‘Hãm phanh khẩn cấp’ để chống Covid

Phan Quang Vũ 20/04/2021 07:08

Để tưởng nhớ những người không qua khỏi vì đại dịch Covid-19, Chính phủ Đức đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm tại nhà thờ Kaiser Wilhelm ở Berlin.

Tham dự buổi lễ có Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Reiner Haseloff, Chủ tịch Quốc hội Wolfgang Schauble, Thủ tướng Angela Merkel và Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Stephan Harbarth. Động thái này được cho là “cần thiết” trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Phát biểu trên tờ Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung, 19/4, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng, lệnh giới nghiêm phòng dịch Covid-19 nên được áp dụng nhất quán trên phạm vi toàn quốc, nếu không, nước Đức sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong vì căn bệnh này. Ông Altmaier nhấn mạnh, trên thế giới, những nước ngăn chặn thành công làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 đều là những nước thực hiện các biện pháp phong tỏa triệt để.

Làn sóng lây nhiễm thứ ba

Cảnh báo này đưa ra trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở Đức vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), trong ngày 17/4, Đức ghi nhận 19.185 ca mắc mới và 67 ca không qua khỏi. Trên toàn nước Đức, tỷ lệ lây nhiễm trong vòng 1 tuần là 162,3 trên 100.000 dân. Tính từ đầu dịch đến nay, Đức có hơn 3,1 triệu ca mắc Covid-19 và 79.914 ca tử vong.

Trước đó, Thủ tướng Angela Merkel cũng đã cảnh báo tình hình đại dịch Covid-19 đang “rất nghiêm trọng”, đồng thời kêu gọi Quốc hội Đức phê chuẩn dự luật sửa đổi Luật Phòng, chống lây nhiễm để có thể siết chặt các biện pháp phòng dịch một cách thống nhất trên cả nước. Phát biểu trước Quốc hội, bà Merkel nhấn mạnh: “Tình hình đang rất nghiêm trọng và tất cả chúng ta cũng phải xem xét rất nghiêm túc. Làn sóng lây nhiễm thứ 3 đang hoành hành trên cả nước”. Biện pháp được bà Thủ tướng đưa ra là các quận/huyện/thành phố có chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày vượt quá 100/100.000 dân phải “hãm phanh khẩn cấp”.

Vẫn theo bà Merkel, ở thời điểm hiện nay, điều quan trọng là phải có khả năng phản ứng nhanh chóng và thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc. Bà Merkel cũng kêu gọi không “bỏ mặc” các y, bác sĩ vốn đang căng mình chống dịch, không để đại dịch lan tràn khiến hệ thống y tế bị quá tải. Hiện các bệnh viện trên cả nước Đức chỉ còn trống 3.804 giường bệnh.

Liên quan tình hình tiêm chủng, tính đến nay, Đức đã tiêm chủng đủ mũi cho 5,3 triệu người (6,4% dân số), trong khi 15 triệu người (18,5% dân số) đã được tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19.

Tương tự như Đức, nước Pháp cũng đang tìm cách siết chặt các biện pháp phong tỏa. Tại thời điểm này, sau Anh và Italy, Pháp là quốc gia thứ ba tại châu Âu có số ca tử vong do Covid-19 vượt mức 100.000. Hiện, có hơn 5.900 bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tích cực, mức cao nhất kể từ mùa Xuân năm ngoái và nước Pháp đang đối mặt với làn sóng thứ ba của dịch bệnh.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp lại đang đối mặt với nhiều chỉ trích do tiến độ tiêm chủng chậm hơn so với các quốc gia khác, như Mỹ và Anh. Cho tới nay, Pháp mới tiêm 15,75 triệu liều vaccine cho người dân, thấp hơn nhiều so với 40,96 triệu liều tại Anh. Giới chức Pháp có kế hoạch sử dụng vaccine Johnson & Johnson (J&J) cho đối tượng từ 55 tuổi trở lên, song nhiều khả năng kế hoạch này sẽ bị đình trệ do J&J hoãn giao vaccine cho Liên minh châu Âu (EU) sau khi Mỹ đình chỉ sử dụng vaccine này.

Còn trên phạm vi toàn cầu, số người tử vong do Covid-19 đã hơn 3 triệu trong tổng số gần 141 triệu người mắc SARS-CoV-2 và đã có 120 triệu người được chữa khỏi. Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ, Ấn Độ và Brazil. Tuy nhiên, tính theo tỷ lệ dân số, Cộng hòa Séc là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 265 người tử vong. Tiếp đến là Hungary với 256 người và Bosnia-Herzegovina với 237 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 47,6 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 1 triệu ca tử vong. Tiếp đến là các nước Mỹ Latinh và Caribe, với hơn 857.100 ca tử vong trong hơn 26,9 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ có hơn 589.700 ca tử vong trong hơn 32,6 triệu ca nhiễm. Châu Á ghi nhận hơn 294.000 ca tử vong trong hơn 20,8 triệu ca nhiễm. Trung Đông có hơn 121.600 ca tử vong, châu Phi có hơn 117.300 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 1.000 người.

Một tình nguyện viên của tổ chức từ thiện Aurore mang máy pha trà chuẩn bị nước uống cho nhóm người vô gia cư tại Pháp, trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thiếu hợp tác trong vấn đề vaccine

Sau “sự cố”, Hãng J&J đã kín đáo tiếp cận các hãng đối thủ cùng sản xuất vaccine Covid-19 và đề nghị hợp tác nghiên cứu nguy cơ đông máu (huyết khối) khi tiêm vaccine, đồng thời cùng có tiếng nói chung về mức độ an toàn của các loại vaccine.

Cụ thể thì J&J muốn xây dựng một liên minh các hãng sản xuất vaccine nhằm thông tin thống nhất về lợi ích cũng như những phản ứng hoặc nguy cơ đối với người được tiêm, để giúp người dân bớt lo ngại về các ca đông máu. Tuy nhiên, Hãng Pfizer và Moderna từ chối hợp tác với J&J bởi cho rằng vaccine của họ hoàn toàn an toàn. Hơn nữa, hai Hãng Pfizer và Moderna cũng không muốn uy tín về độ an toàn vaccine của họ bị ảnh hưởng khi tham gia vào liên minh với J&J.

Hiện chỉ có AstraZeneca nhận lời hợp tác với J&J bởi chính AstraZeneca cũng vướng vào sự cố một số ca bị đông máu sau khi tiêm.

Một nhân xét trên tờ Wall Street Journal cho rằng, việc các hãng dược lớn sản xuất vaccine từ chối hợp tác cho thấy thiếu sự đoàn kết trong ngành dược, kể cả đó là việc phải chống lại dịch Covid-19. Hơn một năm qua, các hãng dược lớn vẫn giữ quan hệ chuyên môn với nhau, các nhà khoa học cũng vậy nhưng “có một điều gì đó phía sau” khiến họ ít chia sẻ những thông tin quan trọng. Nói như giới chuyên gia y tế Mỹ thì các chính phủ và các công ty dược cần thông tin cởi mở về bất kỳ vấn đề gì liên quan vaccine, nhưng cần tránh những ngôn ngữ và hành động có thể khiến mọi người nghi ngại và lưỡng lự tiêm chủng, tạo cơ hội cho những thông tin sai lệch lại được dịp phát tán.

Sự cố đông máu (huyết khối) được biết tới lần đầu hồi đầu tháng Ba năm nay liên quan tới vaccine AstraZeneca. Thông tin đó đã khiến giới chức một số nước tại châu Âu áp lệnh hạn chế sử dụng ở những độ tuổi nhất định trong lúc tiến hành điều tra tìm nguyên nhân. Hiện các cơ quan quản lý dược châu Âu cũng mở rộng điều tra đối với vaccine Johnson & Johnson của Mỹ, vốn là loại vaccine sử dụng công nghệ tương tự như của Hãng AstraZeneca.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Hãm phanh khẩn cấp’ để chống Covid

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO