Hàng giả hoành hành trên ‘chợ mạng’

Duy Khang 31/10/2021 09:21

Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân càng gia tăng. Tận dụng thời điểm này, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng đẩy mạnh nguồn cung hàng hóa. Song, theo lời khuyên của giới chuyên gia kinh tế, người tiêu dùng cần phải cẩn trọng vì hàng giả, hàng nhái.

“Ghiền” săn hàng trên mạng

Covid-19 hoành hành nhiều tháng qua khiến người tiêu dùng dần thay đổi cách mua sắm. Theo đó, từ cách mua truyền thống, trực tiếp các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị để chọn hàng, người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến thông qua các kênh bán hàng online, các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thùy Linh (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dịch bệnh hoành hành nhiều tháng qua, việc thực hiện giãn cách xã hội khiến cho chị tìm đến phương thức mua hàng trực tuyến thay vì cách mua truyền thống như trước đây. “Chỉ cần “nhắp chuột” vào màn hình là đã có thể mua bất cứ món đồ nào mình cần, từ quần áo, giày dép, nước hoa, mỹ phẩm… cho đến đồ ăn uống, tiêu dùng hàng ngày” – chị Linh nói và cho biết, mua hàng trực tuyến thời điểm này vừa an toàn, tránh được dịch bệnh, vừa tiết kiệm được nhiều loại chi phí.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, mua sắm trực tuyến đã dần trở thành thói quen từ hơn một năm trở lại đây, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam. Không những thay đổi thói quen, nhiều người tiêu dùng còn trở nên “ghiền” mua sắm trên sàn thương mại điện tử vì tính thuận tiện, sự nhanh chóng mà loại hình mua sắm này mang lại.

Theo chia sẻ của chị Hồ Thu Thủy (khu tập thể A6 Thành Công, Hà Nội), chị say mê mua hàng trực tuyến đến mức, nhiều đêm thức gần đến sáng để ‘săn” hàng giảm giá.

“Có những thương hiệu thời trang, mỹ phẩm trên các sàn thương mại điện tử giảm giá đến 70-80% nên tôi thường tranh thủ thời gian “lướt mạng” để săn hàng giảm giá. Dần dần nó trở thành thói quen, ngày nào cũng phải vào mạng để “săn”- chị Thủy cho hay.

Quả thực, chỉ cần một cú “nhấp chuột” vào bất kỳ trang thương mại điện tử nào, người tiêu dùng cũng có thể thuận tiện đặt hàng với những mức chiết khấu rất lớn. Đặc biệt những dịp khuyến mãi kích cầu mua sắm, mức giảm sâu càng thu hút các tín đồ mua sắm online.

Theo nghiên cứu của Facebook, có tới 79% người mua sắm được khảo sát cho biết họ thường xuyên mua hàng trực tuyến và 82% sử dụng các thiết bị di động vì an toàn và thuận tiện hơn để chuẩn bị cho dịp Tết 2021. 60% người mua hàng cho biết đã chuyển sang các kênh trực tuyến và từ xa để gửi quà...

Đáng lưu ý, muốn mua bất kỳ sản phẩm gì, từ những thương hiệu lớn ở trong nước cũng như nước ngoài, với một cú “click chuột”, người mua cũng có thể tha hồ lựa chọn đủ các sản phẩm mà “chợ mạng” mang đến. Từ các sản phẩm thời trang tên tuổi như Adidas, Gucci cho đến những thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng như Channel, YSL, Dior... người tiêu dùng đều có thể dễ dàng tìm thấy trên kênh bán hàng trực tuyến với giá rẻ bất ngờ. Và đây chính là một trong những mặt trái của “chợ mạng”.

Khó kiểm soát

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đó cũng là xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều đối tượng lợi dụng bán hàng giả, hàng nhái và thực tế cho thấy tình trạng này đang xuất hiện ngày càng tràn lan trên các sàn thương mại điện tử.

Điều đáng nói, mặc dù giá bán rẻ như vậy, song người tiêu dùng vẫn “click chuột” để mua cho dù biết rõ đó chỉ là sản phẩm nhái các thương hiệu. Thực tế này, theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), chính là hành vi tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái gia tăng.

“Nếu người tiêu dùng kiên quyết quay lưng, nói không với hàng fake, chắc chắn các đối tượng làm hàng giả sẽ không thể tiếp tục các hành vi lừa người tiêu dùng, bởi sản phẩm làm ra biết tiêu thụ đi đâu nếu người tiêu dùng không quan tâm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.

Và như vậy, rõ ràng, lợi dụng sự dễ tính của người tiêu dùng, vấn nạn hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ tiếp tục thâm nhập tràn lan trên thị trường và ngày càng khó kiểm soát. Chưa kể, đối với những ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm... bị giả mạo, không đảm bảo chất lượng còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người tiêu dùng khi sử dụng.

Theo cơ quan quản lý thị trường (QLTT, Bộ Công Thương), tính đến tháng 10/2021, lực lượng QLTT cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hoá nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.

Lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng, hàng giả đã thâm nhập từ thị trường truyền thống, lan mạnh sang “chợ mạng”. Nhiều vụ việc “khủng” đã được lực lượng chức năng triệt phá, đơn cử như vụ việc tại Lào Cai được triệt phá hồi tháng 7/2020.

Theo đó, Tổng cục QLTT đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tấn công vào một kho hàng lậu, hàng giả tại TP Lào Cai, đối tượng kinh doanh TMĐT bán lẻ bằng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook, tổng số sản phẩm tạm giữ là 158.014 đơn vị sản phẩm nằm trong 237 chủng loại hàng hóa. Đây là vụ việc “đình đám” cho thấy không gian mạng đang có nhiều khe hở để các đối tượng tận dụng làm ăn phi pháp.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cũng thừa nhận, một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng TMĐT tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.

Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như: lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp), có thể chốt hàng trăm đơn mỗi ngày.

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ nhưng lại là thách thức lớn cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Dự báo, trong khoảng hai đến ba năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng, nhà quản lý cần sớm có những giải pháp “bít lỗ hổng” trên các sàn thương mại điện tử, để người dân có thể gửi trọn niềm tin vào kênh mua sắm này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng giả hoành hành trên ‘chợ mạng’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO