Hành trình về nguồn của một nhà báo người Mỹ gốc Việt

Lê Lê 22/01/2022 19:00

Dù ra đi hay trở về trong cuộc đời của mỗi chúng ta đều mang lại một ý nghĩa hay mục đích riêng rất rõ ràng. Không như hầu hết các kiều bào trở về quê hương để du lịch, thăm thân, hay đầu tư, kinh doanh, Nguyễn Quang Trường, một nhà báo người Mỹ gốc Việt chọn sự trở về quê hương theo cách riêng của mình.

Nhà báo Nguyễn Quang Trường với đồng bào dân tộc vùng cao.

Sau 30 năm xa xứ, tháng 6/2013, anh Trường quyết định trở về Việt Nam sống và làm việc lâu dài. Anh Nguyễn Quang Trường đã lập ra kênh Vietnam today trên nền tảng Youtube để kết hợp công việc làm báo và tìm hiểu văn hóa lịch sử các vùng miền. Với tôn chỉ “Nhịp sống muôn màu”, kênh Vietnam today đã đưa bước chân Nguyễn Quang Trường đi khắp các nẻo đường đất nước. Từ hải đảo đến đồng bằng. Từ miền xuôi đến vùng núi cao, nơi đâu anh đến, cũng mang lại một giá trị gắn kết tình nhân ái với những Việt kiều xa quê có thiện chí cùng chung tay đóng góp ý kiến, tiền của vào những việc làm vô cùng nhân văn và ý nghĩa.

Dấu mốc sâu sắc, để lại nhiều tâm tư tình cảm trong anh khi trở về đất mẹ, là chuyến đi hải trình hơn 10 ngày tham quan các huyện đảo Trường Sa do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại Giao tổ chức tháng 4/2012. Đây là chuyến hải trình đặc biệt dành cho kiều bào xa Tổ quốc. Từ đó đến nay, anh đã vinh dự 5 lần tham dự các chuyến đi Trường Sa (năm 2012, 2014, 2015 và 2019) và chuyến đi thực địa 3 ngày ra vùng biển Hoàng Sa cùng với các phóng viên quốc tế, vào tháng 5/2014. Với tư cách nhà báo kiều bào, qua những chuyến đi ra Trường Sa, Hoàng Sa, hình ảnh về biển đảo và tinh thần bám đất bám biển, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ lãnh hải của quân và dân Việt Nam, đã tác động sâu sắc đến Nguyễn Quang Trường. Sau những chuyến đi ấy, hàng nghìn video clip, bài viết, ký sự, bài phỏng vấn của anh đã là tư liệu giá trị, giúp cho kiều bào ở nước ngoài hiểu rõ thực tế đang diễn ra trên biển đảo, xóa tan những nghi ngại, hiểu biết mơ hồ, lệch lạc của những ai còn thiếu thiện chí vì định kiến hay khác biệt quan điểm chính trị. Tài liệu của Nguyễn Quang Trường đã được tổng hợp và xuất bản qua tập sách “Ký sự Trường Sa & Hoàng Sa” (Nhà xuất bản Sự Thật - 2015). Sau những chuyến đi hải đảo, Nguyễn Quang Trường cảm nhận sự thiêng liêng của chủ quyền đất nước, anh đã lên kế hoạch cho những chuyến đi của mình từ Bắc tới Nam để tìm hiểu sâu sắc hơn về đất mẹ.

3 năm liên tiếp từ năm 2019, 2020, 2021 anh dành thời gian đi tham quan hầu hết các nhà tù qua các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ như: Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Tài, Hoả Lò… Hơn thế nữa, ngoài việc tìm hiểu về lịch sử, cảnh quan mỗi nơi đến, anh còn tìm về những nhân chứng lịch sử. Hàng trăm cựu tù, cựu chiến binh trong các cuộc chiến, từ đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, biên giới Tây Nam, miền Trung đỏ lửa, biên giới phía Bắc… hầu như anh đều tìm đến, kết nối gặp gỡ những nhân chứng có thể kể lại những câu chuyện hào hùng của dân tộc. Tất cả cũng đều được ghi thành những video clip đưa lên kênh YouTube Vietnam today của anh. Dường như Nguyễn Quang Trường càng đi càng yêu quê hương nhiều hơn, muốn đóng góp vai trò kết nối giữa người trong và ngoài nước.

Khi nhiều đợt bão lũ đổ vào miền Trung tháng 10/2020, anh đã cùng cộng sự của mình ở kênh Vietnam today vận động được trên 1 tỷ, đi vào vùng tâm bão, các vùng bị lũ lụt ở 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Đến tận nơi, phối hợp với các đài truyền hình, lãnh đạo từng địa phương để có phương án, danh sách cụ thể để phát quà, tiền cho người dân kém may mắn. Có rất nhiều khán giả của kênh Vietnam today đã đặt niềm tin vào anh, để sau đó, qua năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hảo tâm, mạnh thường quân lại tiếp tục gửi qua kênh của anh số tiền trên 121 triệu để đóng góp cho quỹ của UBTƯ MTTQ Việt Nam mua vaccine và trang thiết bị y tế.

Qua năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, diễn biến phức tạp, việc đi lại bị hạn chế, nhưng cũng không ngăn được bước chân đi không mệt mỏi của Nguyễn Quang Trường. Anh về lưu trú tại thành phố Yên Bái, địa phương được xem là “vùng xanh” trong một thời gian dài. Trong suốt năm 2021, Nguyễn Quang Trường thường xuyên đi tìm hiểu đời sống của người dân tộc vùng cao. Tỉnh Yên Bái, nơi quần cư của 30 dân tộc anh em với nhiều nét văn hóa riêng đặc sắc, đã thu hút sự đam mê làm báo của anh. Các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Lục Yên, Yên Bình với những phong cảnh tuyệt đẹp bởi ruộng bậc thang, hồ thác, rừng núi… đã khiến Nguyễn Quang Trường mê mẩn và trong một lần tình cờ ghé đến thác Đề Chơ, Huyện Trạm Tấu, bên cạnh cảnh đẹp của ngọn thác Háng Đề Chơ, anh đã ghi nhận cuộc sống vất vả của 44 hộ bà con dân tộc Mông ở đây sống thiếu điện, con đường độc đạo bám quanh vách núi dài gần 5 cây số trơn trợt, quanh co, nguy hiểm bên sườn núi, bên vực sâu.

Tưởng rằng chỉ đến một lần rồi không trở lại, nhưng không, anh đã dành nhiều công sức để trở lại nhiều lần hơn, vận động với khán giả từ trong đến ngoài nước để kéo đường điện, lát nền sân Trường mầm non Đề Chơ và thật đáng mừng vui, dự án “Con đường nhân ái” dài hơn 4km, cộng thêm 4 cây cầu tạm bằng gỗ, kinh phí trên 1 tỷ đã được trao cho UBND xã Làng Nhì, UBND Huyện Trạm Tấu triển khai thực hiện. Góp thêm sức lực lao động của bà con của thôn Đề Chơ, đầu năm 2022 con đường sẽ hoàn thành kịp cho bà con đón Tết Nguyên đán.

Bên cạnh những đóng góp tài lực cho huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải cũng có dấu ấn của Nguyễn Quang Trường trong suốt năm 2021. Đó là hai lớp học xóa mù chữ ở hai xã Dế Xu Phình và Púng Luông. Kênh Vietnam today đã vận động được hai nhà hảo tâm ở California, Mỹ, đó là ông William Hubert, một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam năm 1968, và cô Ngọc Mai, một kiều bào yêu nước, để tài trợ cho số tiền 124 triệu đồng mỗi lớp học 9 tháng. Hai lớp xóa mù này cũng mang tên “Lớp học nhân ái” được sự phối hợp làm việc với Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, các thầy cô giáo của các xã Púng Luông, Dế Xu Phình phụ trách và giảng dạy. Hai lớp học xóa mù này cũng vừa kết thúc vào cuối tháng 12/2021.

Trong kế hoạch, sau Tết âm lịch năm nay, một lớp học tiếng Anh sẽ được mở ra tại thị trấn huyện Mù Cang Chải. Lớp tiếng Anh giao tiếp này, với đối tượng học viên là cán bộ lãnh đạo ngành Du lịch, người dân muốn làm dịch vụ du lịch cần có vốn ngoại ngữ tiếng Anh để giao tiếp với khách du lịch.

Đó là những điểm mốc đáng nhớ trong 2 năm qua của Nguyễn Quang Trường qua kênh Vietnam today. Ngoài ra, anh vẫn tiếp tục làm nhịp cầu kết nối với khán giả trong và ngoài nước trong các công việc hỗ trợ cho nhiều gia đình khó khăn trong cuộc sống như tặng gạo, nhu yếu phẩm, tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng học bổng cho học sinh nghèo, mở lớp học vi tính cho học sinh vùng cao, tặng xi măng làm nền nhà cho các hộ nghèo, tặng cây giống cho bà con trồng cây đầu năm...

Như một con ong chăm chỉ, miệt mài với những việc làm thiết thực, Nguyễn Quang Trường đã bắc được những nhịp cầu nối kết với nhiều khán giả trên cả nước, đặc biệt là bà con ở ngoài nước. Tạo nên một mạng lưới nhân ái, đem lại sự đoàn kết, gắn bó nhiều người ở xa với nhau.

Là một nhà báo kiều bào, anh Nguyễn Quang Trường đã thực hiện rất tốt công việc đưa tin khách quan, trung thực của đất nước ra đến hải ngoại, bằng những thông tin, phóng sự, hình ảnh, video clip được đăng tải qua kênh Vietnam today. Anh còn là cộng tác viên, có nhiều bài viết trên Báo Nhân Dân, Tiếng Quê Hương của Bộ Ngoại Giao. Đánh giá cao sự tận tụy và hoạt động nhiệt thành này, Nguyễn Quang Trường đã được vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng về báo chí như Giải đặc biệt Búa Liềm Vàng, giải Khuyến khích toàn quốc về báo chí, giải A Báo Nhân Dân, cùng nhiều bằng khen, giấy khen của UBTƯ MTTQ Việt Nam, của Tỉnh ủy Yên Bái, của Hội Khuyến học tỉnh Yên Bái, của Sở Văn hóa và Du lịch tỉnh Yên Bái.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hành trình về nguồn của một nhà báo người Mỹ gốc Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO