Hải Phòng: Người dân ‘tố’ lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường

Ngọc Anh 17/09/2021 13:00

Thành phố Hải Phòng đầu tư, hỗ trợ lò đốt rác công nghệ cho thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo) để xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, cử tri xã lân cận lại phản ánh lò đốt rác là “nguồn” gây ô nhiễm môi trường cho người dân từ nhiều năm nay.

Cử tri kiến nghị lò đốt rác gây ô nhiễm

Giai đoạn 2013 - 2015, TP Hải Phòng hỗ trợ đầu tư lò đốt rác cho thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo). Lò đốt rác được đặt tại xứ đồng Đom Đóm, khu dân cư Bình Minh, thị trấn Vĩnh Bảo để xử lý rác thải sinh hoạt cho thị trấn này.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân các thôn 3, thôn 4, thôn Áng Dương, xã Trung Lập, xã giáp ranh nơi đặt lò đốt rác phản ánh, thời gian mới đi vào vận hành, tình trạng ô nhiễm còn đỡ. Mấy năm gần đây, nhất là những ngày trời ẩm, gió Tây Nam về, mùi hôi nồng nặc từ bãi rác xộc thẳng vào xóm làng. Khi lò đốt vận hành, khói đen cuộn lên, đem theo mùi khét của rác bị cháy với mùi hôi vào làng khiến người dân ngộp thở, việc này kéo dài nhiều năm nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Người dân thôn Áng Dương bức xúc, nhiều lần đến tận lò đốt rác để “giám sát” việc xử lý thấy rác thải sinh hoạt không được tập kết, phân loại theo đúng vị trí trong khu xử lý. Rác không được phân loại, đổ tràn ra lối đi, nổi lềnh phềnh trên hồ xử lý nước thải, là nguồn phát tác vi khuẩn gây hại môi trường.

Ông Trần Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Trung Lập cho biết, lò đốt rác thị trấn gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong xã là có thật. Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri xã Trung Lập đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường từ lò đốt rác. Ông Kiên cho biết thêm, UBND xã đã làm văn bản gửi phòng Tài nguyên và Môi trường, các phòng chức năng huyện Vĩnh Bảo để báo cáo tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Phạm Đại Thắng, Chủ tịch UBND thị trấn Vĩnh Bảo thừa nhận việc phản ánh của nhân dân xã Trung lập. Theo ông Thắng, ban đầu, lò đốt rác hoạt động tương đối hiệu quả nhưng lượng rác ngày một nhiều, lò đốt về sau có trục trặc...

Nhiều lò đốt rác tiền tỷ bỏ hoang

Theo báo cáo của TP Hải Phòng, lò đốt rác tại thị trấn Vĩnh Bảo là một trong số 5 lò đốt rác sinh hoạt được đặt tại các huyện ngoại thành với mục tiêu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn cho các cụm xã. Các lò đốt rác này sử dụng công nghệ lò đốt BD Anpha 500 kg/giờ do một doanh nghiệp có trụ sở tại TP Hà Nội sáng chế, sản xuất.

Tổng nguồn kinh phí thành phố hỗ trợ, đầu tư cho 5 lò đốt rác hơn 29,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 18 tỷ đồng đầu tư thiết bị, các huyện đầu tư hơn 11,3 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng khu vực xử lý rác thải. Sau khi hoàn thành, thành phố giao cho các huyện tổ chức quản lý, vận hành các lò đốt rác. Hàng năm, kinh phí vận hành được lấy từ nguồn phí môi trường địa phương. Đến nay, cả 5 lò đốt rác đã được các huyện giao cho doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn quản lý vận hành.

Điều đáng nói, trong số 5 lò đốt rác đã được đầu tư xây dựng, đến nay chỉ còn 3 lò còn đang hoạt động đó là lò đố rác tại thị trấn Vĩnh Bảo (huyện Vĩnh Bảo), lò đốt rác Đại Hợp (xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy) và lò đốt rác tại xã Quốc Tuấn (huyện An Lão).

Còn lại 2 lò đốt rác với tổng kinh phí đầu tư hơn 12 tỷ đồng trên địa bàn huyện Thủy Nguyên đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Trong đó, lò đốt rác trên địa bàn xã Minh Tân chưa đưa vào vận hành, lò đốt rác trên địa bàn xã Phục Lễ phải dừng hoạt động ngay khi nghiệm thu. Rác thải tại các khu vực này vẫn phải đưa đi chôn lấp tại các khu vực khác trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Theo một cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thủy Nguyên, lò đốt rác trên địa bàn xã Phục Lễ phải dừng hoạt động ngay khi đưa vào khai thác bởi lý do việc nghiệm thu phát hiện lượng phát thải Dioxin sau đốt rác tại lò này cao gấp 14 lần quy chuẩn cho phép. Lò đốt rác trên địa bàn xã Minh Tân thì không tìm được nguồn kinh phí vận hành thường xuyên nên chưa đưa vào sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hải Phòng: Người dân ‘tố’ lò đốt rác gây ô nhiễm môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO