản xuất và các công trình phụ trợ đi kèm.

Để triển khai các phần việc và hoạt động theo Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… của Việt Nam, ngày 3/3/2017, Công ty TNHH YMSA Co.Ltd đã thành lập Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương, do YMSA Co.Ltd làm chủ sở hữu, mã số doanh nghiệp là 0801206676, thay đổi lần 1 ngày 10/1/2018, người đại diện là ông Jin-Kook Kim, quốc tịch Hàn Quốc làm Tổng Giám đốc.

Với thủ tục pháp lý bài bản, được sự chỉ đạo của UBND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Miện, cùng lãnh đạo hai xã Cao Thắng và Tứ Cường đã vận động nhân dân nhường đất lúa cho Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương xây dựng nhà xưởng, hi vọng dự án công nghiệp công nghệ cao tạo động lực phát triển kinh tế, dịch vụ cho cả khu vực; con em trong xã và các địa phương lân cận có việc làm mới.

Tuy nhiên, khi hai xã quyết tâm nhanh chóng GPMB để giao đất cho doanh nghiệp xây dựng dự án xong từ lâu, nhưng đến thời điểm hiện tại sau 4 năm vẫn chỉ thấy doanh nghiệp chở đất, cát san lấp mặt bằng rồi để đấy. Chính quyền và bà con trong xã hết sức sốt ruột.

Ông Trần Mạnh Nhường, Chủ tịch UBND xã Cao Thắng cho hay: “Dự án nằm trên diện tích đất của hai địa phương, trong đó xã Cao Thắng khoảng 36ha và xã Tứ Cường 7ha. Năm 2016, địa phương nhận được quyết định chủ trương đầu tư về việc xây dựng dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách, sau đó xã đã phối hợp với UBND huyện tiến hành công tác đền bù GPMB khoảng 80 triệu đồng/sào đối với người dân”.

Đến tay doanh nghiệp trong nước

Bốn năm kể từ sau khi tiến hành GPMB và bàn giao cho doanh nghiệp đến nay, dự án vẫn “án binh bất động”. Mới đây một doanh nghiệp mới với người đại diện là ông Bùi Văn Khuynh (là người Việt Nam) lại tới trình UBND xã Quyết định mới về chủ trương đầu tư ngày 20/8/2020 của UBND tỉnh Hải Dương, chấp thuận chủ trương đầu tư điều chỉnh dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách của Công ty Công nghệ cao Hải Dương và quyết định điều chỉnh lần thứ 2 vào ngày 25/12/2020.

“Không hiểu tại sao sau nhiều lần sang nhượng chủ đầu tư, trong đó có cả Công ty Hàn Quốc và Việt Nam mà dự án vẫn chỉ là bãi đất bằng. Địa phương cũng như bà con rất mong mỏi dự án sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động để tạo công ăn việc làm khi người dân không còn đất đai canh tác lúa và hoa màu, tránh lãng phí quỹ đất tại địa phương”, ông Nhường chia sẻ.

Đây là dự án do doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài nên UBND tỉnh Hải Dương đã cho doanh nghiệp này hưởng các chế độ ưu đãi, hỗ trợ đầu tư với dự án như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn giảm tiền thuê đất; ưu đãi thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

Từ đất ruộng biến thành bãi đất trống để chờ
Từ đất ruộng đã biến thành bãi đất trống, nhưng vẫn đang để... chờ.

Để có câu trả lời nguyên nhân vì sao một dự án có vốn đầu tư lên tới hơn 1.000 tỷ lại chậm tiến độ nhiều năm liền sau bao lần đổi chủ đầu tư, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã liên hệ làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, gần một tháng trôi qua vẫn không có bất kỳ thông tin nào từ phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương phản hồi.

Theo tài liệu mà phóng viên có được, trong 4 năm doanh nghiệp đã thay đổi tới 4 lần người đại diện công ty và cũng thay đổi cả tên tổ chức chủ sở hữu doanh nghiệp (?!)

Cụ thể, dự án lựa chọn chủ đầu tư ban đầu là công ty của Hàn Quốc, 100% vốn đầu tư của nước ngoài nằm “bất động” thì sau khi chuyển giao cho ông Bùi Văn Thụy tiếp tục thực hiện dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc và túi xách rồi cũng “nằm im”. Cho đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH May Công nghệ cao Hải Dương đã trở thành Công ty Cổ phần May Công nghệ cao Hải Dương do ông Bùi Văn Khuynh, quốc tịch Việt Nam là người đại diện theo pháp luật, làm Tổng Giám đốc, không còn người đại diện là ông Jin-Kook Kim như ban đầu và dự án cũng chỉ mới dừng lại ở việc san lấp mặt bằng.

Người dân hai xã Cao Thắng; xã Tứ Cường và UBND huyện Thanh Miện nhường đất lúa, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất giao thông, đất thủy lợi cho một công ty TNHH nước ngoài được tỉnh ưu đãi, hứa hẹn điểm sáng cho địa phương đã 4 năm trôi qua. Thế nhưng, chủ đầu tư chính giờ đây lại thay đổi, liệu dự án xây dựng cơ sở công nghiệp công nghệ cao có còn khả thi, hay quỹ đất tại địa phương này vẫn đang để lãng phí? Từ chính sách miễn thuế cho doanh nghiệp nước ngoài, dự án vào tay doanh nghiệp trong nước sẽ ra sao?

[Dự án nghìn tỷ 'đắp chiếu', gây lãng phí]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Dương: Dự án nghìn tỷ vốn nước ngoài về tay ai sau nhiều lần đổi chủ?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO