Hành trình truy tìm kẻ vượt ngục 32 năm

Theo VnExpress 25/01/2023 11:18

Trinh sát lần tìm tại 19 thành phố, rà soát 124 địa điểm với gần 4.900 km để bắt phạm nhân giết người Trương Công Chức đã vượt ngục, trốn truy nã suốt 32 năm.

Cuối thập niên 1980, sau khi ra quân, Chức tham gia một vụ án giết người và bị TAND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) tuyên phạt 6 năm tù.

Khi đang chấp án, tháng 10/1990, Chức đục tường vượt ngục và bị Công an tỉnh Sông Bé phát lệnh truy nã về hành vi Trốn trại. Nhà chức trách tổ chức nhiều cuộc rà soát song không có kết quả.

Tháng 9/2022, Phòng truy nã, truy tìm thuộc Cục Cảnh sát hình sự (Phòng 10, C02 Bộ Công an) xây dựng kế hoạch truy tìm. Lúc này, thông tin ít ỏi trinh sát có được chỉ là tờ Lệnh truy nã, cùng tấm ảnh đen trắng hồi Chức ngoài 20 tuổi. Kèm theo đó là nhận dạng ban đầu như cao khoảng 1m58, sống mũi lõm, trên mặt có một vết sẹo chấm cách mép trái 1,5 cm.

Trương Công Chức lúc bị bắt (phải) và hồi trốn truy nã. Ảnh: Công an cung cấp.

Tổ công tác nhận định Chức thuộc diện trốn truy nã lâu năm nên chắc chắn đã thay đổi toàn bộ nhân thân, lai lịch, nơi ở; có thể chưa trốn ra nước ngoài.

"Đây là người từng trải, tinh quái và chắc chắn đã chuẩn bị một vỏ bọc kín kẽ khi trốn chạy", Trung tá Phạm Ngọc Viết, cán bộ Phòng 10, đánh giá và đề xuất cần phải có kế hoạch trinh sát dài ngày.

Trung tá Viết cùng Trung tá Hoàng Hoài Nam xây dựng báo cáo lãnh đạo các cấp và lên đường, lái ôtô xuất phát từ Hà Nội, đi dọc các tỉnh miền Trung tìm dấu vết. Xác định sẽ tốn nhiều công sức, thời gian, hai anh chất đầy cốp xe mỳ tôm, nước lọc, lương khô và mỗi người một valy đầy chặt tư trang.

Hàng trăm điểm đến ở các tỉnh từ Bắc vào Trung và những người nghi liên quan được đưa vào danh sách rà soát. Tuy nhiên, những người thân hoặc bạn bè cũ trước đây đều không liên lạc hay biết Chức đang ở đâu, do thời gian đã quá lâu.

Trong lúc mọi thứ gần như "đi vào ngõ cụt", tổ công tác bất ngờ có thông tin, có thể nghi phạm đang sinh sống ở một tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên. Khu vực này lập tức được khoanh vùng, tập trung truy vết.

Sau nhiều ngày trinh sát, cán bộ Phòng 10 xác định Chức đã có cuộc sống mới ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nên cùng công an sở tại xác minh. Thông tin lúc này cho thấy, sau khi vượt ngục, Chức ở TP Hồ Chí Minh một vài năm sau đó ngược ra Quảng Trị, rồi cuối cùng dừng chân ở Đà Lạt.

Tuy vậy, suốt hành trình này không ai biết đến tên Trương Công Chức hay bất kỳ thông tin gì về nhân thân, lai lịch của ông ta. Một lần nữa, tổ công tác bị đẩy vào thế khó. Không bỏ cuộc, các trinh sát kiên trì cuộc hành trình "sáng ở khu nóng, trưa ở khu mát, đêm ở khu rét" để đeo bám mục tiêu. Có ngày cao điểm, hai trung tá kỳ cựu của phòng 10 thay nhau lái xe, chạy băng rừng với khoảng 600 km.

Sau nhiều đêm trắng "lật tung" từng khu phố, tổ công tác nhận định, khi vừa vượt ngục, Chức sử dụng giấy tờ quân nhân của một người khác. Để ngụy trang khi đến nơi ở mới, Chức lấy tên Lê Danh mua một bộ quần áo quân nhân giả, tạo vỏ bọc hoàn hảo.

Lúc sống ở Đà Lạt, Chức lấy vợ và sinh hai người con; đăng ký thường trú một nơi nhưng lại sống ở một khu khác. Hàng ngày, Chức sống khép kín với người dân bản địa, quanh quẩn làm nghề trồng hoa ở Đà Lạt và gần như không đến các địa bàn khác.

Giữa tháng 12/2022, tổ công tác khoanh vùng nhỏ hơn nơi sinh sống của Chức để tập trung rà soát. Hàng trăm trường hợp có sự tương đồng với Chức như độ tuổi, hình dáng, tập quán được đưa vào tầm ngắm song không có kết quả.

9h30 ngày 18/12/2022, "đích đến" cụ thể hơn nên cuộc vây bắt được triển khai. Tổ công tác chia thành ba mũi, bao quanh căn nhà kiên cố nằm sâu trong tiểu khu 40 của thành phố. Lúc đó, một tổ công tác có cả công an sở tại vào nhà lấy lý do mời Chức lên phường làm việc để "tránh bắt nhầm người".

Lần đầu tiên "mặt đối mặt" với mục tiêu, Trung tá Viết bằng kinh nghiệm nghề nghiệp đã nhận ra ngay nghi phạm trốn truy nã. Vợ con Chức sững người bởi ông ta che giấu quá khứ hoàn hảo.

"Lúc đó, Chức vừa hồi phục sau khi trải qua cuộc tai biến nặng, giọng nói cũng biến dạng. Tuy vậy, hắn rất bình tĩnh, vẻ mặt không biến sắc và né tránh toàn bộ câu hỏi mang tính lộ thân phận", Trung tá Viết nhớ lại và đánh giá "Chức là tội phạm thông minh".

Tại trụ sở công an phường, Chức quanh co, không nhìn thẳng vào mắt cảnh sát và vờ nói không rõ chữ vì vừa bị tai biến. Sau gần một ngày đấu tranh, "đánh đòn tâm lý" và với các chứng cứ không thể chối cãi, Chức mới thừa nhận hành vi, trung tá Viết kể.

Cuộc đấu trí tạm thời khép lại. Định vị của trung tá Viết thể hiện hành trình truy bắt Chức tổ công tác đã đi qua 19 thành phố, 124 địa điểm với tổng số 4.882 km. Trở về nhà sau những ngày tháng "xương cốt mỏi nhừ" nhưng hai trinh sát "cười như mở hội" vì bắt được trường hợp "khó nhằn".

Đại tá Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng truy nã, truy tìm, tội phạm truy nã trốn lâu năm đa phần chúng đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thay tên, đổi họ thành "con người mới" gây khó cho công tác truy bắt. Hơn nữa, thông tin ban đầu về đối tượng gần như không có gì khác ngoài tờ lệnh truy nã.

Phòng 10 C02 được Bộ Công an giao chủ trì, chỉ đạo hệ lực lượng cảnh sát hình sự trong toàn quốc trong việc kéo giảm số đối tượng truy nã hiện còn. Phòng cũng trực tiếp tổ chức lực lượng tập trung truy bắt các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm, trốn lâu năm.

"Từ 15/11/2022 đến nay, phòng đã bắt giữ được 52 tội phạm truy nã. Như vậy tính bình quân, mỗi ngày phòng bắt được hơn một trường hợp", Đại tá Cường nói.

Theo VnExpress
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình truy tìm kẻ vượt ngục 32 năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO