Hành động để ngăn chặn kháng thuốc

Đức Trân 26/11/2020 07:01

Ngày 25/11, cùng tham gia vào Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc, Bộ Y tế cùng với Bộ NNPTNN và các đối tác quốc tế đã cam kết cùng nhau phối hợp nhằm chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh tại các bệnh viện, khu chăn nuôi và các hộ gia đình.

Không tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị bệnh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, chúng ta đang cùng hành động để giải quyết tình trạng kháng thuốc (AMR). Theo đó, ngành Y tế đưa ra một bộ hướng dẫn mới để hướng dẫn các bệnh viện về những việc họ cần phải thực hiện để quản lý việc sử dụng kháng sinh. Bộ Y tế cũng rà soát các số liệu về các bệnh nhiễm trùng kháng thuốc và tiêu thụ kháng sinh để xây dựng chính sách để quản lý, ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.

Kế hoạch Hành động quốc gia về kháng thuốc của Việt Nam sẽ kết thúc vào cuối năm nay, là đường hướng tiếp theo cho Bộ Y tế, Bộ NNPTNN chuẩn bị cho xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng chống kháng thuốc giai đoạn 2021 – 2030. WHO, FAO và các đối tác khác đã sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam cho nỗ lực này.

Được ca ngợi như một điều kỳ diệu trong y học hiện đại, thuốc kháng sinh đã thay đổi cuộc chơi trong việc đánh bại các vi khuẩn nguy hiểm - giúp nhiều trẻ em sống sót hơn và kéo dài tuổi thọ của người trưởng thành. Nhưng bức tranh đó đang thay đổi đáng kể. Con người, sau nhiều năm lạm dụng và sử dụng sai cách thuốc kháng sinh, cho cả con người và động vật, đã tạo điều kiện cho vi khuẩn xây dựng khả năng đề kháng đối với thuốc kháng sinh, khiến cho kháng sinh hầu như không còn hiệu quả.

Trên khắp thế giới, con người, thực vật và động vật đang chết vì những bệnh nhiễm trùng mà không còn có thể chữa trị được nữa - ngay cả với những loại thuốc kháng sinh tiên tiến nhất mà chúng ta có.

Trước thực trạng nói trên, PGS.TS. Nguyễn Văn Chi - phụ trách Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh”.

Đồng quan điểm, BS. Nguyễn Hữu Quân - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hiện nay tình trạng tự ý mua thuốc kháng sinh điều trị của người dân rất đáng báo động. Đặc biệt với những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gút khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh. Đối với kháng sinh khi chúng ta sử dụng càng rộng rãi thì vi khuẩn càng nhờn thuốc nên có xu hướng tăng kháng sinh lên, chi phí cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc cũng rất khó khăn cho bác sĩ vì phải lựa chọn kháng sinh phù hợp và nhiều loại kháng sinh dùng rồi kháng thì không dùng được nữa, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.

Theo giới chuyên gia y tế, mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý: Chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành động để ngăn chặn kháng thuốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO