Hàng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường EU

THANH GIANG 30/09/2022 07:31

Chiều 29/9, tại Diễn đàn thương mại Việt Nam – EU, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) khẳng định, sau 2 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã phát huy tác dụng. Chỉ riêng quý 2/2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt mức kỷ lục và dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tỷ trọng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU tăng nhưng còn khiêm tốn.

Với sự hỗ trợ tích cực của Hiệp định EVFTA, hàng hóa của Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh, cải thiện được chỗ đứng tại thị trường EU. Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho hay, DN Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA. Tổng kim ngạch 2 chiều 2 năm qua của Việt Nam – EU tăng trưởng 12%. Đối với Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 83,5 tỷ USD, bao gồm dệt may, giày dép, đồ gỗ. Chiều ngược lại, hàng hóa EU vẫn được đón nhận tại Việt Nam. “Thời gian tới, DN nên đẩy mạnh xuất khẩu dựa vào thị hiếu của thị trường EU. Chẳng hạn như dệt may sẽ là sản phẩm áo thun, quần các loại, áo jacket...” – bà Trang cho biết.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU, ông Axel Goethals – Giám đốc Viện châu Âu nghiên cứu châu Á nhận định, Việt Nam có thể phát triển mạnh hàng dược phẩm vào thị trường EU. Theo ông Axel Goethals, thời gian qua “dược phẩm made in Vietnam” xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu chung. DN Việt nên tăng cường xuất khẩu dược phẩm vào EU vì hiện nay thuế quan nhập khẩu mặt hàng này đang ở mức 0%. Đây chính là lợi thế mà DN Việt cần nắm bắt”, vị này chia sẻ.

Cũng theo ông Axel Goethals dự báo, nếu làm tốt chắc chắn Việt Nam có thể trở thành quốc gia hàng đầu trên thế giới về dược phẩm. Bất chấp bối cảnh ảnh hưởng bởi đại dịch Covid - 19 và biến động địa chính trị khu vực và toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam và EU đã khai thác có hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định này, nhất là các nhóm ngành hàng có thế mạnh.

Ngoài những mặt hàng nêu trên, một tin vui đối với ngành nông nghiệp Việt Nam khi gạo Việt đã thâm nhập tốt vào thị trường EU. Ông Nguyễn Duy Thuận – Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho hay, Lộc Trời là đơn vị gạo xuất khẩu đầu tiên vào EU. Tháng 9 vừa rồi 1.000 tấn gạo Việt vào EU và bán tại 2 hệ thống siêu thị của Pháp.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quý 2/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 12,37 tỷ USD, tăng 8% so với quý 1/2022 và tăng 26,5% so với quý 2/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23,83 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đặc biệt là với các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh như giày dép các loại, hàng dệt may, nông thủy sản.

Ông Ngô Chung Khanh – Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho rằng, dư địa từ thị trường EU còn rất nhiều. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, sự hiểu biết của DN Việt Nam về EVFTA còn khiêm tốn, chỉ khoảng 80% DN hiểu rõ về các cam kết EVFTA, cho nên dư địa cho thị trường này vẫn còn nhiều. Hơn nữa, Bộ Công thương cũng đang tiếp tục hỗ trợ và chia sẻ về thị trường EU cho DN. Đơn cử, Bộ Công thương sẽ lập cổng thông tin EVFTA - hỗ trợ các vấn đề liên quan về thị trường EU cho DN. Ngoài ra, sắp tới Bộ sẽ xây dựng bộ chỉ số đánh giá thực thi EVFTA ở các địa phương tạo động lực tốt hơn trong việc thực hiện EVFTA.

“DN Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản, gạo, trái cây, dệt may,... sang thị trường EU để tăng giá trị cho sản phẩm. Hiện nay, DN vẫn đang tập trung ở các thị trường truyền thống nhiều nên tỷ trọng hàng hóa vào EU vẫn còn khiêm tốn” - ông Khanh khuyến cáo.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia nhận định thị trường xuất khẩu EU khá hấp dẫn, tuy nhiên thị trường này đã và đang có những diễn biến phức tạp. Kinh tế EU tăng trưởng chậm lại do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột khu vực. Lạm phát cao sẽ có tác động đến chi tiêu của người tiêu dùng, đặc biệt nhu cầu tiêu thụ hàng hóa không thiết yếu của EU nhiều khả năng sẽ giảm, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.

Đặc biệt, trong quý 2/2022, một số mặt hàng tiêu dùng đã có dấu hiệu xuất khẩu không thuận lợi như gỗ và sản phẩm gỗ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ. Bên cạnh đó, đồng Euro giảm xuống mức gần ngang giá với đồng USD, vì vậy về lâu dài có khả năng tác động đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU. Đồng Euro giảm giá so với USD khiến hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn tại EU, cùng với những khó khăn của nền kinh tế, có khả năng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của EU chậm lại trong các tháng cuối năm.

Trong quý 2/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 12,37 tỷ USD, tăng 8% so với quý 1/2022 và tăng 26,5% so với quý 2/2021. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đạt 23,83 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hàng Việt từng bước chiếm lĩnh thị trường EU

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO