Theo Cục Hàng không Việt Nam, trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 quay lại khả năng hồi phục của ngành sẽ còn nhiều bất trắc. Còn theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, năm 2020 các hãng bay trong nước thiệt hại khoảng 105.000 tỷ đồng (khoảng 90.000 tỷ đồng doanh thu, lỗ 15.000 tỷ đồng). Cùng các chính sách hỗ trợ khác, theo Hiệp hội, số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hãng chưa bằng 1% thiệt hại của các hãng hàng không. Hàng không Việt Nam đang trong cơn bĩ cực với những khó khăn chồng chất.
Cục hàng không Việt Nam nhận định, mặc dù số chuyến bay khai thác toàn ngành đã có cải thiện đáng kể trong tháng 7 vừa qua, tuy nhiên trước diễn biến dịch bệnh Covid-19 quay lại thì khả năng hồi phục của ngành hàng không trong quý III-2020 sẽ còn gặp rất nhiều bất trắc.
Máy bay nằm sân
Hàng không là một trong những ngành kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 vì ngưng trệ hoạt động. Tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thời điểm này, máy bay “nằm sân” la liệt. Ngoài các khoản lỗ, vấn đề khiến các hãng bay đau đầu nhất hiện nay chính là việc dù máy bay ngưng hoạt động nhưng các hãng bay vẫn phải chi trả hàng tỷ đồng chi phí mỗi ngày mới có thể duy trì bộ máy, trả lương, trả tiền thuê máy bay, bảo trì bảo dưỡng, dịch vụ bến bãi.
Mới đây, kiểm tra việc bảo quản, bảo dưỡng tàu bay tại Cảng HKQT Nội Bài, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường thông tin: Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại Việt Nam, dịch cũng diễn biến hết sức phức tạp sau khi bùng phát trở lại tại Đà Nẵng từ cuối tháng 7. Vận tải hàng không trên thế giới nói chung và vận tải hàng không tại Việt Nam nói riêng vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo đó, các đường bay quốc tế vẫn chưa được khai thác trở lại và các đường bay nội địa phải cắt giảm tần suất. Cũng theo đó, một số lượng lớn tàu bay của các Hãng hàng không Việt Nam phải tạm dừng khai thác. Cụ thể, tính đến ngày 21/8/2020, có tới 83 tàu bay đang bảo quản, bảo dưỡng dừng bay.
Ở góc nhìn khác, ngoài việc ảnh hưởng của dịch khiến khách đi lại ít, còn có tình trạng hạ giá thấp khiến doanh thu ngành hàng không giảm. Trước đó, để cải thiện doanh thu trên các trục bay chính khi đường bay quốc tế chưa mở lại, các hãng hàng không liên tiếp mở các trục bay lẻ để tăng tải.
Một nguyên nhân nữa khiến doanh thu ngành hàng không giảm là do trước khi bùng phát dịch, ngành hàng không đã phát triển nóng. Theo đó, các hãng hàng không đã đầu tư thuê, mua thêm nhiều máy bay bổ sung vào đội bay để cạnh tranh tăng tải. Từ khi bùng phát dịch Covid-19, đường bay quốc tế ngưng hoạt động, khách nội địa giảm đi lại dẫn đến tình trạng thiếu tải.
Dù vào tháng 6 và giữa tháng 7, thông qua chương trình kích cầu du lịch, lượng khách có tăng lên đáng kể nhưng do giá giảm nên doanh thu các hãng thu về còn khiêm tốn so với chi phí cố định. Hiện tại, số lượng máy bay các hãng hàng không trong nước đang khai thác (tính đến cuối năm 2019 có hơn 220 chiếc các loại) có độ lệch lớn so với nhu cầu đi lại cho thấy các hãng hàng không tiếp tục gặp khủng hoảng trong đợt dịch thứ hai.
Theo đó, 2 thương hiệu hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines và VietJet đều đối diện với những khoản lỗ khổng lồ khi kết thúc quý II-2020. Cụ thể, trong quý II-2020, VietJet đã lỗ kinh doanh lên đến 1.100 tỷ đồng. Trong báo cáo giải trình lên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc VietJet cho biết dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lên ngành hàng không, trực tiếp làm giảm nhu cầu đi lại. Dù VietJet là hãng bay giá rẻ với khả năng tối ưu hoá chi phí nhưng chi phí cố định quá lớn để duy trì hoạt động nên dẫn đến lỗ.
Còn tại Đại hội đồng cổ đông đầu tháng 8, Vietnam Airlines vừa công bố tài liệu họp thường niên 2020, với mức lỗ dự kiến lên đến 15.000 tỷ đồng giữa bối cảnh toàn ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 2 đợt bùng dịch Covid-19. Khó khăn tài chính khiến Tổng Công ty quyết định giảm 48% thu nhập bình quân của phi công so với năm 2019. Thu nhập của tiếp viên và lao động mặt đất giảm lần lượt 52% và 55,5%. Tựu chung, Vietnam Airlines trong cơn bĩ cực đã mạnh tay điều chỉnh giảm thu nhập cả năm của người lao động xấp xỉ 40-50%.
Để trả nợ và bù đắp dòng tiền thâm hụt, Vietnam Airlines sẽ phải thực hiện lại cơ cấu tài sản. Ngoài 6 tàu bay dự kiến bán theo kế hoạch, Tổng công ty dự kiến đẩy sớm chương trình bán 3 tàu A321 CEO sản xuất năm 2008 vào năm 2020-2021 (kế hoạch ban đầu là 2023-2024).
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam dự báo, năm 2020 các hãng bay trong nước thiệt hại khoảng 105.000 tỉ đồng (thiệt hại khoảng 90.000 tỉ đồng doanh thu, lỗ 15.000 tỷ đồng), tuy nhiên gói hỗ trợ lớn nhất cho các hãng hàng không đến nay là việc giảm 30% thuế bảo vệ môi trường trong 5 tháng cuối năm với tổng số tiền gần 400 tỉ đồng. Cùng các chính sách hỗ trợ khác, theo Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không, số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho các hãng chưa bằng 1% thiệt hại của các hãng hàng không.
Hỗ trợ thế nào?
Trước thực trạng suy kiệt của ngành hàng không, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ có giải pháp mạnh mẽ để hỗ trợ và cứu các doanh nghiệp hàng không trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, đến nay tất cả các hãng hàng không đều rơi vào cảnh suy kiệt dòng tiền nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam rất cần sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ, các ban, Bộ, ngành.
Do vậy, Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện cho các hãng hàng không được vay gói tín dụng 25.000-27.000 tỷ đồng do Chính phủ hỗ trợ lãi suất trong thời hạn 3-4 năm; cho phép kéo dài miễn giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) giảm 50% các loại phí dịch vụ hàng không thuộc thẩm quyền của ACV…
Hiện tại, cả 3 hãng hàng không lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đều kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có thêm các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đề xuất tiếp cận các khoản vay quy mô lớn, lãi suất 0 đồng để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian qua, dư luận lùm xùm trước yêu cầu được hỗ trợ mang tính đặc thù của hãng hàng không Vietnam Airlines. Được biết, trong số 3 giải pháp hỗ trợ tài chính khẩn cấp mà VNA từng gửi tới chủ sở hữu Nhà nước, đáng lưu ý là việc hãng đề nghị được tiếp cận khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng nhà nước với thời gian vay tối thiểu là 3 năm. Khoản tín dụng này, theo VNA là cần được bung trong vòng 1-2 tháng tới để kéo dài sức chịu đựng cho hãng cho đến khi thị trường hàng không phục hồi về mức trước tháng 12/2019.
Để tránh nguy cơ rơi vào tình trạng âm vốn chủ sở hữu, hãng dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn. Dự kiến, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng Công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hoặc 1 doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của nhà nước với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn trung-dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho VNA phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.
Vậy nên hỗ trợ các hãng hàng không thế nào? TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu quan điểm: Tôi cho rằng Chính phủ, với tư cách là cơ quan quản trị công cao nhất của đất nước, cần hỗ trợ tất cả các hãng hàng không chứ không riêng hãng nào. Do đó, việc hỗ trợ phải công bằng nhưng không cào bằng và đặc biệt là phải căn cứ vào vai trò của từng hãng với xã hội, với đất nước cũng như khả năng hồi phục đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của từng hãng.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, cũng cho rằng không nên phân biệt đối xử theo kiểu chỉ cứu hãng bay nhà nước mà bỏ hãng tư nhân: Kinh tế thị trường cần tạo sự bình đẳng. Hội nghị Trung ương V đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cách nghĩ ưu tiên hãng hàng không nhà nước mà coi nhẹ hãng bay tư nhân là tư duy theo cơ chế cũ, lỗi thời, tạo sự bất bình đẳng, hạn chế sự phát triển của xã hội. Pháp luật Việt Nam cũng qui định cụ thể về việc phải đối xử bình đẳng, công bằng giữa các doanh nghiệp và thành phần kinh tế.