Haiti: Mối quan hệ giữa doanh nhân và băng đảng - Kỳ 1: Xã hội đen hay nhà đấu tranh?

Hà Anh (theo AP) 02/11/2021 10:00

Haiti đang chịu sự hoành hành của các băng đảng xã hội đen, đặc biệt là sau vụ ám sát Tổng thống Jovenel Moise. Tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề không hẳn chỉ từ các băng nhóm này, nó còn là kết quả mối quan hệ phức tạp giữa giới kinh doanh, giới chính trị và các băng đảng.

Bà Youri Mevs nói chuyện điện thoại khi ngồi ăn trưa với các con gái tại nhà ở Thủ đô Port-au-Prince, Haiti.

Doanh nghiệp lo sợ

Bà Youri Mevs biết rằng rồi sẽ lại có cuộc gọi đến và bà ấy vô cùng sợ hãi.

Bà Mevs là thành viên của một trong những gia đình giàu có nhất ở Haiti. Bà sở hữu Shodecosa, khu công nghiệp lớn nhất Haiti, nơi cất giữ 93% thực phẩm nhập khẩu của cả nước. Giống như những người khác, bà đã tuyệt vọng nhìn đất nước của mình rơi vào hỗn loạn kể từ khi Tổng thống Jovenel Moise bị ám sát.

Văn phòng của bà ấy nhận được cuộc gọi vào một buổi sáng sớm tháng Tám. Đó là cuộc gọi từ Jimmy Cherizier - hay còn gọi là Bar Grill, một cựu cảnh sát cầm đầu liên minh băng đảng G9 kiểm soát dải ven biển Thủ đô Port-au-Prince. Hầu hết thực phẩm và xăng dầu của Haiti đều “chảy” qua địa bàn của người đàn ông này và ông ta có thể ngăn chặn “dòng chảy” chỉ bằng một câu nói.

Mức tiền được yêu cầu đóng góp là 500 nghìn USD/ tháng để cho vào một “Quỹ” mà Bar Grill tuyên bố sẽ được sử dụng để mua thức ăn cho người nghèo đói và đấu tranh cho dân chủ.

Khu bến cảng thuộc sở hữu của gia đình bà Mevs nhìn từ trên cao.

Bà Mevs có thể mặc cả, nhưng nếu từ chối, Shodecosa sẽ bị trộm liên tục và các băng nhóm cũng sẽ chặn các ngả đường xung quanh bến cảng thuộc sở hữu của gia đình bà.

Câu chuyện này là một phần của loạt phóng sự “Haiti: Kinh doanh, Chính trị và Băng đảng” được sản xuất với sự hỗ trợ của Trung tâm Báo cáo Khủng hoảng Pulitzer.

Bà Mevs nhận thấy mối đe dọa là có thật, bởi 3 nhà kho lân cận đã bị cướp phá vào tháng 6. Đây là một bài toán: “Chúng ta kiếm được bao nhiêu? Chúng ta có thể trả (cho Bar Grill) được không?” Câu trả lời là không. Có nên đánh trả không? Một lần nữa, không. "Chúng tôi sẽ không nổ súng để bảo vệ một bao gạo", bà Mevs nói.

Một công nhân đang làm việc tại nhà kho của khu công nghiệp Shodecosa.

Không có cơ quan nào để người dân tìm kiếm sự giúp đỡ. Ở Haiti, chính phủ không hoạt động. Trong nhiều thập kỷ, đất nước được điều hành bởi những nhà chính trị được hỗ trợ bởi băng nhóm vũ trang, nhưng cái chết của Tổng thống Moise đã khiến các hệ thống bị sụp đổ và các băng nhóm không còn chịu sự quản lý của bất cứ ai.

Bị mất “nguồn cung” từ chính phủ, các băng nhóm đã trở thành những “kẻ săn mồi” độc lập. Trong khi một số nhóm chuyển sang thực hiện các phi vụ bắt cóc, như vụ bắt giữ 17 nhà truyền giáo người Mỹ và Canada cùng người thân của họ. Băng đảng của Bar Grill đã nắm quyền kiểm soát khu cảng, nắm được một “mắt xích” vững chắc của nền kinh tế của đất nước.

Bà Mevs còn lâu mới hết tiền. Bà không thể chết đói và không cần đấu tranh để sinh tồn, về nhiều mặt, bà ấy không giống như những người di cư đang chạy trốn khỏi sự khốn khổ ở Haiti. Giống như những người cùng đẳng cấp với mình, bà Mevs được thừa hưởng gia sản từ tổ tiên, những thế hệ trước đã đến Haiti từ châu Âu và Trung Đông để tạo dựng cơ nghiệp.

Các thành viên liên minh băng đảng G9 đi tuần qua đường phố Wharf Jeremy ở Port-au-Prince, Haiti.

Nhưng giống như những người di cư, bà Mevs và những người khác trong giới thượng lưu giàu có của Haiti ít ảo tưởng về việc sống mãi ở đất nước này. Bà muốn các con gái của mình sẽ lập gia đình và chuyển ra nước ngoài sinh sống kể cả trong trường hợp tương lai đất nước ổn định. Nếu tình hình không được cải thiện, bà Mevs có thể phải bán gia sản và đi cùng các con.

Trong khi chờ đợi, bà Mevs tình nguyện đứng lên chiến đấu trên trận địa chính trị để xây dựng lại chính quyền và đất nước. Bà chấp nhận rằng, các băng đảng là một phần của hệ sinh thái chính trị Haiti, một thứ cần phải đối đầu khi bà đấu tranh để duy trì hoạt động kinh doanh của mình.

Nhưng Bar Grill và băng đảng của ông ta vô cùng lớn mạnh. Tiền, mối quan hệ của bà Mevs với các băng đảng đối thủ và mối quan hệ chính trị của bà, tất cả đều có thể trở nên vô ích.

Bar Grill (áo be) dẫn theo vài thành viên của băng đảng G9 đi dọc hàng rào bao quanh bến cảng Varreux, thuộc sở hữu của gia đình bà Mevs.

Đấu tranh vì người nghèo?

Vào một buổi sáng tháng 10 nóng nực, Bar Grill - cái tên xuất phát từ nghề nghiệp của mẹ ông ta, bán đồ ăn ở một quán ven đường - tiếp các phóng viên tại thành trì ở Bellecour-Cité Soleil, một khu phố tồi tàn với những lán lợp tôn không có nước, điện hay bất kỳ dịch vụ thiết yếu nào.

Bar Grill từ tốn tháo lắp hai khẩu súng trường AK mới do Mỹ sản xuất với vài băng đạn. Sau đó, với sự bảo vệ của hàng chục người đàn ông trẻ tuổi, có mũ trùm đầu, trang phục áo phông và giày thể thao sáng màu, ông ta đi đến hàng rào bao quanh bến cảng Varreux, thuộc sở hữu của gia đình bà Mevs.

“Không”, Bar Grill khẳng định. Ông ta cho rằng mình không đòi bà Mevs trả tiền để đổi lấy việc không cướp bóc tài sản của họ. “Nếu tôi làm vậy, họ giết tôi ngay”, Bar Grill nói.

Bar Grill cho rằng, mình là người của nhân dân và là kẻ thù của giới thượng lưu. Ông ta nói thẳng thừng về một cuộc nội chiến có thể xảy ra mà trong đó những người nghèo chống lại các gia đình “gốc nước ngoài” giàu có và quyền lực ở Haiti.

"Ông trùm" Bar Grill (người đeo khăn) đến thăm bạn bè cũ đang sinh sống trong khu ổ chuột Cite Soleil ở Port-au-Prince, Haiti.

Bar Grill tin rằng: “Nước, nhà ở, trường học, an ninh cần dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ 5% những người có làn da sáng hơn” - ám chỉ những gia đình giàu có như gia đình bà Mevs.

“Tôi rất căm thù những người đó, mỗi khi nhìn vào, chúng tôi có thể nói rằng, có tận 2 loại người Haitis. Chúng ta phải chấm dứt hệ thống bóc lột này”.

Bar Grill tìm mọi cách hòa nhập với những người dân của Bellecour-Cité Soleil, cố gắng ra vẻ rằng mình không phải là một tay xã hội đen mà là một nhà lãnh đạo cách mạng, đấu tranh cho sự thay đổi của xã hội. Tuy nhiên, có vẻ ông ta không thành công lắm.

Người dân trong khu phố tồi tàn Bellecour-Cite Soleil của Port-au-Prince, Haiti.

Ông ta mang theo súng và vào lán mà không cần sự cho phép từ chủ nhà, thậm chí không chào những người sống ở đó trước khi bắt đầu nói về điều kiện sống của họ. Bar Grill ra hiệu cho một chàng trai đi sau. Người thanh niên rút một xấp hóa đơn từ túi sau của mình và đưa một ít cho Bar Grill; đến lượt ông ta đưa tiền cho người phụ nữ trong nhà.

Bar Grill nói: “Họ đã bị lệ thuộc về tinh thần, nên không phải lúc nào họ cũng hiểu được thế nào là đấu tranh”.

Bar Grill cho rằng, ông ta có thể làm được nhiều hơn nữa cho những người dân ở khu ổ chuột. Bất chấp tất cả những lần xuất hiện đình đám, Bar Grill vẫn khẳng định rằng, ông ta không xác định sự nghiệp chính trị cho mình. Ông ta tuyên bố, không theo bất kỳ đảng phái chính trị nào và nói rằng, mình không phải là một phần của hệ thống chính trị mà ông ta coi là đầy tham nhũng.

Đón đọc Kỳ 2: ‘Chơi’ với băng đảng - con dao 2 lưỡi

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Haiti: Mối quan hệ giữa doanh nhân và băng đảng - Kỳ 1: Xã hội đen hay nhà đấu tranh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO