Hành trình nguy hiểm trên biển

Thanh Đức 14/03/2023 09:02

Ngày 13/3, Cơ quan Cảng biển và sông của Madagascar xác nhận con thuyền chở 47 người bị lật ngày 12/3 ở vùng biển ngoài khơi thị trấn Ankazomborona, phía bắc Madagascar, trên đường tìm tới đảo Mayotte của Pháp. Ít nhất 22 người đã thiệt mạng.

Cảnh sát Pháp tiếp cận một chiếc thuyền của người di cư vượt eo biển Manche. Ảnh: AFP.

Tại Madagascar thường xuyên xảy ra nhiều vụ lật thuyền chở người vượt biên trái phép. Hồi cuối năm 2021, một thảm kịch đã khiến 85 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em. Tại thời điểm xảy ra vụ việc có 138 người có mặt trên con thuyền gỗ dài khoảng 3,6m. Đây là phương tiện chở hàng và không được phép chở khách.

Nhiều năm qua, châu Âu được coi là “đất hứa” với nhiều người tại các quốc gia châu Phi. Họ bất chấp hiểm nguy dùng thuyền để vượt biển. Nhiều người chết, nhiều người bị mất tích. Khu vực ngoài khơi Libya được ví như “hải trình chết chóc”. Ngày 13/3, lực lượng bảo vệ bờ biển Italy thông báo rằng khoảng 30 người di cư đang mất tích sau vụ lật thuyền ngoài khơi bờ biển Libya, 17 người được cứu. Số lượng người mất tích được xác định sau nỗ lực giải cứu những người gặp nạn trên chiếc thuyền trôi dạt cách bờ biển Libya khoảng 100km.

Đại diện Tổ chức cứu hộ Alarm Phone cho biết họ đã phải thành lập đường dây nóng dành cho những người di cư gặp nạn. Trong khi đó, theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), khu vực trung tâm Địa Trung Hải là con đường di cư nguy hiểm nhất thế giới, với gần 20.000 người chết và mất tích kể từ năm 2014 đến nay.

Trước đó, ngày 27/2/2023, một chiếc thuyền gỗ chở hàng trăm người di cư va phải đá khi tiếp cận mũi Calabria, miền nam Italy đã vỡ nát khi gặp sóng lớn. Cảnh sát biển đã tìm được 73 thi thể. Những người sống sót cho biết, chiếc tàu này va phải đá ngầm khi đã vào gần bờ.

Manuela Curra - một quan chức chính quyền tỉnh Crotone nói, số người chết tìm thấy lúc đầu là 58, sau lên tới 73 người. Có 81 người sống sót được tìm thấy, họ phải vào bệnh viện trong tình trạng kiệt sức và hoảng loạn. Còn theo ông Antonio Ceraso - Thị trưởng Cutro, nhiều phụ nữ và trẻ em nằm trong số những người thiệt mạng. Danilo Maida - phát ngôn viên lực lượng cứu hộ bờ biển Calabria cho biết họ đã phải tìm kiếm dọc bờ biển bằng mô tô nước và trực thăng, tuy nhiên thời tiết xấu và biển động khiến hoạt động này gặp khó khăn. Con tàu bị nạn đã xuất phát 4 ngày trước đó, chở khoảng 180 người, đến từ Iran, Iraq, Afghanistan và Syria, trong hành trình nguy hiểm đến châu Âu. Tuy nhiên những người sống sót lại cho biết con tàu chở không dưới 250 người.

Bộ trưởng Nội vụ Ytaly Matteo Piantedosi gọi tai nạn là một thảm kịch và tuyên bố những kẻ buôn người đã gây ra thảm kịch cho người di cư, những người đã ảo tưởng về một miền đất hứa ở lục địa châu Âu. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi sự cố là thảm kịch khủng khiếp đối với những người di cư vô tội, kêu gọi các quốc gia châu Âu cùng nhau nỗ lực hơn nữa vì Hiệp ước về di cư và tị nạn, cũng như Kế hoạch hành động của Liên minh châu Âu với khu vực Trung Địa Trung Hải

Theo thống kê của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), hầu hết các trường hợp chết hoặc mất tích do tàu chở người di cư quá tải hoặc cũ nát. Báo cáo cũng cho biết trong năm 2021 có 3.077 người thiệt mạng khi tìm cách vượt Địa Trung Hải và Đại Tây Dương để tới châu Âu, tăng so với con số 1.544 người ghi nhận năm 2020. Trong số này, 1.924 người thiệt mạng hoặc mất tích trên các tuyến di cư ở Trung và Tây Địa Trung Hải, trong khi có 1.153 người mất mạng trên tuyến đường biển từ Bắc Phi tới quần đảo Canary.

Người phát ngôn của UNHCR, bà Shabia Mantoo cho biết, việc nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới trên đất liền đã khiến hoạt động di cư khó khăn hơn và điều này khiến người di cư tìm kiếm những đường dây đưa người vượt biển trái phép, khiến hành trình di cư trở nên nguy hiểm hơn.

“Những nỗ lực cứu nạn, tìm kiếm người di cư mất tích trên biển là đáng hoan nghênh, nhưng cùng đó phải là truy lùng những tổ chức tội phạm buôn bán người. Việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa quốc gia có người di cư và quốc gia nơi họ tìm đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phối hợp là rất lỏng lẻo. Trong hầu hết các vụ tai nạn đến với người di cư bằng cách vượt biển thì đều không tìm ra những băng nhóm buôn người. Đôi khi chỉ cần tìm thấy thi thể người chết và cứu giúp người bị nạn sống sót thì vụ việc cũng khép lại. Chính điều đó càng khiến “hải trình chết chóc” trên biển giữa châu Phi và châu Âu vẫn lấy đi mạng sống của rất nhiều người nghèo khổ” - bà S.Mantoo nói.

Bắt đầu từ ngày 11/3, hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italy chạy đua với thời gian để giải cứu khoảng 1.300 người di cư trong tình trạng nguy hiểm ở Địa Trung Hải. Nhiều tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển đã được điều động để giải cứu 500 người trên một chiếc thuyền cách khu vực bờ biển Italy khoảng 1.125 km. Trong khi đó, các tàu khác được cử đến để giải cứu 800 người trên hai chiếc thuyền gặp nạn cách vùng biển Calabria khoảng 160km.

Chiến dịch giải cứu quy mô lớn của hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italy diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang phải đối mặt với những chỉ trích liên quan tới vụ đắm tàu chở người di cư gần Crotone vào rạng sáng 26/2, khiến 73 người thiệt mạng. Italy là một trong những điểm đến hàng đầu của những người di cư tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu và là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới. Theo Bộ Nội vụ Italy, chỉ trong vòng hơn 2 tháng đầu năm 2023, đã có 17.500 người di cư tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào nước này, nhiều gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình nguy hiểm trên biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO