Hàng loạt công trình xâm hại đê Hoàng Long

ANH TUẤN - ĐÌNH MINH 14/05/2022 09:44

Một loạt bãi tập kết cát, bãi than, xưởng dăm gỗ, xưởng đóng tàu… đã ngang nhiên hoạt động trái phép, xâm hại hành lang đê Hoàng Long suốt 15 năm qua. Về việc này, vào cuối tháng 2/2022, UBND tỉnh Ninh Bình đã có công văn giao cho các sở, ban, ngành, huyện, thị liên quan kiên quyết xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các doanh nghiệp, bến bãi, nhà xưởng vẫn đang hoạt động bình thường.

Hàng loạt bãi tập kết, bãi than, xưởng dăm gỗ… lấn chiếm, xây dựng trái phép trên hành lang đê suốt hơn 15 năm qua nhưng chưa bị dẹp bỏ.

Muốn giải quyết phải có quy hoạch mới

Tại vị trí cầu Gián Khẩu bắc qua sông Hoàng Long, nằm giáp ranh giữa 2 xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) và xã Ninh Giang (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) có 1 loạt bãi cát, bãi than, xưởng dăm gỗ, xưởng đóng tàu ngang nhiên tập kết, hoạt động trái phép trên hành lang đê hữu sông Hoàng Long từ hàng chục năm nay.

Trên đoạn tuyến dài khoảng 1km, có hàng loạt công trình, bãi tập kết lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm pháp luật về đê điều như: 2 bãi cát của Công ty TNHH Thương mại Hưng Tuấn Anh và Công ty TNHH Trường An Thủy; xưởng dăm gỗ của Công ty cổ phần Đức Phát; xưởng sửa chữa đóng tàu, bãi than của Công ty Việt Dũng.

Theo quan sát, tất cả cơ sở nêu trên đến nay vẫn hoạt động công khai. Tại 2 bãi cát, xà lan vẫn nối đuôi nhau cập bến rồi dùng máy xúc đưa cát lên xe trung chuyển đổ lên bãi. Phía xưởng dăm gỗ, nguyên liệu được chất cao như núi và có nhiều băng chuyền vươn ra ngoài bờ sông, sẵn sàng đưa lên tàu đi tiêu thụ. Còn xưởng sửa chữa đóng tàu thì rất nhiều công nhân vẫn miệt mài làm việc, mặc dù nằm ngay dưới lưới điện cao thế. Bãi than cũng không kém phần sôi động với máy móc, xe tải liên tục ra vào.

Bà Lê Thị Hà (trú thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang) cho biết: Các bãi tập kết, nhà xưởng được doanh nghiệp xây dựng cách đây khoảng 20 năm trước. Trong suốt quá trình hoạt động, các đơn vị này ngang nhiên đưa phương tiện, máy móc vào làm khiến hành lang đê bị xâm phạm, gây mất an toàn trong mùa mưa lũ. “Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị vẫn cứ nhởn nhơ hoạt động”- Bà Hà nói.

Ông Bùi Quốc Trị - Chủ tịch UBND xã Ninh Giang thừa nhận: Việc các bãi tập kết, công trình nằm dọc tuyến đê hữu sông Hoàng Long vi phạm Luật Đê điều là chính xác. Theo ông Trị, vào khoảng những năm 1990, khi khuyến khích phát triển kinh tế, Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho các hộ cá nhân và doanh nghiệp khai thác, sử dụng những khu vực đất hoang hóa. Thời điểm đó, Nhà nước đã cấp giấy tờ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng đất ở phía ngoài đê. Đến khoảng năm 1993, 1994, các cá nhân, doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định tại khu vực được cấp. Năm 2006, khi Luật Đê điều được ban hành và có hiệu lực, việc hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân này ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ.

Ông Trị cho rằng: “Để giải tỏa các công trình vi phạm rất khó vì còn liên quan sinh kế của nhiều người lao động, tài sản của doanh nghiệp, cá nhân. Những năm qua, xã đã có văn bản yêu cầu các đơn vị không được phát sinh vi phạm mới, nhất là trong mùa mưa lũ thì không cho tập kết vật liệu. Trường hợp nào vi phạm xã lập biên bản xử lý để làm căn cứ giải quyết. Nếu muốn xử lý dứt điểm, có lẽ, giờ phải có quy hoạch mới, bố trí địa điểm để các doanh nghiệp này chuyển vị trí, như vậy họ mới chấp nhận”.

Theo tìm hiểu được biết, vào tháng 7/2018, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đã cử đoàn công tác đi kiểm tra các hoạt động khai thác, sử dụng bãi sông khu vực thượng, hạ lưu khu vực cầu Gián Khẩu. Tại đây, các doanh nghiệp bị yêu cầu phải di chuyển toàn bộ nhà xưởng và vật liệu xây dựng ra khỏi phạm vi bãi sông để đảm bảo không cản trở dòng chảy khi có lũ lụt xảy ra. Nhưng rồi mọi việc vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Xây dựng lộ trình các sai phạm

Mới đây nhất, ngày 21/2/2022, ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ký ban hành công văn số 53/UBND-VP3 về việc xử lý vi phạm hành lang bảo vệ đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình gửi các đơn vị liên quan. Tại công văn này nêu: Để đảm bảo an toàn cho đê điều và an toàn giao thông, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư trong phạm vi hành lang bảo vệ đê, thoát lũ thực hiện đúng các quy định của pháp luật; Chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các phòng, ban chức năng thuộc UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, rà soát, phối hợp ngăn chặn, không để phát sinh vi phạm mới; kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm cũ còn tồn tại; Tổ chức cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều đối với các tuyến đê cấp III trở lên sau khi đã hoàn thành việc đầu tư nâng cấp, bàn giao đưa vào sử dụng...

UBND các huyện, thành phố chủ động làm việc với các hộ gia đình, doanh nghiệp có vi phạm còn tồn tại kéo dài để tự giác giải tỏa hạng mục vi phạm theo quy định; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm hành lang bảo vệ đê điều, thoát lũ và xe quá tải trọng chạy trên đê theo đúng thẩm quyền. Xây dựng kế hoạch, lộ trình cưỡng chế để xử lý các vụ vi phạm còn tồn đọng kéo dài, nhất là các công trình xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông trên địa bàn đảm bảo an toàn cho tuyến đê và tiêu thoát lũ; Chủ trì, phối hợp với đơn vị liên quan rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời theo quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiểm tra các dự án liên quan đến đê điều; tham mưu thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án hoạt động không hiệu quả, các chủ doanh nghiệp không chấp hành, cố tình vi phạm quy định về bảo vệ đê điều, hành lang thoát lũ. Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan ngăn chặn, kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức vi phạm việc xếp hàng hóa, vật liệu lên phương tiện vượt quá tải trọng cho phép ngay tại các đầu mối, khu vực tập kết hàng hóa để ngăn chặn kịp thời trước khi xe lưu thông đồng thời kiểm tra, xử lý đối với các xe quá tải trọng đi trên đê.

Công an tỉnh phối hợp với Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các phương tiện chạy trên các tuyến đê trên địa bàn tỉnh. Chủ trì thực hiện hiện công tác kiểm soát, xây dựng kế hoạch, tổ chức các đợt cao điểm kiên quyết xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, các chủ phương tiện không chấp hành pháp luật về giao thông, chở quá khổ, quá tải ảnh hưởng đến an toàn của các tuyến đê. UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Báo cáo kết quả về UBND tỉnh trước ngày 20/5/2022.

Văn bản chỉ đạo là vậy, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại các bãi tập kết, các nhà xưởng vi phạm vẫn đang “ung dung” hoạt động bình thường. Hình ảnh các bãi tập kết, công trình vi phạm nằm cách UBND huyện Hoa Lư, UBND xã Ninh Giang chỉ vài trăm mét nhưng đã tồn tại hàng chục năm trời?!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng loạt công trình xâm hại đê Hoàng Long

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO