Hàng không bùng nổ nhưng lại... chậm chuyến

Thế Tuấn 06/07/2022 08:56

Thông tin mới nhất từ Bộ Giao thông vận tải, lượng hành khách và sản lượng hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021.

Hành khách đông nghịt tại Sân bay Nội Bài.

Trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%. Các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021 (số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%, khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%).

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá Việt Nam đứng đầu danh sách 25 quốc gia có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến năm 2022, lượng khách quốc tế thông qua các cảng hàng không của Việt Nam đạt xấp xỉ 10 triệu lượt hành khách, bằng gần 1/4 so với năm 2019 (41,7 triệu khách quốc tế).

Riêng với thị trường hàng không nội địa, Việt Nam được cho là phục hồi một cách kỳ diệu. Theo phân tích của Airbus phối hợp với Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) dựa trên kết quả thống kê các số chuyến bay từ flightrada 24 and Airbus estimate, thị trường hàng không nội địa Việt Nam phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng là 123% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong đó, sản lượng vận chuyển quốc nội qua sân bay Nội Bài vượt đỉnh trước dịch Covid-19. Khách trong nước tới thời điểm đầu tháng 7 đã tăng 30-35% so với cao điểm hè 2019.

Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng, tiềm năng to lớn của thị trường hàng không du lịch nội địa là một trong những cơ hội để ngành hàng không bứt phá sau đại dịch. Trong suốt 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (2020, 2021), trừ những giai đoạn toàn quốc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì thị trường nội địa là cứu cánh cho các hãng hàng không Việt Nam trong việc duy trì hoạt động khai thác, tạo dòng tiền khi mà thị trường quốc tế gần như đóng băng.

Việc dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng không nội địa thực hiện vào tháng 1/2022 cùng với nhu cầu du lịch nội địa bùng nổ sau khi bị kìm nén trong thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội toàn quốc đã tạo điều kiện cho thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh chóng, kết quả vận chuyển tăng dần qua các tháng đầu năm 2022.

"Tiềm năng và nhu cầu rất lớn của thị trường nội địa thực sự là cơ hội để các hãng hàng không khai thác, tận dụng và phát tiển hoạt động của mình trong các năm tới"- ông Thắng khẳng định.

Tuy nhiên, khi bùng phát trở lại, Hàng không Việt Nam cũng lại bộc lộ ngay những điểm yếu cố hữu. Nổi rõ nhất là việc chậm chuyến. Chỉ trong vòng 1 tháng, từ 19/5 đến 18/6, Cục Hàng không Việt Nam thống kê các hãng bay Việt Nam khai thác 30.808 chuyến, tăng 18% so với tháng 5, thậm chí tăng 528,7% so với cùng năm 2021. Trong đó, 25.206 chuyến bay cất cánh đúng giờ, tức bay đúng giờ khởi hành khi bán vé và 5.602 chuyến bay bị chậm, 65 chuyến bị hủy.

Vietnam Airlines, Vietjet là hai hãng bay có số chuyến bay về muộn nhiều nhất, lần lượt 1.491 chuyến và 2.287 chuyến. Mỗi ngày có đến 46-70 chuyến "tàu bay về muộn". Còn Bamboo Airways và Vietravel Airlines số chuyến chậm ít hơn.

Ngoài nguyên nhân thời tiết, kỹ thuật, theo Cục Hàng không Việt Nam, nguyên nhân chiếm tỷ lệ khá lớn ảnh hưởng đến việc chậm chuyến là “tàu bay về muộn” của các hãng hàng không. Nhưng vì sao “tàu bay về muộn” lại ngày càng nhiều? Câu hỏi ấy cần có sự trả lời thỏa đáng vì ảnh hưởng quá nhiều tới hành khách.

Đáng chú ý, một nguyên nhân được hé lộ "tàu bay về muộn" là do các hãng tăng chuyến, tối ưu quy trình khai thác nên thời gian quay đầu giữa hai chuyến bay (Ground times) không đảm bảo, dẫn đến chậm dây chuyền. Ground times là thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo.

Chính vì thế Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cục Hàng không tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hãng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý; xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không và đưa ra giải pháp xử lý.

Quyền lợi của hành khách khi chuyến bay bị chậm

Theo định nghĩa tại Thông tư 52/2018/TT-BGTVT, chuyến bay bị chậm là chuyến bay có giờ khởi hành thực tế muộn hơn 15 phút so với thời gian dự kiến cất cánh theo lịch bay. Còn tại Thông tư 27/2017/TT-BGTVT quy định, trong trường hợp chuyến bay bị chậm, gián đoạn, hủy chuyến, hành khách được hưởng những quyền lợi sau: Chậm từ 15 phút được xin lỗi; Chậm từ 2 giờ, ngoài các nghĩa vụ thông báo và xin lỗi, hàng hãng không phải phục vụ nước uống cho hành khách; Chậm từ 3 giờ thì ngoài việc thông báo, xin lỗi, phục vụ nước uống, hãng hàng không phải phục vụ thức ăn cho hành khách; Chậm từ 6 giờ được bố trí nơi nghỉ. Nếu thời gian chậm chuyến rơi vào từ 7 giờ đến trước 22 giờ, hành khách được bố trí nơi nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế tại sân bay. Nếu thời gian chậm chuyến rơi vào từ 22 giờ hôm trước đến trước 7 giờ ngày hôm sau, hành khách được bố trí chỗ ngủ, nghỉ phù hợp với điều kiện thực tế hoặc giải pháp thay thế nếu được sự đồng ý của hành khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng không bùng nổ nhưng lại... chậm chuyến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO