Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì có nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất - Bài 2: Quy hoạch rừng phòng hộ chồng lên xóm dân cư?

Lê Anh Đức 13/04/2022 07:44

Chấp nhận bỏ lại nhà cửa ở thành phố để lên núi xây dựng kinh tế mới, nhưng người dân khu vực núi Voi lại bị các cơ quan chức năng “lãng quên”, để rồi nhà cửa, đất sản xuất nông nghiệp khai phá trước đó lại bị quy hoạch vào rừng phòng hộ và có nguy cơ trắng tay.

Ông Nguyễn Anh đã cư trú tại khu vực này từ những năm 70.

Xóm dân cư bị “lãng quên”?

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Chủ tịch UBND xã Hiệp An Hồ Hữu Hiếu khẳng định, theo quy hoạch do UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt năm 1998 và điều chỉnh năm 2000, hầu hết đất mà người dân xóm núi Voi đang ở và canh tác đều nằm trọn trong rừng phòng hộ đã giao cho Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Đại Ninh quản lý. Điều đó có nghĩa, khi các hộ dân sinh sống và lao động sản xuất trên mảnh đất mà họ khai phá gần nửa thế kỷ trước là hành vi “lấn chiếm rừng phòng hộ”.

Cũng theo ông Hiếu, chính quyền cơ sở chỉ tuân theo quy hoạch được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt về các loại đất rừng, đất nông nghiệp hiện đang có hiệu lực thi hành. Điều đó cũng có nghĩa lãnh đạo xã Hiệp An và huyện Đức Trọng không cần biết đến nguồn gốc đất ở, đất sản xuất của các hộ dân, mà luôn xác định họ lấn chiếm đất rừng phòng hộ. Đó là lý do mà người dân xóm núi Voi chỉ cần dựng bất cứ lán trại nào, dù nhỏ hay lớn để ở hoặc sản xuất nông nghiệp đều bị chính quyền và BQL rừng phòng hộ Đại Ninh tới “hỏi thăm”.

Một số hộ gia đình đã có đơn gửi đến các cấp, ngành từ Trung ương tới địa phương trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan quản lý nhà nước giải quyết thỏa đáng.

Phần lớn các hộ dân đang sinh sống, lao động sản xuất ở xóm núi Voi hiện nay có “xuất xứ” là những hộ dân được vận động bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn nơi thành phố để lên núi khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng tại huyện Đức Trọng luôn xác định một cách máy móc rằng, xóm núi Voi là đất rừng phòng hộ được quy hoạch và người dân không được phép ở hay canh tác nông nghiệp.

“Hàng trăm hộ dân chúng tôi đã bị các cấp, ngành ở địa phương lãng quên nên toàn bộ đất đai đang ở và canh tác nông nghiệp từ mấy chục năm nay mới bị quy hoạch thành rừng phòng hộ như vậy đấy...” - ông Nguyễn Văn Tề, người dân thôn Định An, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng nói.

Đùn đẩy trách nhiệm

Trả lời phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh Nguyễn Văn Nhẫn cho rằng, nếu có việc quy hoạch rừng phòng hộ đè lên đất ở, đất sản xuất của các hộ dân xóm núi Voi thì cũng là trách nhiệm của cấp trên, chứ BQL rừng phòng hộ Đại Ninh chỉ là đơn vị tiếp nhận, thực hiện, không liên quan.

Ông Nhẫn khẳng định, cấp trên giao cho BQL rừng phòng hộ Đại Ninh ranh giới rừng đến đâu, diện tích bao nhiêu thì đơn vị này quản lý, chứ không có quyền quyết định.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng Lê Nguyên Hoàng, huyện, xã và BQL rừng phòng hộ Đại Ninh đã làm đúng pháp luật khi cương quyết phá dỡ các công trình “lấn chiếm đất rừng phòng hộ” của các hộ dân xóm núi Voi.

Khi được hỏi UBND huyện Đức Trọng căn cứ vào đâu để tham mưu cho các cơ quan có thẩm quyền quy hoạch đất ở và đất sản xuất của các hộ dân xóm núi Voi thành rừng phòng hộ, ông Hoàng không trả lời được nội dung này và khất trả lời sau.

Để có thêm thông tin về vụ việc, phóng viên đã đặt lịch hẹn làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường. Dù là đơn vị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh (năm 2020) chồng lấn lên đất ở và đất canh tác của hơn 100 hộ dân xóm núi Voi, nhưng Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Ngọc Hải lại “không biết” vì “đơn vị tham mưu quy hoạch cho UBND tỉnh là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Ông Hải hứa sẽ cho rà soát lại, nếu đúng như thông tin phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cung cấp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng điều chỉnh quy hoạch đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì có nguy cơ mất đất ở, đất sản xuất - Bài 2: Quy hoạch rừng phòng hộ chồng lên xóm dân cư?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO