Hàng giả hàng nhái hoành hành: Nhà quản lý ở đâu?

Minh Phương 26/07/2020 08:25

Vấn nạn hàng giả hàng nhái tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của xã hội khi thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường liên tiếp phanh phui những vụ việc lớn.

Điển hình phải kể đến sự vụ bắt giữ số lượng hàng “khủng” tại Lào Cai hồi trung tuần tháng 7 vừa qua. Dư luận đặt câu hỏi: Vai trò của nhà quản lý ở đâu khi để các đối tượng dễ dàng qua mặt đến vậy?

Kho hàng lậu khủng tại Lào Cai vừa được phát hiện, xử lý.

6 tháng, 27.000 vụ vi phạm

Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, cơ quan quản lý thị trường đã xử lý tới gần 27.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng, giá trị hàng tịch thu chưa bán hơn 218 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 79 tỷ đồng.

27.000 vụ việc chưa phải là con số cuối cùng khi mới đây nhất, hôm 16/7 vừa qua, cơ quan quản lý thị trường (QLTT) tiếp tục phát hiện và bắt giữ thêm hàng loạt các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ từ một đơn vị mượn danh hoạt động bưu chính, chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng nhái. Cụ thể, Tổng cục QLTT cho biết, ngày 16/7, Đội QLTT số 1, Đội QLTT số 6 thuộc Cục QLTT Hà Nội cùng thành viên Tổ công tác 368 (Tổ công tác về Thương mại điện tử, Tổng cục QLTT) đã tiến hành kiểm tra Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong thuộc Công ty TNHH một thành viên chuyển phát nhanh Thuận Phong - Chi nhánh Hà Nội (có trụ sở chính tại số 199 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh). Người đứng đầu Chi nhánh là ông Fang Hong Yuan, Quốc tịch Trung Quốc (cơ sở thuộc Công ty nằm trong khuôn viên Cảng ICD Mỹ Đình, số 17 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Công ty này được cung ứng dịch vụ bưu chính với các nội dung: Dịch vụ thư có địa chỉ nhận có khối lượng đơn chiếc đến 2kg; Cung ứng trong phạm vi liên tỉnh. Mặc dù trên danh nghĩa là hoạt động bưu chính, song khi vào cuộc kiểm tra, Đoàn kiểm tra lại phát hiện số lượng hàng hóa rất lớn bao gồm các mặt hàng Chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; Quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, táo sấy khô đóng hộp, cao xoa bóp, kem đánh răng, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, dầu xả, sữa bột, bóng đèn ô tô, xe máy, đui đèn cảm ứng, máy tập thể lực, đồ gia dụng các loại… Tất cả được đóng kín trong các thùng, bao tải, túi ni lông… bên ngoài có dán các thông tin về chủ hàng như: Tổng kho Thanh Vân, Shop Hồng Thắm, Shop Hương Ngát… đang tập kết tại Cơ sở dịch vụ bưu chính Thuận Phong để chuẩn bị chuyển phát.

Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện các sản phẩm tiết kiệm điện (loại thiết bị đã được cơ quan truyền thông và cơ quan chuyên môn cảnh báo là lừa dối người tiêu dùng), các loại miếng dán giảm cân, tiêu mỡ được để dời chưa đóng bao bì và có bao bì kèm theo thể hiện mã vạch và sản xuất tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…Tổng số hàng hóa có số lượng trên 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng hóa đang được tiếp tục kiểm đếm.

Những sản phẩm nói trên đều không rõ nguồn gốc xuất xứ và theo như thông tin được cơ quan quản lý thị trường chia sẻ, các sản phẩm này chuẩn bị được vận chuyển đi tới các đại lý bán hàng nhưng lại trên danh nghĩa hoạt động của công ty bưu chính, chuyển phát nhanh. Ngay khi “ổ” tập kết hàng lậu này bị phanh phui, cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ các sản phẩm hàng để xác minh, làm rõ chủ hàng cụ thể của từng lô hàng lậu, hàng có dấu hiệu giả sở hữu trí tuệ, hàng có dấu hiệu giả xuất xứ cũng như các hàng hóa không đúng với bản chất, công dụng của hàng hóa (lừa dối người tiêu dùng) và các vi phạm khác…

Trước đó không lâu, ngày 7/7/2020, cơ quan QLTT cũng mới phát hiện một kho hàng lậu với số lượng “khủng” đóng chốt ở Lào Cai với diện tích hơn 10.000 m2. Đáng chú ý, kho hàng khủng này được kinh doanh với hình thức thương mại điện tử và hoạt động một cách công khai từ hai năm nay. Và theo như chia sẻ của Phó chánh văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Kỳ Minh, để triệt phá được ổ hàng lậu này, lực lượng QLTT đã phải vô cùng vất vả khi thu thập thông tin, bởi đường dây này hoạt động hoàn toàn trên mạng internet.

Điều tra của lực lượng QLTT cho thấy, các hoạt động tại đường dây này được thực hiện rất tinh vi, sử dụng công nghệ để giao dịch hàng hóa, do đó rất khó bị phát hiện. “Trên sàn thương mại điện tử (TMĐT), giao dịch chớp nhoáng, công tác lưu trữ thông tin không được minh bạch, rõ ràng như giao dịch truyền thống nên việc phát hiện và xử lý các vi phạm trên sàn TMĐT sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với giao dịch truyền thống”- một cán bộ cơ quan QLTT nhận định.

Do công nghệ cao hay do buông lỏng quản lý?

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, phát triển TMĐT với nhiều điểm thuận lợi cho giao dịch thương mại giữa người mua và người bán, song chính những thuận lợi đó lại cũng trở thành kẽ hở để hàng giả, hàng nhái lợi dụng xâm lấn từ thị trường truyền thống lan sang thị trường online.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, việc mua phải quá nhiều sản phẩm hàng giả, hàng nhái trên các kênh bán hàng trực tuyến khiến cho niềm tin của họ đối với kênh giao dịch này bị giảm sút.

“Tìm thử một món hàng như nước hoa Chanel, Gucci hay các sản phẩm thời trang thương hiệu lớn khác trên mạng internet, sẽ có hàng loạt các sản phẩm hiện ra với vô vàn các loại giá, không biết đâu là thật đâu là giả”- chị Nguyễn Thị Quỳnh Anh, nhân viên ngành ngân hàng (địa chỉ ở Thành Công, Hà Nội) cho biết. Cũng theo chị Quỳnh Anh, đã nhiều lần mua phải hàng “lởm” trên các trang mạng xã hội nên chị bắt đầu cảm thấy “dị ứng” với cụm từ “mua hàng online”. “Nhiều sản phẩm quảng cáo một đằng, hàng về đến tay một nẻo, niềm tin từ đó mai một dần”- chị Quỳnh Anh nói.

Quả thật, nếu nhìn lại sự việc kho hàng lậu chuyên bán hàng online tại Lào Cai vừa bị bắt giữ mới đây, người ta sẽ không thấy bất ngờ với việc sẽ có hàng ngàn người tiêu dùng mua phải hàng “lởm” trên các kênh bán hàng trực tuyến. Bởi, phải tồn tại đến hai năm, kho hàng kia mới bị phát giác. Chỉ làm một phép tính nhẩm thôi, cũng sẽ thấy số người tiêu dùng bị “dính” hàng lởm từ kho hàng này không phải là con số nhỏ.

Đánh giá về thực trạng hàng giả hàng nhái trên sàn TMĐT, ông Nguyễn Hữu Tuấn-Trưởng phòng Quản lý hoạt động TMĐT (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương) cho hay, tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp nhưng trên thực tế, chế tài xử lý chưa được hoàn thiện, gây khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ bảo đảm căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm.

Và bản thân các cán bộ QLTT cũng từng thừa nhận, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động TMĐT vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể “đổ lỗi” cho hoạt động TMĐT với công nghệ cao gây khó khăn cho cho việc điều tra và phát hiện các vụ vi phạm. Bởi, rất nhiều vụ việc được chính người dân, báo giới phanh phui cũng chỉ bằng kỹ năng nghiệp vụ rất bình thường. Vậy không có lý gì các cán bộ cơ quan QLTT với chuyên môn nghiệp vụ cao lại không thể phát giác. Nhấn mạnh về những bất cập, tồn tại của cơ quan QLTT hiện nay, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó ban Chống buôn lậu và gian lận thương mại TP Hà Nội cho rằng, sự vụ tại Lào Cai hoạt động công khai suốt hai năm trời mới được phát hiện, rất cần xem lại năng lực của cơ quan chức năng. Rõ ràng, theo ông Phú, vẫn còn sự buông lỏng hay bảo kê cho các hành vi gian lận thương mại, nếu không một cơ sở làm ăn phi pháp không thể tồn tại lâu đến như vậy.

Theo ông Nguyễn Hữu Tuấn-Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương), tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng internet ngày càng diễn biến phức tạp nhưng trên thực tế, chế tài xử lý chưa được hoàn thiện, gây khó khăn trong việc thu thập thông tin, chứng cứ bảo đảm căn cứ pháp lý để xử lý vi phạm. Nhiều cán bộ quản lý thị trường cũng cho rằng, mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn, nhưng số lượng các vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp. Trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, không thể đổ lỗi cho hoạt động thương mại điện tử với công nghệ cao gây khó khăn cho cho việc điều tra và phát hiện các vụ vi phạm. Bởi, rất nhiều vụ việc được chính người dân, báo giới phanh phui cũng chỉ bằng với kỹ năng nghiệp vụ rất bình thường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng giả hàng nhái hoành hành: Nhà quản lý ở đâu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO