Hàng chục công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

Anh Tuấn – Đình Minh 08/07/2022 09:11

Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn các xã nông thôn của tỉnh có tất cả 109 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 37 công trình đã dừng hoạt động, bỏ hoang, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Công trình nước sạch tại xã Gia Minh (huyện Gia Viễn) được đầu tư hàng tỷ đồng nhưng hiện bỏ hoang.

Theo tìm hiểu, hiện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 109 công trình cấp nước tập trung, trong đó có 69 công trình đang hoạt động, số còn lại đang trong tình trạng bỏ hoang. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện miền núi Nho Quan, hiện nay, đã có hơn 20 công trình, trạm cấp nước sạch bị hư hỏng, bỏ hoang tại các xã Lạng Phong, Quảng Lạc, Yên Quang, Phú Long, Quỳnh Lưu, Văn Phong, Cúc Phương, Kỳ Phú, Thạch Bình, Đức Long... Trong đó, thôn Cao Thắng (xã Đức Long) nằm trong 1 thung lũng biệt lập bao quanh tứ bề là núi, cách xa trung tâm xã. Không chỉ trắc trở về địa lý, cuộc sống của khoảng 250 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu tại đây còn nhiều khó khăn khi chưa được tiếp cận với nguồn nước sạch.
Ông Nguyễn Văn Đình - Trưởng thôn Cao Thắng cho biết: Vào mùa lũ, các giếng nước trong thôn thường xuyên bị ngập. Còn vào mùa khô, nước giếng bị nhiễm phèn, mặn, không dùng cho ăn uống được. “Chúng tôi rất mong mỏi có nước sạch để sinh hoạt từ các công trình cấp nước tập trung. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã kiến nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết. Chỉ còn vài tháng nữa là đến mùa bão lũ, rất mong được các lãnh đạo tỉnh, huyện quan tâm để bà con có nước sạch” - ông Đình giãi bày.
Cùng chung tình trạng trên còn có 29 hộ dân thuộc xóm Lò (xã Gia Minh, huyện Gia Viễn). Được biết, xóm này nằm ngoài đê, cách xa trung tâm xã và hiện chưa có nước sạch để sử dụng. Trong khi, cách đó khoảng 1,5km lại là công trình nước sạch bỏ hoang suốt nhiều năm.
Chị Phạm Thị Nga - người dân xóm Lò cho biết: Nguồn nước giếng khoan trong thôn bị vẩn đục và nhiễm phèn, muốn sử dụng phải xây hệ thống bể lọc rất tốn kém. “Ở đây, đa phần người dân tích nước mưa để nấu ăn và đun sôi để uống. Đến mùa khô, không có nước thì mua nước đóng bình về sử dụng, vị chi mỗi tháng cũng mất vài trăm nghìn. Nếu có thể tái sử dụng công trình nước sạch đang bỏ hoang thì tốt biết mấy” - chị Nga nói.
Thực trạng thiếu nước sạch không chỉ diễn ra tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Ninh Bình mà tại những xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, người dân vẫn chưa được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia. Trong số các công trình đang bỏ hoang, ngoài những công trình có quy mô nhỏ, cấp nước cho nhóm hộ gia đình được đầu tư xây dựng chủ yếu từ nguồn vốn UNICEF tài trợ thì cũng có không ít những công trình quy mô toàn xã, công suất thiết kế hàng nghìn m3/ngày đêm, với số vốn đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng cũng bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí.
Có thể kể đến như công trình cấp nước sạch tập trung tại xã Quảng Lạc (huyện Nho Quan, Ninh Bình), được xây dựng cách đây hơn 10 năm nhưng chỉ hoạt động được một thời gian ngắn sau đó thì dừng hoạt động. Hay như công trình cấp nước sạch tập trung tại thị trấn Me, (huyện Gia Viễn, Ninh Bình) được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng và đã hoàn thiện đến 95%, tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà công trình này lại bỏ hoang từ nhiều năm nay. Toàn bộ khuôn viên của công trình này đang được cho thuê để bán cà phê.
Ông Trịnh Quang Đông - Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết: Ở một số địa phương có dự án cấp nước sạch do doanh nghiệp đầu tư, người dân phải chi trả phí đấu nối với số tiền lớn, nên nhiều hộ đã không mặn mà với việc sử dụng nước sạch. Số hộ dân dùng nước thực tế thấp hơn thiết kế gây khó khăn cho đơn vị quản lý. Hơn nữa, giá nước sạch chưa được tính đúng, tính đủ, chưa được cấp bù, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất đã làm ảnh hưởng đến hoạt động bền vững của công trình và việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế.
“Bên cạnh đó, nhiều hộ dân ở nông thôn chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của nguồn nước sạch đối với chất lượng cuộc sống và sức khỏe. Kể cả những nơi đã có hệ thống cung cấp nước sạch, nhưng mức tiêu thụ đạt thấp do bà con vẫn còn kết hợp sử dụng nhiều nguồn nước như nước giếng, nước ao, hồ, khe suối trong sinh hoạt để tiết kiệm chi phí” - ông Đông cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng chục công trình nước sạch tiền tỷ bỏ hoang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO