Hàng chục héc ta rừng bị ngã, đổ

Tấn Thành - Chí Đại 27/09/2022 06:39

Do ảnh hưởng các cơn bão năm 2020, cả rừng keo ở núi Dương Huê, tiểu khu 582 thuộc rừng phòng hộ Phú Ninh, thôn Kỳ Tân, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam bị gãy, ngã, đổ chết khô. Điều đáng nói bao nhiêu năm qua số lượng gỗ này chết khô trong rừng không được tận thu đã lãng phí còn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng.

Các cây keo tai tượng bị ngã, đổ, chết khô ở tiểu khu 582.

Theo người dân thôn Kỳ Tân, trước đây, khu rừng này được Ban quản lý rừng phòng hộ Phú Ninh và ven biển tỉnh Quảng Nam quản lý (BQL RPH) thuê người trồng keo tai tượng để phủ xanh đồi núi và chống sạt lở đất để đảm bảo môi trường sinh thái rừng. Tuy nhiên vào cuối năm 2020, trên địa bàn xảy ra liên tiếp các cơn bão lớn khiến nhiều cây rừng ở tiểu khu trên bị gãy, ngã, đổ nằm xuống đất.

“Từ cuối năm 2020 đến nay, nhiều cây keo bị ngã, đổ không được cơ quan chức năng thu dọn hoặc có hướng xử lý. Vì vậy, nhiều cây keo nằm phơi giữa trời nắng chết khô và dây leo bám lên. Tôi nghĩ đơn vị quản lý rừng phải phát dọn, tận thu số cây keo ngã, đổ rồi trồng lại cây mới, chứ để như vậy rất lãng phí và dễ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng” - anh Nguyễn Văn H., trú thôn Kỳ Tân chia sẻ.

Ông Võ Văn M. - trú thôn Kỳ Tân cho hay: “Thời gian qua, tôi thấy người dân vào tiểu khu 582 để cưa các cây keo bị gãy, đổ đem về nhà làm củi đốt hoặc bán cho các xưởng cưa ở địa phương. Việc này gây ra thất thu tài sản của Nhà nước. Quá trình khai thác gỗ này ảnh hưởng đến các cây rừng khác. Vì vậy BQL RPH cần tăng cường, kiểm tra xử lý các trường hợp này”.

Ông Võ Văn M. nói thêm, một số người dân có đất gần với tiểu khu 582 đã lợi dụng diện tích cây keo ngã, đổ đã tiến hành phát băm bụi rậm rồi lấn chiếm đất trồng keo nên cơ quan chức năng cần xử lý và phải phân chia ranh giới giữa đất sản xuất của người dân với đất rừng phòng hộ ở núi Dương Huê. Đặc biệt, diện tích cây keo bị gãy, đổ nên nguy cơ xảy sạt lở đất đá vào mùa mưa, bão.

Bà Nguyễn Thị T.(người dân địa phương) cho rằng: “Qua quan sát, chúng tôi rất lo ngại, vì trời đang nắng nóng nếu cháy rừng không chỉ trên 50ha keo tai tượng bị ảnh hưởng mà cả khu rừng này còn có trên 20ha lim xanh và cả trăm héc ta sao đen chắc chắn sẽ bị cháy theo. Tại sao ngành lâm nghiệp không giao cho BQL RPH khai thác tận thu, hay có hướng xử lý cho ổn, mà lại để hàng năm trời cây ngã, đổ hư hỏng và tiềm tàng cháy rừng như vậy. Nếu xảy ra cháy rừng thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”.

Nhiều người dân ở địa phương cho rằng, trong các buổi họp thôn hoặc tiếp xúc cử tri, bà con đã kiến nghị về vấn đề này nhiều lần. Thế nhưng kỳ lạ thay đến nay vẫn chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Theo chúng tôi, cần phải khai thác hết số cây keo bị gãy, đổ ở tiểu khu 582 rồi trồng lại cây mới và thuê người dân quản lý, bảo vệ rừng để đảm bảo hiệu quả hơn.

Ghi nhận thực tế, sau hơn 30 phút đi bộ, chúng tôi đã đến một điểm ở tiểu khu 582 thì nhìn thấy rất nhiều cây keo có đường kính từ 20cm - 30cm bị gãy, đổ nằm xuống đất, chết khô và các loại dây leo bu bám lên thân cây. Ngoài ra, dọc đường mòn lên đỉnh núi, nhiều cây keo chết khô nằm la liệt gây khó khăn cho việc đi lại và nguy cơ xảy ra cháy rừng vào mùa nắng nóng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng - Chủ tịch UBND xã Tam Dân cho biết: “Trong cơn bão số 9 năm 2020, trên địa bàn xã có nhiều diện tích cây rừng phòng hộ bị gãy, ngã, đổ, chính quyền địa phương đã kiến nghị các ngành chức năng có hướng giải quyết. Còn vấn đề rừng keo ở tiểu khu 582 bị ngã, đổ chết khô thì để tôi kiểm tra lại và trao đổi với BQL RPH rồi sẽ thông tin cho cơ quan báo chí”.

Trước sự việc này, ông Đặng Ích Phúc - Phó Giám đốc BQL RPH xác nhận: “Khu vực tiểu khu 582 có diện tích hơn 53ha rừng, chủ yếu trồng keo tai tượng, thuộc dự án bảo vệ và phát triển rừng, từ nguồn ngân sách Nhà nước. Thời gian trồng cây keo bắt đầu năm 2013, đến năm 2020, do ảnh hưởng cơn bão số 9 đã khiến nhiều cây keo tai tượng bị ngã, đổ, sau đó đơn vị đã đi kiểm tra thì có hơn 70% diện tích cây keo bị gãy, ngã, đổ”.

Theo ông Phúc, đơn vị đã làm văn bản xin khai thác diện tích rừng keo bị ngã, đổ, đơn vị đã gửi Sở NNPTNT tỉnh và Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Nam nhưng chưa được đồng ý. Đơn vị cũng rất lo lắng, khi khai thác diện tích này thấy đất trống ra thì người dân sẽ vào lấn chiếm đất để trồng keo gây khó khăn trong công tác quản lý rừng và công tác phòng cháy, chữa cháy rừng sẽ rất phức tạp, vì khai thác trúng vào mùa khô.

Về việc người dân lấn đất rừng phòng hộ trồng keo, ông Đặng Ích Phúc cho rằng: “Anh, em trong đơn vị thường xuyên đi tuần tra và tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được xâm lấn, chiếm đất rừng phòng hộ. Dự kiến, thời gian tới, có kinh phí bảo vệ rừng thì đơn vị sẽ giao lại cho các hộ dân quản lý bảo vệ rừng, mỗi hộ dân bảo vệ, giữ rừng khoảng 15ha”.

Thiết nghĩ, hơn 53ha rừng có hơn 70% diện tích cây keo bị gãy, ngã, đổ và người dân xác nhận có cả trăm héc ta cây sao đen và hơn 20ha lim xanh đang sinh sống xung quanh khu rừng này, vậy sao không tận thu cây ngã, đổ, không dọn dẹp để bảo vệ rừng. Gỗ mục ngã, đổ ngây thiệt hại về kinh tế và có nguy cơ cháy rừng gây hiểm họa lớn thì ai, đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng chục héc ta rừng bị ngã, đổ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO