Hai lần trách nhiệm với dân

Dạ Yến (thực hiện) 23/06/2016 09:10

Cuộc Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 đã thành công. Những lá phiếu niềm tin đã bầu chọn được người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trong đó có nhiều đại biểu là người Mặt trận. Trong số báo đặc biệt này, Đại Đoàn Kết xin giới thiệu những mong mỏi và cả trăn trở âu lo của họ - những người cùng lúc sẽ nặng gánh hai vai khi ở trong vai trò vừa là người Mặt trận vừa là đại biểu Quốc hội. Đó là ông Hoàng Đức Thắng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quản

Vinh dự gắn với trách nhiệm lớn lao

PV:Trước tiên Đại Đoàn Kết xin chúc mừng các tân đại biểu Quốc hội khóa XIV. Xin các vị cho biết cảm xúc của mình khi được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu dân cử?

Ông Hoàng Đức Thắng.

Ông Hoàng Đức Thắng: Cảm xúc của tôi có lẽ cũng là cảm xúc chung của tất cả các vị được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, đó là niềm vinh dự lớn của bản thân và đồng thời là trách nhiệm cao cả trước cử tri và nhân dân không chỉ nơi địa phương bầu ra mình mà còn là trách nhiệm với nhân dân cả nước.

Đây là lần đầu tiên tôi tham gia làm đại biểu Quốc hội cho nên không khỏi âu lo, luôn có một câu hỏi thường trực thôi thúc trong tôi, làm sao để mình hoàn thành tốt nhất trọng trách người đại biểu dân cử như kỳ vọng, niềm tin của cử tri và nhân dân đã gửi gắm.

Bà Hà Thị Minh Tâm: Tôi rất vinh dự khi được nhân dân tỉnh Hà Nam tin tưởng, ủng hộ và bầu là Đại biểu Quốc Hội khóa XIV, Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016-2021. Cho đến lúc này, nếu bạn hỏi tôi về cảm xúc thì có lẽ cũng không ngoài những gì anh Thắng vừa nói.

Bà Hà Thị Minh Tâm.

Tôi thực sự vui mừng vì sự tín nhiệm của nhân dân dành cho mình nhưng đồng thời lo lắng trước nhiệm vụ và trọng trách mà mình sẽ phải thực hiện trong thời gian tới. Luôn luôn có những câu hỏi đặt ra, cần phải làm gì? làm như thế nào?... để hoàn thành tốt nhiệm vụ được nhân dân giao phó.

Ông Ngô Sách Thực: Đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp là người được cử tri tin tưởng lựa chọn, đáp ứng được các yêu cầu về trình độ, năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Tâm huyết, bản lĩnh, dám nói, dám làm, không né tránh các vấn đề thực tiễn đặt ra và có chính kiến, quan điểm rõ ràng về các vấn đề dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là dám chịu trách nhiệm… là yêu cầu của cử tri đối với đại biểu dân cử. Đây có thể xem là yêu cầu xuyên suốt mà mỗi đại biểu phải nỗ lực thực hiện trong suốt quá trình gánh vác trọng trách này. Và đây cũng là những suy nghĩ, trăn trở bấy lâu của tôi vì vinh dự lớn lao thì bao giờ cũng gắn với trách nhiệm hết sức nặng nề.

Ông Ngô Sách Thực.

Tự giám sát lời hứa của chính mình

PV: Đúng như ông Ngô Sách Thực vừa nói, một trong những điều cử tri quan tấm nhất lúc này- sau bầu cử thành công là câu chuyện đại biểu dân cử thực hiện lời hứa. Với trách nhiệm của mình, các vị đã chuẩn bị tâm thế như thế nào để thực hiện việc này? Và cũng với trách nhiệm của mình, làm thế nào để hài hòa được câu chuyện Mặt trận sẽ tiếp tục giám sát lời hứa của các đại biểu dân cử?

Ông Hoàng Đức Thắng: Lời hứa của ứng cử viên trước cử tri không chỉ là sự cam kết trách nhiệm của đại biểu để vận động bầu cử. Hơn thế, lời hứa đó, theo tôi là tuyên ngôn, phương châm hành động và cả danh dự của mỗi đại biểu trước nhân dân. Những gì tôi đã trình bày trong chương trình hành động vận động bầu cử là những điều tôi suy nghĩ tâm huyết và trách nhiệm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội theo Luật định và khả năng thực hiện của bản thân. Do vậy, tôi sẽ nỗ lực cố gắng, quyết tâm để đi đến cùng sự cam kết này.

Là đại biểu Quốc hội nhưng đồng thời cũng là người của Mặt trận, như thế việc giám sát thực hiện lời hứa của đại biểu Quốc hội trước hết phải là sự tự giám sát thực hiện lời hứa của chính mình. Tiếp đó, thiết kế, tổ chức giám sát theo chức năng của Mặt trận với tâm thế của “người trong cuộc”. Chắc chắn đó sẽ là điều kiện thuận lợi và hiệu quả hơn.

Ông Ngô Sách Thực: Thực ra trong tâm tư tôi đã luôn xác định, dù là Đại biểu Quốc hội hay không là đại biểu tôi vẫn luôn trong tâm thế tìm cách làm hiệu quả để thực hiện tốt công tác Mặt trận trước yêu cầu nhiệm vụ hiện nay. Làm công tác Mặt trận tôi thấy mình có điều kiện thuận lợi để lắng nghe, chắt lọc được nhiều ý kiến để thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội, nhất là nhiệm vụ giám sát, phản biện, nhiệm vụ tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, các cấp đang xây dựng chương trình hành động. Mặt trận Tổ quốc Bắc Giang cũng đang xây dựng bổ sung nhiều biện pháp đổi mới công tác Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết, tăng đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ. Chính vì vậy, chỉ riêng việc làm tốt nhiệm vụ hiện nay của công tác Mặt trận, phát huy vai trò của Mặt trận, đoàn thể trong hệ thống chính trị cũng chính là thực hiện lời hứa trước cử tri.

Nhân dân sẽ là người giám sát sâu sát nhất lời hứa của đại biểu dân cử, MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phải có phương pháp để giúp đại biểu thực hiện lời hứa của mình. Việc này thường được thực hiện tại các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp Quốc hội. Hiện chưa có quy định về chế tài xử lý nếu người nào đó không thực hiện lời hứa. Tuy nhiên, với người đại biểu nhân dân thì danh dự, uy tín với nhân dân là yếu tố hàng đầu. Tôi nghĩ sẽ rất ít người đã hứa trước dân mà lại không làm do ý thức chủ quan của mình. Trong nhiệm kỳ này, MTTQ tỉnh Bắc Giang sẽ đổi mới thông qua hội nghị tiếp xúc gặp gỡ cử tri, định kỳ MTTQ phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh có góp ý hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Bà Hà Thị Minh Tâm: Nhiệm vụ nhiệm kỳ mới của người đại biểu nhân dân được bắt đầu từ những bước đi, kế hoạch triển khai chương trình hành động mà các ứng cử viên đã xây dựng bằng tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm và cả nhiệt huyết. Mỗi người đều có cách làm riêng nhưng ai cũng có một mục đích là đưa lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho nhân dân. Chính vì vậy, chương trình hành động của tôi được xây dựng dựa trên những yêu cầu của thực tiễn và những kiến nghị, đề xuất của cử tri. Đây cũng có thể xem là bản “cam kết” sớm với cử tri ngay từ khi tôi vận động tranh cử.

Với nhiệm vụ và trọng trách khi đứng đầu tổ chức Mặt trận ở địa phương, tôi còn phải thể hiện trách nhiệm, vai trò của một lãnh đạo nữ. Bởi vậy một trong những mục tiêu mà tôi quan tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức, trong đó đặc biệt quan tâm tham mưu, thực hiện chính sách đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ nữ, chính sách đối với lao động nữ trong doanh nghiệp và phụ nữ nông dân nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Đồng thời quan tâm đến việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy của UBMTTQ các cấp, nhất là ban công tác Mặt trận và các tổ chức thành viên ở khu dân cư…

Quyền hạn của người đại biểu dân cử đã được quy định bằng luật đảm bảo cho đại biểu có thể thực thi trách nhiệm của mình một cách tốt nhất. Bởi vậy, đại biểu thực hiện chương trình hành động chính là thực hiện lời hứa trước cử tri. Đó là trách nhiệm phải tiếp tục học tập, rèn luyện bản lĩnh, nỗ lực và cống hiến nhưng phải dành quỹ thời gian hợp lý gần gũi cử tri, lắng nghe và hành động để đáp ứng lòng mong đợi chính đáng của nhân dân, vì sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và đất nước nói chung.

Còn mắc nợ với nhân dân

PV:Bà Nguyễn Thị Phương Đào – nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre từng tâm sự với chúng tôi rằng vừa làm cán bộ Mặt trận vừa là đại biểu Quốc hội tức là “hai lần trách nhiệm với dân”, cả hai vị trí đều ở vai trò đại diện cho nhân dân và bởi vậy lúc nào cũng thấy “còn mắc nợ nhân dân nhiều lắm”. Điều này, có gợi lên suy nghĩ gì cho các vị?

Bà Hà Thị Minh Tâm: Tôi đồng tình với những chia sẻ của đồng nghiệp và có suy nghĩ rằng: Đối với một người đại biểu Quốc hội phải đảm nhận “2 vị trí kép” đại diện bảo vệ Quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, đại diện cho tiếng nói của người dân với Chính phủ, thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực cao nhất của bộ máy nhà nước, bản thân cần phải có tâm huyết và nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên trong điều kiện hoạt động thực tế hiện nay đối với cán bộ Mặt trận còn gặp rất nhiều khó khăn: Về trình độ hiểu biết pháp luật và nắm bắt những kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội còn thiếu và hạn chế.

Các kỹ năng tham gia hoạt động cụ thể như: Kỹ năng thu thập, phân tích thông tin, kỹ năng giám sát, kỹ năng chất vấn chưa được đào tạo sâu. Đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận nhìn chung còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khi đó, hoạt động của MTTQ chưa thực sự được cấp ủy, chính quyền tại một số địa phương quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện về nguồn lực, do vậy một số đề xuất, kiến nghị của nhân dân chưa được quan tâm giải quyết, hoặc giải quyết còn chậm. Vì vậy nói “mắc nợ với nhân dân”... là điều đương nhiên.

Ông Ngô Sách Thực: Đúng là nhân dân kỳ vọng lớn, đặt lên vai người đại biểu trách nhiệm rất nặng nề. Vấn đề đặt ra là phương pháp làm việc của mỗi đại biểu sao cho có hiệu quả chứ không lo tròn trách nhiệm, việc có lợi cho dân thì ra sức làm, làm bao nhiêu cũng vẫn thiếu, việc có hại cho dân thì ra sức tránh. Nhân dân đặt niềm tin vào đại biểu, mong muốn chúng ta thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ thì người đại biểu phải có bản lĩnh, có phương pháp lắng nghe, tập hợp ý kiến nhân dân để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không để những bức xúc của nhân dân, những vi phạm pháp luật rơi vào im lặng.

Ông Hoàng Đức Thắng: Tôi đã tham gia đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị 2 khóa, từ năm 2004 đến nay cũng vừa là cán bộ Mặt trận tỉnh nên hết sức chia sẻ tâm trạng này. Nhân dân tin tưởng, trao gửi trách nhiệm và kỳ vọng lớn ở đại biểu dân cử, ở cán bộ Mặt trận. Những gì chúng ta làm được cho nhân dân còn ít quá so với mong muốn ấy.

“Hai lần trách nhiệm với dân” ở người đại biểu dân cử vừa là cán bộ Mặt trận là “trách nhiệm kép”, thật đúng như vậy. “Còn mắc nợ với nhân dân nhiều lắm”, đó không chỉ là sự day dứt, trăn trở về trách nhiệm của đại biểu dân cử, trách nhiệm của người cán bộ Mặt trận mà còn phản ánh một thực tế, gợi lên một suy nghĩ là không chỉ định danh đại biểu dân cử hoặc cán bộ Mặt trận- họ là ai? mà điều cốt lõi và cần thiết nhất hiện nay là cần phải trao cho cho họ những quyền năng và cơ chế phù hợp nhất để đại biểu dân cử có đủ thực quyền (đây là quyền lực Nhà nước mà họ là người thay mặt nhân dân để thực thi); cán bộ Mặt trận có đủ điều kiện trên thực tế để thực hiện đầy đủ tư cách đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân.

Vị thế Mặt trận ở trong tay người Mặt trận

PV: Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp (sửa đổi) năm 2013. Đây là một sự kiện lớn của nhiệm kỳ. Trong đó lần đầu tiên vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là đại diện và bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân đã được ghi rất rõ ràng, đầy đủ. Cũng lần đầu tiên, chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể được thể hiện trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, trong rất nhiều lần tiếp xúc với các Chủ tịch Mặt trận một số tỉnh thành, với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác Mặt trận ở địa phương họ đã chia sẻ: Làm Mặt trận khó nhất, suy cho cùng, là làm cho ra vị thế Mặt trận. Quan điểm của các vị về điều này như thế nào?

Ông Ngô Sách Thực: Vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị được khẳng định trong các văn kiện của Đảng và Hiến pháp, pháp luật. Vị trí ấy hay nói cách khác là vị thế của Mặt trận có được khẳng định và thừa nhận hay không phụ thuộc vào suy nghĩ và hành động của những người được giao nhiệm vụ làm công tác Mặt trận.

Đổi mới công tác Mặt trận thời gian qua ngày càng rõ nét, được các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân quan tâm, tin tưởng và ngày càng thể hiện sự ủng hộ cao đối với các chương trình hành động của Mặt trận. Tôi thiết nghĩ phát huy vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị mình phải có quan điểm, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của nhân dân, sâu sát các yêu cầu thực tế từ cơ sở được nhân dân tin tưởng, thừa nhận.

Bà Hà Thị Minh Tâm: Một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó nhất đối với MTTQ là nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Muốn làm cho ra vị thế của Mặt trận thì trước hết phải làm tốt nhiệm vụ này.

Để thực hiện tốt được hoạt động giám sát, phản biện xã hội trước hết: Trong hệ thống MTTQ các cấp cần phải chủ động trong việc nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình nhân dân; tập trung đào tạo nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật và những kỹ năng cần thiết đối với cán bộ MTTQ và các đoàn thể Chính trị xã hội đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các cơ quan pháp luật, đội ngũ cán bộ tư vấn, chuyên gia để huy động, tập hợp sự tham gia của đội ngũ trí thức đối với hoạt động của MTTQ.

Tôi cho rằng, chúng ta cần chủ động tổ chức các đối thoại với nhân dân, với các cơ quan nhà nước để thực sự làm tốt vai trò đại diện, cầu nối giữa nhân dân với Đảng, cơ quan nhà nước tại địa phương, làm tốt công tác vận động, thuyết phục và hướng dẫn nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, nhà nước, tích cực lao động sản xuất, đóng góp xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ông Hoàng Đức Thắng: Điều 9, Hiến pháp năm 2013 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; về giám sát và phản biện xã hội…đó là sự khẳng định rõ ràng về mặt pháp lý vị thế của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, từ văn bản pháp lý cao nhất đó đến thực tiễn cuộc sống đang còn nhiều vấn đề tiếp tục cần thể chế hóa bằng các văn bản quy định, các hướng dẫn thực hiện và phải được chính thực tiễn cuộc sống kiểm chứng. Do đó, không thể nói có Hiến pháp quy định như vậy là Mặt trận có ngay được vị thế trên thực tế của mình.

Điều quan trọng nhất là Mặt trận muốn có được vị thế, được thừa nhận một cách đầy đủ trong đời sống xã hội hay không phụ thuộc rất lớn ở sự nỗ lực, vươn lên, tự khẳng định của chính tổ chức Mặt trận cũng như của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận. Đó chính là cái khó nhất, thách thức lớn nhất và là trọng trách lớn của đội ngũ những người làm công tác Mặt trận là phải làm cho được cái vị thế Mặt trận ấy. Lời giải cho câu hỏi này đang nằm trong tay đội ngũ cán bộ Mặt trận chúng ta. Tôi rất tâm đắc về điều này.

Quyết tâm triển khai các chương trình phối hợp

PV: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/6, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với Chính phủ trong 5 năm tới trên 3 lĩnh vực: Mặt trận vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế; Mặt trận vận động nhân dân tham gia phát triển xã hội và giám sát xã hội; Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh. Ngay sau đó, trong Nghị quyết 49- nghị quyết thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thống nhất với những đề xuất này. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, Mặt trận đề xuất với Chính phủ một số công việc cần phối hợp trong cả một nhiệm kỳ. Với trách nhiệm là người đứng đầu Mặt trận ở địa phương, các vị có thể cho biết, trong thời gian tới, Mặt trận mình sẽ làm gì để thích ứng với những công việc mà UBTƯ MTTQ Việt Nam và Chính phủ đã thống nhất phối hợp trong 5 năm tới?

Ông Hoàng Đức Thắng: Có thể nói, 3 lĩnh vực trọng tâm mà Mặt trận đề xuất phối hợp với Chính phủ trong giai đoạn 5 năm tới là sự cụ thể hóa vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được Hiến pháp năm 2013, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định.

Thực ra, những nội dung này trong những năm qua Mặt trận các cấp đã và đang phối hợp triển khai thực hiện. Song, lần này nó được tổng hợp lại thành 3 nội dung trọng tâm lớn, khái quát thành 3 chương trình công tác để thống nhất, tập trung phối hợp cùng Chính phủ chỉ đạo là nhằm phát huy tốt nhất vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần Hiến pháp và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định, đáp ứng yêu cầu tình hình nhiệm vụ hiện nay.

Với trách nhiệm của Mặt trận cơ sở, chúng tôi đón nhận chủ trương trên đây của Trung ương với sự đồng thuận và chủ động để triển khai tổ chức thực hiện sáng tạo và hiệu quả. Theo đó, công việc cần tập trung là lựa chọn, đề xuất những nội dung cấp thiết hiện nay của địa phương để xây dựng chương trình phối hợp hành động giữa MTTQ và UBND tỉnh.

Tôi tin tưởng và hy vọng với những định hướng rõ ràng, xác lập đầy đủ cơ chế, trách nhiệm phối hợp từ Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ cùng với sự chủ động vào cuộc của Mặt trận và chính quyền địa phương các cấp, nội dung các chương trình phối hợp trọng tâm giữa Mặt trận và Chính phủ trong giai đọan mới sẽ được triển khai, tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần khẳng định vị thế của Mặt trận trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Hà Thị Minh Tâm: Trên cơ sở 3 lĩnh vực mà Mặt trận sẽ phối hợp cùng Chính phủ trong 5 năm tới, chúng tôi dự kiến các cấp Mặt trận tỉnh Hà Nam sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tập trung hướng dẫn, tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trong các cấp Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở bằng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể hàng năm gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, khu dân cư.

Chúng tôi cũng sẽ chủ động phối hợp với UBND tỉnh trong vận động nhân dân triển khai, thực hiện Đề án “Phát triển khu nông nghiệp công nghệ cao”, kế hoạch thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; Chương trình phối hợp thực hiện công tác vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt sẽ chủ động và tích cực tham mưu với cấp ủy xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hàng năm của MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Tăng cường hoạt động giám sát các cơ quan nhà nước thực hiện các nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Ông Ngô Sách Thực: Việc phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với Chính phủ trong 5 năm tới trên 3 lĩnh vực này, tôi thiết nghĩ đây cũng là thuận lợi cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn tới. MTTQ tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp xây dựng quy chế hoạt động giữa HĐND, UBND tỉnh giai đoạn 2016 – 2021, đang xây dựng chương trình phối hợp của giai đoạn tới với UBND tỉnh, trong đó chọn việc trọng tâm trong từng năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Năm 2016, năm đầu triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp tổ chức góp ý kiến vào 11 nghị quyết, chương trình, đề án quan trọng của tỉnh thực hiện cho cả nhiệm kỳ, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cơ chế phát triển hạ tầng giao thông, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới…đồng thời đề ra các nội dung giám sát, góp phần vào việc thực hiện tốt các nhiệm vụ của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn các vị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hai lần trách nhiệm với dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO