Hàng không kêu cứu

Hạnh Nhân 20/08/2020 06:53

Trong văn bản “kêu cứu” vừa trình Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, tuy các hãng hàng không đã tìm mọi giải pháp để hạn chế thiệt hại như cắt giảm tổng chi phí từ 50-70%. Đàm phán với các đối tác giãn nợ, giảm lãi vay. Bán bớt tàu bay, chuyển nhượng tài sản. Giảm lương toàn bộ cán bộ, nhân viên, giảm giá vé... song tất cả đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng.

Hàng không liên tiếp gặp khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay.
Hàng không liên tiếp gặp khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay.

Từ đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 3-4 năm, kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021. Đồng thời chỉ đạo giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Thủ tướng báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép giảm 70% (ít nhất là 50%) thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021; xem xét, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành trong 6 tháng việc nâng cấp sửa chữa đường băng, đường lăn sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đáng chú ý, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng cho phép mở đường bay trở lại đối với những nước đã kiểm soát được dịch Covid-19, nghiên cứu để ban hành những chuẩn mực về quy trình đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và kiểm soát lây nhiễm trong vận tải hàng không. Qua đó, cho phép khách du lịch nhập cảnh nếu họ đáp ứng được những yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, và cho phép các chuyên gia sang Việt Nam giảng dạy từ cuối tháng 8, đầu tháng 9/2020.

Trước đó, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét, có các biện pháp hỗ trợ về lãi suất vay vốn đối với các hãng hàng không Việt Nam.

Thông báo về kết quả kinh doanh, các hãng hàng không liên tục báo lỗ khủng trong nửa đầu năm nay sau nhiều năm làm ăn kinh doanh có lãi. Như doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, bằng gần 1/4 so với cùng kỳ năm ngoái (24.363 tỷ đồng). Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế âm 3.981 tỷ đồng so với mức lãi 206 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận thực dương 1.785,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019. Lỗ cơ bản trên mỗi cổ phiếu HVN tính đến tháng 6/2020 của Vietnam Airlines cũng đã lên tới 4.607 đồng.

Còn báo cáo tài chính quý II/2020 của Công ty CP Tập đoàn FLC (FLC) công ty mẹ của Hãng bay Bamboo Airways cũng ghi nhận khoản lỗ 838 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết ghi nhận khoản lỗ ròng 2.729 tỷ đồng sau thuế. Và đây cũng là số lỗ ròng sau 6 tháng đầu năm nặng nhất trong lịch sử kinh doanh của Tập đoàn.

Với Vietjet, trong quý II/2020, nếu tính riêng công ty mẹ Vietjet với mảng kinh doanh vận chuyển hành khách và phụ trợ vận tải hàng không, Hãng ghi nhận 1.970 tỷ đồng doanh thu, giảm tới 80% so với cùng kỳ... Tính chung 6 tháng, Vietjet ghi nhận 9.194 tỷ đồng doanh thu, giảm 54% và lỗ ròng sau thuế 2.112 tỷ đồng.

Hiện các hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng không kêu cứu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO