Hấp dẫn Gia Lai

Thế Quang 08/10/2021 11:00

Gia Lai được biết đến là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, với nhiều di tích lịch sử, cùng những cảnh quan thiên nhiên đến nay vẫn mang vẻ đẹp nguyên sơ, thơ mộng… Gia Lai còn là cái nôi của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với sự đa dạng, đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn như Gia Rai, Ba Na, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cơ Ho…

1. Đến Gia Lai, du khách nên dành thời gian đến thăm những di tích lịch sử mang đậm dấu ấn của một vùng đất anh hùng như: Quần thể di tích Tây Sơn Thượng Đạo, Khu di tích căn cứ địa cách mạng Khu 10, Nhà tù Pleiku, thung lũng Ia Đrăng...

Cũng đừng quên sắp xếp đến với làng kháng chiến Stơr (quê hương anh hùng Núp) nằm trên địa bàn xã Tơ Tung, huyện Kbang. Ngày 23/3/1993, Làng Kháng chiến Stơr đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng Di tích lịch sử văn hóa.

Đặc biệt, nhà tù Pleiku nằm trên đường Thống Nhất thuộc phường Ia Kring, là nơi giam giữ tù chính trị dưới thời Pháp, Mỹ (trước 1975), được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1994.

Vẻ đẹp thơ mộng của thác Mơ.

2. Một trong những điều du khách ưa trải nghiệm không thể bỏ lỡ khi đến Gia Lai, đó là khám phá những dòng thác kỳ vỹ. Người ta từng ví Gia Lai mang trong mình một nét đẹp có phần hoang dại, điều đó phần nào hiện ra trong sự ồn ã của những dòng thác đổ từ độ cao hàng chục mét, tung bọt trắng xóa ngay giữa không gian xanh ngát, trong lành của những tán rừng nguyên sinh.

Những con thác đẹp nhất có thể kể đến là thác Phú Cường, thác Mơ, thác Chín Tầng, thác Ba Tầng, thác Xung Khoeng và hệ thống hàng chục con thác nằm trong Vườn quốc gia Kon Chư Răng và Kon Ka Kinh.

Thác Phú Cường là một trong những ngọn thác đẹp nhất của Gia Lai thuộc địa phận xã Dun, huyện Chư Sê. Ngọn thác chảy trên tàn tích của miệng núi lửa tạo thành những cột nước khổng lồ đổ từ độ cao 45m xuống. Nhìn từ xa hoặc nhìn từ trên cao, thác Phú Cường như một dải lụa trắng mềm mỏng vắt ngang núi rừng Tây Nguyên, vừa thơ mộng vừa hùng tráng. Địa danh này là điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình khám phá Gia Lai.

Một ngọn thác khác mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần hùng vĩ đó là thác Mơ nằm trên một nhánh của dòng sông Pô Kô, nơi có lòng hồ thủy điện Sê San 3A, được mệnh danh là “nàng công chúa ngủ quên trong rừng”. Đây là một thác nước độc đáo đổ từ trên cao tràn xuống bậc đá xếp tầng phía dưới, tạo thành từng bậc thang nước hùng vĩ, tạo nên một nét hấp dẫn rất riêng.

Dấu tích núi lửa Chư Đăng Ya.

3. Du lịch Gia Lai có một sản phẩm du lịch độc đáo, ít nơi đâu có được, đó là hành trình khám phá các dấu tích của núi lửa còn sót lại. Một con số thống kê từng chỉ ra, Gia Lai hiện có chừng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt. Những tàn tích qua hàng trăm triệu năm hình thành nên những kỳ quan thiên nhiên kỳ thú, nằm trong top những thắng cảnh tự nhiên đẹp nhất của Việt Nam và thế giới như: Biển Hồ, núi lửa Chưa Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp…

Trong đó, dấu tích miệng núi lửa âm đặc trưng nhất có thể kể tới là Biển Hồ (hay còn gọi là hồ T’Nưng), điểm đến huyền thoại của người Gia Lai. Nơi đây được ví như “đôi mắt Pleiku” trong xanh, mênh mông tĩnh lặng.

Biển Hồ cách thành phố Pleiku chỉ 7 km, vốn là một hồ nước ngọt tự nhiên có độ cao khoảng 800m so với mực nước biển. Hồ nước rộng lớn này được hình thành từ 3 miệng núi lửa thông với nhau đã ngưng hoạt động.

Dấu tích nham thạch và tro than phun trào xa xưa đã tạo nên lớp đất đỏ bazan phì nhiêu cùng cảnh quan sinh thái vô cùng đa dạng với những con đường quanh co giữa núi đồi nhấp nhô mờ sương, rừng thông xanh mướt soi bóng xuống hồ.

Trong khi đó, Chư Đăng Ya là ngọn núi lửa cổ nằm sừng sững giữa những cánh đồng rộng lớn, thuộc huyện Chư Păh, cách Pleiku hơn 30 km về phía đông bắc. Từ trên cao nhìn xuống, miệng núi lửa tựa như một cái phễu khổng lồ, bao quanh lòng chảo là những nương rẫy cà phê, ngô, khoai, bí đỏ, dong riềng... tạo nên một bức tranh nhiều mảng màu sống động.

Hoa dã quỳ kiêu sa và hoang dại.

4. Mấy năm gần đây, vào dịp cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, nhiều bạn trẻ thường rủ nhau “check in” ở đồi cỏ hồng rộng lớn hàng trăm hecta nằm xen kẽ dưới rừng thông, tạo nên khung cảnh thiên nhiên lãng mạn không hề kém cạnh. Nơi đây được biết đến với tên gọi “Thung lũng cỏ hồng Glar” thuộc địa phận xã Glar, huyện Đăk Đoa, cách thành phố Pleiku chưa đầy 20 km. Vào đầu đông dưới tán rừng thông xanh, những loài cỏ dại như cỏ đuôi chồn, lông chim… bung nở sắc hồng tuyệt đẹp kín cả một vùng đồi.

Gia Lai đang có kế hoạch kết nối khu vực này với những điểm đến như Biển Hồ, núi lửa Chư Đăng Ya cùng nhiều thắng cảnh du lịch tuyệt đẹp khác như Biển hồ chè, chùa Minh Thành… hình thành nên tuyến du lịch trọng điểm trong thời gian tới.

Giới trẻ đến “check in” ở đồi cỏ hồng Đăk Đoa.

Nếu tới Gia Lai vào tháng 10, tháng 11, mảnh đất này sẽ thết đãi du khách “bữa tiệc” hoa dã quỳ vàng rực. Những vạt dã quỳ nở kiêu sa và hoang dại trải dài từ đỉnh núi xuống phủ dọc các lối đi biến nơi đây thành thảm vàng rực rỡ.

Khi chưa xuất hiện dịch bệnh Covid-19, cứ khoảng tháng 11, Gia Lai lại tổ chức Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya. Tại lễ hội, du khách sẽ được giao lưu, tìm hiểu các hoạt động đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm, thưởng thức trình diễn cồng chiêng, ẩm thực và thưởng lãm hoa dã quỳ nở vàng rực cả đồi núi…

Được biết tới là vùng đất huyền thoại phía Bắc Tây Nguyên, Gia Lai tựa như một cô gái đẹp ẩn mình với vẻ đẹp nguyên sơ tạo nên bởi sự hòa hợp của hệ thống sông hồ xen lẫn núi đồi, ghềnh thác và những khu rừng nguyên sinh đang được xem là nơi chốn lý tưởng ấp ủ cho những chuyến du lịch trở về với thiên nhiên sau khi dịch bệnh đi qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hấp dẫn Gia Lai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO