Hàng hóa sang Hoa Kỳ: Tiếp tục đối diện các biện pháp phòng vệ thương mại

M.Phương 23/12/2022 07:56

Thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tăng trưởng, tuy nhiên, cùng đó thì hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng phải đối diện các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ quốc gia này.

Thông tin nói trên được đưa ra tại Tọa đàm “Rủi ro và giải pháp hạn chế bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh với hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ”, do Tạp chí Công thương tổ chức ngày 22/12.

Theo ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), Hoa Kỳ hiện là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tính đến tháng 11/2022, Hoa Kỳ khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với Việt Nam, tổng cộng 51 vụ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn gần đây ngoài việc sử dụng các công cụ điều tra bán phá giá thì Hoa Kỳ cũng tiếp tục sử dụng những động thái điều tra mới, trong đó có điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, chiếm 1/2 số vụ điều tra của Hoa Kỳ với Việt Nam.

Trao đổi tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho hay, theo thống kê, xuất khẩu 11 tháng của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã đạt 101,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới. Cán cân thương mại hiện nay là Việt Nam đang xuất siêu sang Hoa Kỳ xấp xỉ 90 tỷ USD.

Các biện pháp phòng vệ thương mại Hoa Kỳ không chỉ áp với các mặt hàng từ Việt Nam mà còn với những quốc gia khác như Malaysia, Thái Lan và trong năm 2022. Số lượng các vụ việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá chống trợ cấp tăng cao, một trong những lý do là hàng của Việt Nam có cường độ cũng như tỷ trọng, giá trị tuyệt đối gia tăng rất nhanh.

Trước những rủi ro trong giao thương với thị trường Hoa Kỳ, ông Hưng cho rằng, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần tăng cường tìm hiểu pháp luật về các quy định về phòng vệ thương mại. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, DN phải tạo được các giá trị gia tăng, giá trị thặng dư trên sản phẩm xuất khẩu, qua đó cũng góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối. Cùng với đó, Cục phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) phải là đầu mối để tiếp nhận thông tin rà soát đánh giá và nghiên cứu sơ bộ, báo cáo trong nước và qua đó có thể tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan quản lý nhà nước của Hoa Kỳ để góp phần tiếng nói đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Theo ông Chu Thắng Trung, để hạn chế những rủi ro bị điều tra, áp dụng biện pháp chống lẩn tránh khi xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, DN khi xuất khẩu qua thị trường này cần chủ động nghiên cứu các vụ việc đã có kết luận để chuẩn bị sẵn hồ sơ chứng minh cho các lô hàng xuất khẩu để tránh bị áp thuế chống bán phá giá cao. Để xuất khẩu hàng hóa ổn định, bền vững sang Hoa Kỳ, cần có các thông cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại và nâng cao nhận thức, kỹ năng cho các DN về vấn đề này.

Bộ Công thương cho biết, hiện Bộ cũng đang xây dựng một số chương trình để tăng cường hơn nữa nhận thức của các DN liên quan đến hoạt động về truy xuất nguồn gốc. Trong đó có phối hợp với một số đơn vị liên quan và các chuyên gia để đưa ra những kiến thức cơ bản nhất về truy xuất nguồn gốc trong hệ thống quản trị của DN, đặc biệt là những ngành hàng, DN thuộc đối tượng rủi ro dễ bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng hóa sang Hoa Kỳ: Tiếp tục đối diện các biện pháp phòng vệ thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO