Hàng Việt - chất lượng và thương hiệu

Minh Phương 20/03/2019 08:00

Sau 10 năm, Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã tạo được những chuyển biến rõ nét trong tâm lý và thói quen sử dụng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hàng hóa sản xuất trong nước thực sự chiếm lĩnh thị trường thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó 2 yếu tố chất lượng và thương hiệu phải được đặt lên hàng đầu.

Hàng Việt -  chất lượng và thương hiệu

Hàng Việt chiếm phần lớn tổng lượng hàng hóa trong các siêu thị.

Con số ấn tượng

10 năm về trước, hàng hóa trên thị trường chủ yếu là các sản phẩm đến từ nhiều nước, đặc biệt là hàng đến từ Trung Quốc, Thái Lan…thì hiện nay, hàng Việt Nam đã chiếm ưu thế từ hệ thống các chợ truyền thống cho đến các siêu thị. Chị Nguyễn Thị Mai Lan (phố Chùa Láng, Hà Nội) cho biết, nhiều năm trở lại đây, chị thường xuyên lựa chọn các sản phẩm “made in Việt Nam” đặc biệt là những hãng may mặc, da giày như May 10, Canifa, An Phước, Ladoda, Bitis…

Theo chị Lan, hàng hóa do các doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất ngày càng được cải tiến về chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh, do đó không có lý do gì mà người tiêu dùng Việt Nam không lựa chọn hàng Việt.

Chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết, nhiều DN cho biết cũng đang rất nỗ lực trong việc cải tiến mẫu mã, chất lượng để có thể xây dựng thương hiệu, chữ tín trong lòng người dân Việt Nam. Bởi, với hơn 90 triệu dân, thị trường nội địa chính là mảnh đất màu mỡ để các DN có thể sinh lời ngay tại “sân nhà” mà không phải lo đi cạnh tranh ở nơi khác. Mặc dù vậy, vẫn không thể phủ nhận, sự xâm nhập của các DN ngoại với uy tín, chất lượng tốt đến từ Thái Lan, Nhật Bản cũng đang khiến DN trong nước lao đao. Giới chuyên gia nhận định, với sự nổi trội về mẫu mã, hình thức và cả chất lượng, các sản phẩm hàng hóa đến từ Nhật Bản, Thái Lan thực sự là những đối thủ đáng gờm của hàng Việt.

Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực, các DN Việt Nam vẫn đang từng bước khẳng định được uy tín, thương hiệu trên thị trường nội địa. Con số 90% sản phẩm tại các siêu thị là hàng Việt Nam là một minh chứng rõ nét về điều này. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tỷ lệ hàng Việt Nam tại siêu thị hiện chiếm trên 90% - đây là con số sẽ khó đạt được nếu hàng Việt Nam không chinh phục và nhận được sự tin tưởng, lựa chọn của người tiêu dùng. Con số này cũng là minh chứng cho thấy, trong 10 năm qua, cuộc vận động đã thực sự tạo được những chuyển biến lớn trong tâm lý, thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Hàng Việt -  chất lượng và thương hiệu - 1

Hơn 90% hàng hóa trong các siêu thị là hàng Việt.

Lấy chất lượng làm nền tảng

Là một trong những DN đồng hành cùng cuộc vận động từ nhiều năm nay, ông Nguyễn Hải Đường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần M2 chia sẻ, để có thể thay đổi tâm lý, tư duy của người tiêu dùng Việt, các DN chỉ còn cách duy nhất là đem đến những sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh. Muốn vậy, DN phải làm ra sản phẩm có chất lượng với giá thành hợp lý, qua đó làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, bỏ tư tưởng sính ngoại, yêu và tin dùng hàng Việt. Cũng theo ông Đường, hiện nay không chỉ chinh phục người Việt bằng uy tín, thương hiệu, các DN Việt còn phải tạo sự tin yêu cho người tiêu dùng bằng chính thái độ phục vụ.

Nhưng có một thực tế đáng buồn hiện nay đó là nhiều nhà cung cấp vẫn còn tư duy gia công, cung ứng sản phẩm cho DN nước ngoài thì rất tốt nhưng lại sản xuất cho DN Việt Nam những sản phẩm với chất lượng kém hơn. Tức là họ có quan điểm, hàng sản xuất cho Việt Nam chỉ cần chất lượng như thế là được rồi, không cần cao hơn. Điều này phải thay đổi. Nếu các nhà cung cấp vẫn còn tư duy này thì chắc chắn sẽ khiến người tiêu dùng mất niềm tin.

Nhận định về những chuyển biến của các DN Việt Nam trong 10 năm chinh phục người tiêu dùng Việt, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các DN nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hàng Việt muốn giữ vững được thị trường cũng như giữ được niềm tin của người tiêu dùng cần phải có một sự cố gắng rất lớn. Trên thị trường hiện vẫn có nhiều DN có tư duy “ăn xổi”, với tư duy này sẽ khó có thể phát triển bền vững và sẽ khiến người tiêu dùng quay lưng với hàng hóa trong nước.

“Tôi cho rằng, để có thể giữ được niềm tin của người tiêu dùng trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, DN không nên lơ là và cần có chiến lược xây dựng thương hiệu. DN cần chuyển dần cạnh tranh về giá sang phương thức cạnh tranh phi giá như tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, dịch vụ sau bán hàng, các giá trị gia tăng” – ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Nêu lên những nguy cơ hàng hóa trong nước có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập khi cánh cửa hội nhập đã rộng mở, Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, nhiều dòng thuế nhập khẩu về 0% sẽ tác động đến giá hàng hóa nhập khẩu. Bởi vậy, theo bà Lan, để hàng Việt không bị hàng “ngoại” cùng chủng loại lấn lướt, DN Việt cần từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học, công nghệ, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh khi nền kinh tế hội nhập sâu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt - chất lượng và thương hiệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO