Hàng không tìm cách thoát hiểm

Hạnh Nhân 26/06/2021 06:30

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhu cầu di chuyển của hành khách bằng đường hàng không sụt giảm, kéo theo tình trạng hàng loạt tàu bay nằm “đắp chiếu”. Xoay xở trong mùa dịch nhằm duy trì hoạt động khai thác, các hãng bay đẩy mạnh việc vận chuyển hàng hóa.

Vải thiều được đặt trong khoang hành khách của siêu máy bay Boeing 787-9.

Các hãng hàng không lớn của Việt Nam đang phải cho “nằm sân” lượng lớn máy bay do không đủ khách để vận hành vì dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ máy bay phải tạm dừng khai thác của tổng đội máy bay 4 hãng hàng không lớn đang ở mức 127 chiếc trong tổng 218 chiếc.

Cụ thể, trong tổng số 74 máy bay của Vietjet Air, chỉ còn 22 chiếc đang được hãng khai thác, trong khi 52 chiếc nằm sân. Gần như toàn bộ đội bay mẫu A320 của hãng đều được đưa vào trạng thái niêm cất khi 17 trên 18 chiếc đang không được khai thác.

Cùng với đó Vietnam Airlines cũng đang buộc phải cho tạm dừng bay hơn một nửa đội bay vì vắng khách. Trong 100 chiếc máy bay mà hãng đang biên chế, 53 chiếc đã nằm sân, chỉ còn 47 chiếc duy trì khai thác. Trong 29 chiếc máy bay thân rộng gồm các mẫu A350 và Boeing 787, có tới 14 chiếc đã phải tạm dừng khai thác. Thậm chí, đội bay của Pacific Airlines. Với đội bay 17 chiếc thì hãng đã phải tạm dừng khai thác tới 13 chiếc, chỉ còn 4 chiếc tham gia khai thác.

Bamboo Airways đang là hãng bay lớn duy nhất có hơn nửa đội bay được khai thác. Hiện hãng biên chế 27 máy bay thì có 9 chiếc đang phải tạm dừng khai thác, trong đó chủ yếu là những chiếc máy bay thân hẹp Airbus A320.

Nhằm hỗ trợ các hãng hàng không nội địa, Cục Hàng không Việt Nam vừa ban hành Quy định về vận chuyển hàng hóa trên khoang hành khách của các loại máy bay. Quy định này được ban hành trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được dập tắt khiến nhu cầu di chuyển của hành khách bằng đường hàng không sụt giảm đáng kể.

Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa là các nhu yếu phẩm y tế tăng vọt. Đồng thời, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu khiến nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tăng.

Như việc vận chuyển vải thiều Bắc Giang trong thời gian qua, đại diện Vietnam Airlines cho biết, hãng đã vận chuyển hàng trăm tấn vải thiều Bắc Giang bằng máy bay thân rộng Boeing 787 và Airbus A350 đi đến TPHCM, Nhật Bản.

Để tăng trọng tải, ngoài khoang hành lý, hãng đã sắp xếp đưa 40 tấn vải thiều từ Hà Nội vào TPHCM trên khoang hành khách. Đây cũng là lần đầu tiên hãng bố trí một siêu máy bay Boeing 787-9 chỉ để chở vải thiều.

Hàng không Việt Nam chủ động vượt khó trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh nhiều đường bay nội địa và quốc tế buộc phải tạm dừng để tránh sự lây lan của dịch Covid-19, các hãng hàng không Việt Nam chuyển hướng sang dùng máy bay chở khách bằng cách tháo ghế trên khoang hành khách để chở hàng nhằm vớt vát doanh thu vốn đang sụt giảm nghiêm trọng.

Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines cho biết: Một trong những định hướng lớn của hãng là thành lập đội máy bay chuyên dụng chở hàng hóa. Đặc biệt, dịch Covid-19 bùng nổ đã đẩy nhanh xu hướng này, khi vận tải khách suy thoái do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các hãng phải nhanh chóng xoay hướng tăng cường vận chuyển hàng hóa để có doanh thu.

Theo tính toán từ các hãng bay, một chuyến bay vừa chở khách vừa chở hàng trong bụng máy bay có thể chở trung bình khoảng 2 tấn hàng với máy bay A321, 15 tấn với máy bay A350/787. Nếu chuyến bay không chở khách, kết hợp chở hàng trong bụng và trên ghế hành khách máy bay, con số tăng lên lần lượt là 8 - 9 tấn và 35 - 40 tấn hàng.

Đối với máy bay A321 sau khi tháo ghế khoang hành khách để tăng chở hàng, máy bay chở tối đa được 14 tấn hàng. Do đó, những thay đổi cải biến khoang hành khách giúp nâng gấp 2 đến gần 7 lần tải trọng hàng hóa của máy bay so với việc chỉ chở hàng trong bụng máy bay, qua đó tối ưu hóa chi phí và doanh thu của từng chuyến bay chở hàng.

Đẩy mạnh vận chuyển hàng hoá, Vietjet Air đã bắt tay cùng Tập đoàn UPS cải thiện mảng vận chuyển hàng hóa giữa thị trường Mỹ và khu vực châu Á (nhất là đến Việt Nam và Thái Lan). Bamboo Airways cũng đã triển khai và xây dựng bộ tiêu chuẩn vận chuyển hàng hóa theo tiêu chuẩn của IATA, phát triển các đường bay chở hàng định kỳ như tuyến Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc). Tuy vậy, tới thời điểm này Việt Nam vẫn chưa có hãng hàng không nào sở hữu máy bay vận chuyển hàng hóa chuyên nghiệp.

Liên quan tới các giải pháp gỡ khó cho ngành hàng không, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) vừa đề xuất giải pháp hỗ trợ ngành hàng không.

Theo TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội thì điều kiện cần để hàng không Việt Nam nhanh chóng phục hồi sau dịch bệnh là vốn và “hộ chiếu vaccine”.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cần nhìn rõ cứu trợ không phải để cứu sống mà là đầu tư cho tương lai. Nếu được hỗ trợ từ Chính phủ, các hãng hàng không lớn của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế sau đại dịch.Thời gian qua, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways đều đã có những bước phát triển nhanh, hứa hẹn có thể vươn tầm thành các hãng hàng không quốc tế lớn. Tuy nhiên, muốn vậy, các hãng này cần được tiếp sức để vượt qua những khó khăn hiện tại do Covid-19, từ đó ngành hàng không sẽ có nhiều thay đổi tích cực sau khi đại dịch được kiểm soát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng không tìm cách thoát hiểm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO