Hải Phòng: Đầu tư xử lý nguồn nước ô nhiễm

Đông Bắc 23/07/2022 07:37

Nguồn nước trên 6 hệ thống sông cấp nước ngọt cho Hải Phòng đều có dấu hiệu ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng, dầu mỡ. Ngoài ra, tại một số nguồn nước chính còn có dấu hiệu ô nhiễm vi sinh, kim loại nặng,…

Làng phế liệu bên sông Đa Độ.

Đủ đường ô nhiễm

Sông Rế có chiều dài 65km, bắt đầu từ huyện Kim Thành (Hải Dương) đổ vào huyện An Dương (Hải Phòng), là một trong 3 con sông chính cung cấp nguồn nước ngọt cho khu vực nội thành Hải Phòng. Hiện có tới 3 nhà máy nhận nước thô từ sông Rế để xử lý, cung cấp nước sạch với công suất lên đến gần 180.000 m3/ngày.

Tuy nhiên, sông Rế cũng tiếp nhận nước xả thải từ hàng loạt các tuyến kênh tiêu thoát nước thải của các khu, cụm công nghiệp và các khu dân cư. Bởi vậy, chỉ riêng tuyến sông này đã có hơn 300 điểm tiếp nhận nước thải chưa qua xử lý đổ vào dòng sông.

Tương tự, hệ thống sông Đa Độ, sông Giá, kênh Hòn Ngọc, những con sông cung cấp nguồn nước để sản xuất nước sạch cho TP Hải Phòng đều hứng chịu nhiều nguồn ô nhiễm. Trong số đó, sông Đa Độ (quận Kiến An, huyện Kiến Thụy) là con sông ít chịu tác động nhất cũng phải gánh chịu gần 100 điểm xả thải từ các cụm dân cư, các tổ chức sản xuất dịch vụ có lượng nước thải dưới 5m3/ngày chưa qua xử lý đổ vào dòng sông. Đặc biệt, trong số này có hàng chục điểm xả thải từ các cơ sở sản xuất tại các làng nghề Mỹ Đồng, Thiên Hương có chứa chất độc hại được cơ quan chức năng xác định cần phải có giải pháp xử lý cấp bách.

Ngoài ra, tại các triền sông cũng có hàng chục cơ sở chăn nuôi tập trung. Chất thải từ các cơ sở này cùng nước thải có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ sản xuất nông nghiệp tại nhiều khu vực chưa được khoanh vùng, thu gom vẫn được xả xuống lòng kênh, lòng sông.

Kết quả quan trắc mới nhất, các chỉ số như ôxy hòa tan (DO), chất rắn lơ lửng (BOD3, COD, Amoni, phospho, Nitrit, Mangan, sắt) tại các sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ đều vượt từ 1-5 lần quy chuẩn Việt Nam. Các chỉ số tổng dầu mỡ và Coliform vượt từ 1-8 lần so với giới hạn cho phép.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, chỉ số ô nhiễm hữu cơ tại các nguồn nước mặt của Hải Phòng có xu hướng tăng nhẹ; các chỉ số ô nhiễm về dinh dưỡng, dầu mỡ, vi sinh vật có xu hướng tăng cao. Ngoài ra, tại một số điểm quan trắc còn ghi nhận tình trạng ô nhiễm bởi vi sinh vật, kim loại nặng.

Ưu tiên ngăn ngừa ô nhiễm

Để bảo vệ nguồn nước sạch, Hải Phòng đã có 3 giải pháp chính: Lắp đặt các trạm quan trắc tự động trên các sông; Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải 2 bên bờ các nguồn nước ngọt và cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

Theo đó, Hải Phòng dự kiến xây dựng 30 nhà máy xử lý nước thải tập trung. Trong đó có 17 nhà máy xử lý nước thải đô thị, 13 nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị vệ tinh. Đến nay mới có 1 nhà máy xử lý nước thải đô thị (Nhà máy xử lý nước thải Vĩnh Niệm, quận Lê Chân) xử lý nước thải sinh hoạt cho 3 quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An được xây dựng. 5 nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị vệ tinh thì có tới 3 nhà máy xử lý nước thải trên huyện đảo Cát Hải, 2 nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn huyện Thủy Nguyên. Các nhà máy xử lý nước thải được xây dựng tại các đô thị vệ tinh lại không gần các nguồn cung cấp nước thô. Trên 2 tuyến sông Rế, Đa Độ chỉ có duy nhất Nhà máy xử lý nước thải Tràng Minh công suất 1.500 m3/ngày xử lý nước thải từ làng nghề Tràng Minh vào sông Đa Độ.

Dự án xây dựng 9 trạm quan trắc tự động trên 6 dòng sông có tổng mức đầu tư hơn 107 tỷ đồng trong giai đoạn 2016-2020 được xác định chưa có kinh phí. Hiện nay, việc quan trắc môi trường nước được tiến hành thủ công, quan trắc định kỳ, theo kế hoạch.

Được biết, giai đoạn 2013 - 2020, Hải Phòng dự chi hơn 860 tỷ đồng để bảo vệ, nâng cao chất lượng nguồn nước ngọt. Tuy nhiên, đến nay, số chi cho hoạt động bảo vệ nguồn nước ngọt mới được giải ngân hơn 193 tỷ đồng.

Theo ông Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, trước mắt sẽ ưu tiên xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực ven nguồn nước ngọt, ngăn chặn tình trạng xả nước thải vào các nguồn nước này. Mặt khác, sẽ ưu tiên xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung để xử lý cục bộ các điểm ô nhiễm nặng tại các làng nghề Mỹ Đồng, Thiên Hương (huyện Thủy Nguyên) để xử lý nước thải từ các làng nghề này trước khi đổ vào sông Giá. Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng xây các đập điều tiết, các trạm bơm để đẩy nước thải ra khỏi các dòng sông Rế, sông Giá, sông Đa Độ…

Dự kiến, Hải Phòng sẽ thu phí bảo vệ môi trường nước thải sinh hoạt khu vực nông thôn để bù đắp kinh phí bảo vệ nguồn nước ngọt cũng như xây dựng, nhân rộng mô hình quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ chất lượng các nguồn nước, đặc biệt là các nguồn cấp nước ngọt cho Hải Phòng.

Hiện tại, Hải Phòng vẫn chưa bố trí kinh phí thực hiện cắm lại mốc giới bảo vệ nguồn nước thuộc công trình thủy lợi theo quy định của Luật Thủy lợi. Hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, kênh không thuộc công trình thủy lợi hiện vẫn đang được UBND TP Hải Phòng xem xét cấp kinh phí. Hầu hết, 2 bờ kênh, sông các nguồn nước ngọt chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ khu dân cư, các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ bởi phải đợi quy hoạch chung của Hải Phòng mới lập được quy hoach thu gom, xử lý nước thải ven sông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Phòng: Đầu tư xử lý nguồn nước ô nhiễm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO