Háo hức ngày trở lại trường

Thu Hương 09/02/2022 07:40

Thông tin học sinh tiểu học và khối lớp 6 của Hà Nội được đến trường học trực tiếp từ 10/2 sau gần 10 tháng học trực tuyến là một trong những tin vui đầu Xuân Nhâm Dần. Niềm háo hức đong đầy trong từng lời nói đến ánh mắt, nụ cười của cả phụ huynh, giáo viên và học sinh.

Học sinh trở lại trường đều thực hiện nghiêm 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Ảnh: Quang Vinh

Sẵn sàng mọi điều kiện mở cửa

Những cánh cổng trường sẽ không còn im lìm, khép chặt là niềm mong ước của hàng triệu học sinh, sinh viên thủ đô và cả nước. Chị Trần Minh Ngọc (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ: “Là phụ huynh có con đang học lớp 1, tôi thực sự cảm thấy như được “giải phóng” khi cô giáo của con thông báo lịch đi học trực tiếp. Một học kỳ cầm tay con tô từng nét chữ, từng con số, phụ huynh chúng tôi dù rất cố gắng nhưng cũng không thể bằng cô giáo trực tiếp uốn nắn các con được. Nhưng háo hức, hồi hộp nhất phải là học sinh mầm non lần đầu được biết bảng đen phấn trắng là thế nào. Từ trong Tết con đã chuẩn bị sẵn sách vở, ba lô để mong ngày đến trường”.

Em Bùi Thanh An (lớp 6, Trường THCS Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội) bày tỏ: “Từ khi “nhen nhóm” thông tin sẽ được đến trường sau Tết đến khi Hà Nội chính thức thông báo lịch đi học, cả lớp chúng em đã vô cùng chờ đợi. Bạn bè mới được gặp nhau qua phần mềm zoom cả học kỳ vừa qua đang rất náo nức được gặp nhau sau cánh cổng trường”.

Đưa học sinh trở lại trường: Cần triển khai nhanh chóng, cương quyết

Ngày 8/2, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị giao ban báo chí đầu Xuân Nhâm Dần 2022. Tại Hội nghị, bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết: Việc mở cửa lại trường học hiện là ưu tiên cao nhất của các quốc gia. Chi phí cho việc đóng cửa các trường học là rất lớn và có nguy cơ cản trở thế hệ trẻ em trong khi làm gia tăng sự chênh lệch trước đại dịch.

Qua khảo sát, tham vấn ý kiến của các chuyên gia y tế và giáo dục cũng như lắng nghe ý kiến của của các em học sinh, sinh viên cho thấy, việc học ở nhà quá lâu để lại nhiều hệ lụy tiêu cực, tác động tới tâm lý, thể chất của các em, tác động tới cả chất lượng dạy và học. Ở thời điểm này, dịch bệnh tại Việt Nam đã phần nào được kiểm soát. Tỷ lệ tiêm vaccine cho người lớn và cho lứa tuổi từ 12-18 tuổi cũng rất cao. Ngành Y tế đã có thuốc điều trị và đã có kinh nghiệm thực tế trong phòng, chống dịch, cũng như gia tăng khả năng điều trị Covid-19. Ý thức và sự hiểu biết của người dân về dịch bệnh đã tốt hơn. Trong điều kiện đó, việc đưa học sinh trở lại trường học lúc này là hết sức cần thiết và cần được triển khai một cách nhanh chóng, kịp thời, cương quyết đối với tất cả các bậc học từ mầm non đến đại học. Đây không chỉ là chuyện mở cửa trường học mà còn là củng cố, tái thiết giáo dục sau dịch bệnh.

H.Vũ

Cô giáo Đỗ Thị Việt Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) thông tin: Từ trước Tết Nguyên đán, cán bộ giáo viên nhà trường cũng đã được phân công đến trường tổng vệ sinh lại các phòng học, niêm phong phòng học sau khi đã phun khử khuẩn.

Để đảm bảo an toàn tối đa cho giáo viên và học sinh, nhà trường đã chuẩn bị 2 phòng y tế, trong đó có 1 phòng dành cho những học sinh cần chăm sóc y tế mà không có dấu hiệu dịch và phòng cách ly y tế tạm thời dành cho những học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi nhiễm bệnh.

Tại địa bàn quận Long Biên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Vũ Thị Thu Hà cho biết: Trước khi mở cửa trường học, các trường đều phải lên các kịch bản chi tiết xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại các lớp học, trường học.

Nhà trường đã thống nhất với phụ huynh để học sinh theo dõi sức khỏe trước khi đến trường. Học sinh nào có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì nghỉ ở nhà, thông báo với cơ sở y tế để được khám tư vấn, điều trị và thông tin ngay cho nhà trường.

Trong trường hợp học sinh đã đến trường mà có biểu hiện nghi nhiễm sẽ được cách ly tại phòng riêng do nhà trường bố trí.

Nếu có tình huống dịch phát sinh tại các trường học, Trung tâm y tế khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng xử lý, cách ly y tế, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Trước đó, ngày 8/2 học sinh cấp THCS (trừ lớp 6) và THPT tại Hà Nội (ở địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2) đã đi học trực tiếp. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, ngày đầu tiên đón học sinh trở lại trường học đã diễn ra an toàn.

Chỉ riêng Trường THCS Chi Đông (xã Chi Đông, huyện Mê Linh) vẫn duy trì dạy học trực tuyến do đang ở địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3. Hy vọng tới ngày 10/2, các trường học cũng khai Xuân an toàn, đảm bảo như vậy.

Học sinh Trường THCS Thị trấn Trạm Trôi, Hoài Đức (Hà Nội) trong buổi học đầu tiên, ngày 8/2. Ảnh: Trần Thụ

Không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau

Mặc dù trường học đã mở cửa song vẫn có những trường hợp học sinh là F0, F1 hoặc những học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch cấp độ 3, cấp độ 4… chưa thể đến trường học trực tiếp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có công văn yêu cầu các nhà trường có trách nhiệm phân công giáo viên giảng dạy cho các em.

Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (quận Long Biên) Nguyễn Quý Xuân thông tin: Trong kế hoạch dạy và học của nhà trường luôn tính đến mọi phương án đảm bảo quyền lợi cao nhất cho học sinh. Hiện nhà trường đã chuẩn bị 3 phòng học trực tuyến ở mỗi khối lớp để những học sinh không thể đến trường vẫn được học trực tuyến.

Ngay cả trong trường hợp giáo viên không thể tới trường dạy trực tiếp, nhà trường cũng đã có phương án dự phòng để duy trì kế hoạch giảng dạy. Như vậy, mọi phương án đều được chuẩn bị kỹ càng với cùng mục đích không làm gián đoạn việc dạy và học.

Áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khi giáo viên, học sinh trở lại trường. Ảnh: Quang Vinh

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý, công tác tổ chức đón học sinh trở lại trường học trực tiếp sau một thời gian học trực tuyến cần được các trường lên kế hoạch cụ thể, kỹ càng và chu đáo.

Theo đó, các nhà trường cần duy trì tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo đảm tổ chức dạy học hiệu quả; sắp xếp chương trình, kế hoạch dạy học theo hướng tinh giản, bảo đảm các nội dung cốt lõi và linh hoạt; quan tâm củng cố, bổ sung các nội dung kiến thức các em đã học trực tuyến; có biện pháp hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, nỗ lực bằng nhiều giải pháp để mọi học sinh đều được học tập tốt, không để em nào bị bỏ lại phía sau...

Về phía học sinh, ông Trần Thế Cương dặn dò các học sinh cần chấp hành tốt 5K để cùng giữ gìn môi trường học tập an toàn và cố gắng học tập tốt.

Ông Cương cũng đề xuất mong muốn có vaccine để tiêm sớm cho các em học sinh lứa tuổi từ 5 đến 12 tuổi. Hiện tại chỉ có học sinh từ lớp 7 đến 12 tiêm còn học sinh tiểu học chưa tiêm.

Được biết, việc này đang được cơ quan y tế Hà Nội chủ trì để báo cáo và chờ vaccine về. Trong khi đó, Bộ Y tế cho biết, không bắt buộc mọi trẻ trong độ tuổi này phải tiêm. Song khuyến cáo nên tiêm chủng để tạo ra sức đề kháng cho học sinh quay trở lại trường được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn thành phố Hà Nội:

Cả hệ thống chính trị vào cuộc để đảm bảo an toàn trường học

Thời gian vừa qua, trẻ đã nghỉ học quá dài, cần phải được đến trường. Nếu không được đến trường thì nguy cơ trẻ mắc các vấn đề về tâm thần như trầm cảm, lo âu sẽ gia tăng. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 ở nước ta đạt mức cao đối với trẻ em trong độ tuổi từ 12-17.

Đồng thời, tuy chúng ta vẫn ghi nhận các ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng nhưng đa số đều có biểu hiện nhẹ hoặc không triệu chứng, đặc biệt trẻ em mắc bệnh, phần lớn là biểu hiện nhẹ, không có chuyển biến nặng. Cùng với đó, năng lực phòng, chống dịch của chúng ta cũng đã tốt hơn, đặc biệt, nhiều nhà trường cũng đã có kinh nghiệm trong phòng, chống dịch, các em học sinh cũng đã có kinh nghiệm phòng bệnh, ý thức phòng bệnh cũng đã tốt hơn nhiều. Từ tất cả những yếu tố vừa nói, tôi cho rằng việc đưa học sinh trở lại trường là rất cần thiết.

Để đảm bảo an toàn, trẻ đi học trực tiếp vẫn cần phải thực hiện 5K, có thể trong lớp không cần thiết đeo khẩu trang nhưng cần hạn chế tiếp xúc với học sinh lớp khác, chỉ nên tương tác với học sinh và cô giáo trong lớp…

Đối với nhà trường, phải tăng cường các biện pháp phòng bệnh an toàn cho học sinh và giáo viên. Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh an toàn trong các nhà trường, quy định khi nào thì trường có thể cho trẻ học trực tuyến, khi nào vừa trực tuyến vừa trực tiếp. Bộ Y tế cũng đã ra hướng dẫn định nghĩa mới về F1, nếu xảy ra ổ dịch ở một lớp mà không liên quan lớp khác thì chỉ cần lớp đó nghỉ học, không nhất thiết phải cả trường nghỉ học… Đồng thời, các nhà trường cần kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cha mẹ học sinh, cơ quan y tế địa phương để hỗ trợ trẻ đi học an toàn.

GS Nguyễn Anh Trí - Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam:

Chú trọng hơn nữa công tác y tế học đường

Tôi rất tâm đắc với khuyến cáo của tổ chức UNICEF và UNESCO: Trong đại dịch, nơi đóng cửa muộn nhất là trường học và nơi mở cửa sớm nhất cũng phải là trường học.

Ở Hà Nội, số ca mắc Covid-19 một tháng nay ở con số xấp xỉ 3.000 ca/ngày. Câu hỏi đặt ra liệu học sinh đi học trở lại, đặc biệt là học sinh từ 6-12 tuổi chưa được tiêm vaccine thì có an toàn không? Tôi cho rằng bây giờ không có cái gì an toàn tuyệt đối cả. Không ai biết bao giờ dịch bệnh Covid-19 kết thúc nên chúng ta chỉ có thể lựa chọn sự an toàn nhất có thể.

Phải tìm mọi cách tốt nhất, an toàn nhất có thể để cho các học sinh, sinh viên được đến trường học tập tiếp. Theo đó, nếu đã được tiêm vaccine đầy đủ rồi mới đi học là tốt nhất song trong điều kiện chưa được tiêm, chưa có vaccine thì phải đặc biệt cẩn trọng hơn trong công tác phòng, chống và đẩy nhanh hơn quá trình tiêm vaccine dưới sự tư vấn của Tổ chức Y tế thế giới.

Theo dõi thời gian qua, tôi đánh giá ngành Giáo dục và Y tế đã rất nỗ lực và làm tốt việc đảm bảo an toàn cho học sinh tới trường. Bên cạnh đó, tôi cho rằng chúng ta vẫn cần có những điều chỉnh, cụ thể là công tác y tế học đường cần được quan tâm hơn nữa. Mỗi tỉnh, thành hiện nay đang sử dụng những biện pháp khác nhau. Như Hà Nội đã tăng cường bằng cách mời các bác sĩ đã về hưu đến chăm sóc sức khỏe cho học sinh … Bộ Y tế, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải dựa vào các cơ sở đã có cho phép các nhà trường củng cố lại hệ thống y tế học đường, nhất là phải có y tế phục vụ cho các học sinh tại các trường học một cách linh hoạt, mềm dẻo, hiệu quả.

Nghĩa Toàn - Lam Nhi (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Háo hức ngày trở lại trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO