Hậu Covid-19 và một thế giới khác

Phan Quang Vũ 15/01/2021 18:32

Khi năm 2020 đang dần trôi về những ngày cuối cùng, tờ Financial Times (Anh) đưa ra nhận xét: Có 5 nhân tố đã xuất hiện trước Covid-19 thì nay vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thế giới, bao gồm công nghệ, bất bình đẳng, nợ nần, căng thẳng chính trị và xu hướng phi toàn cầu hóa. Cùng đó, nhiều ý kiến của giới quan sát cũng cho rằng phải chuẩn bị tâm lý đón đợi “một thế giới khác - thế giới hậu Covid”.

Giao thông thưa thớt tại một tuyến phố ở New York, Mỹ.

Đối mặt với 5 thách thức

Theo Financial Times, tác động mạnh nhất và trước tiên là công nghệ. Sự phát triển của công nghệ máy tính và thông tin liên lạc tiếp tục định hình cuộc sống và nền kinh tế. Giờ đây, truyền thông băng thông rộng, cùng với ứng dụng Zoom và các phần mềm hội nghị trực tuyến đã tạo điều kiện để nhiều người có thể làm việc tại nhà. Trong năm 2020, do giãn cách xã hội phòng chống Covid-19, người ta đã áp dụng phương thức làm việc từ xa để tránh tụ tập đông người. Dự báo, điều đó sẽ phát triển như một xu thế, cho dù Covid-19 cuối cùng thì cũng phải lắng xuống. Dự báo, cho tới năm 2025, hầu hết nhân viên văn phòng có thể được phép làm việc từ xa.

Financial Times cũng cho rằng, cách tổ chức làm việc từ xa sẽ dẫn tới bất bình đẳng: Nhiều nhân viên văn phòng, vốn được trả lương cao hơn, có thể làm việc tại nhà, trong khi những người khác thì không. Tuy nhiên, những nhóm sắc dân thiểu số sẽ bị ảnh hưởng bất lợi nhất. Trong khi đó, những người thành công và quyền lực lại tiếp tục đà thành công. Điều đó đã thấy rõ trong đại dịch và sẽ không suy giảm cho tới năm 2025.

Hậu Covid-19 cũng sẽ khiến cho nợ nần tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Trên thực tế, nợ nần đã tăng lên ở gần như tất cả mọi nơi trong 4 thập kỷ qua, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19 lại càng khiến “núi nợ” gia tăng, kể cả các khoản vay nợ của khu vực tư nhân lẫn nhà nước. Theo Viện Tài chính quốc tế, tỷ lệ tổng nợ toàn cầu trên tổng sản lượng đã tăng từ mức 321% hồi cuối năm 2019 lên 362% vào cuối tháng 6/2020. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây trong thời bình. “Chúng ta sẽ phải sống chung với những món nợ khi virus SARS-CoV-2 bị khống chế. Lãi mẹ đẻ lãi con sẽ đẩy phần lớn thế giới vào chỗ khó xử”- chuyên gia tài chính Michell Coperfill đưa ra nhận xét.

Hậu Covid-19 còn được coi là sẽ “định hình lại thế giới” khi mà chủ trương toàn cầu hóa có vẻ như không mấy may mắn khi phải đối diện với khủng hoảng mang tính toàn cầu- vẫn theo TS Coperfill. Theo đó, những gì đang diễn ra cho thấy các trao đổi quốc tế nhiều khả năng sẽ co cụm lại theo khu vực và dưới hình thức trực tuyến nhiều hơn. Nhiều nhà đầu tư đã và đang chuyển chuỗi cung ứng về nước, ít nhất là để thoát khỏi suy giảm ở phạm vi rộng.

Người ta cũng cho rằng, hậu Covid-19 sẽ chứng kiến sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, kể các các quốc gia phương Tây, mà nước Mỹ cũng không ngoại lệ. Nếu may mắn, các nền kinh tế sẽ phục hồi sau đại dịch, nhưng hầu hết sẽ bị suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19. Đó chính là “điều kiện tốt” cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, mà điều đó, nếu xét trên phạm vi khu vực hoặc toàn cầu thì cũng sẽ làm cho mâu thuẫn chính trị giữa các quốc gia gia tăng. Từ đó, ngọn lửa xung đột dễ bị thổi bùng mà hậu quả của nó là không thể lường trước.

Công nhân khử trùng trụ sở của trường Samba Portela của Brazil.

Bị nghiền nát bởi hỗn loạn hay là “thế giới 4 cực”

Ngay khi đại dịch Covid-19 quay trở lại lần thứ 2 (cuối tháng 9 đầu tháng 10/2020), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi thế giới thực hiện quản trị toàn cầu thời hậu đại dịch, dựa trên sự đoàn kết và chủ nghĩa đa phương.

Phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội đồng Bảo an LHQ “Quản trị toàn cầu thời hậu dịch Covid-19”, ông Guterres nhận định, sẽ còn nhiều người hơn nữa mắc Covid-19 và cũng sẽ nhiều người hơn nữa tử vong. Đây là hậu quả của việc thiếu sự sẵn sàng ứng phó, sự hợp tác và đoàn kết ở cấp toàn cầu. Đại dịch là hồi chuông cảnh tỉnh về những thách thức thậm chí thảm khốc hơn có thể xảy ra trong tương lai, mà trước tiên là cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. “Nếu thế giới gặp phải những vấn đề này với tình trạng không đoàn kết như hiện nay thì những điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra” - ông Guterres nói đồng thời kêu gọi đổi mới tư duy về quản trị toàn cầu và chủ nghĩa đa phương để phù hợp với thế kỷ XXI, sẵn sàng ứng phó với mọi thách thức.

Theo Tổng Thư ký LHQ, thế giới hiện nay không còn cơ chế lưỡng cực hay đơn cực mà thay vào đó đang hướng đến cơ chế đa cực. Đại dịch Covid-19 cho thấy thế giới cần phải cùng nhau đoàn kết hành động bởi “không có lựa chọn nào khác: hoặc cùng vì mục đích chung, hoặc sẽ bị nghiền nát bởi sự chia rẽ và hỗn loạn”. Thế giới rất cần các thể chế đa phương có thể hành động một cách quyết đoán dựa trên sự đồng thuận của toàn cầu và vì lợi ích toàn cầu.

Thực tế thì không chỉ người đứng đầu LHQ lo lắng cho số phận nhân loại trong và sau đại dịch Covid-19, mà ý kiến của nhiều học giả danh giả cũng cho thấy điều đó. Giáo sư Daron Acemoglu (Học viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ) trong một nghiên cứu mang tính cập nhật đã đề cập đến “lợi ích của trật tự thế giới 4 cực”, trong đó có việc đem lại tiếng nói đa chiều hơn trong quản trị toàn cầu.

Theo GS Acemoglu, mặc dù nhiều người cho rằng thế giới đơn cực hậu Chiến tranh Lạnh đang nhường đường cho một trật tự quốc tế hai cực do Mỹ và Trung Quốc dẫn dắt, song “chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng và tiến hành xây dựng một thế giới trong đó châu Âu và những nền kinh tế mới nổi chiếm một vai trò rõ nét hơn”. Như vậy, thế giới hậu Covid không phải là thế giới đơn cực (Mỹ dẫn dắt); thế giới hai cực (Mỹ - Trung dẫn dắt) mà là thế giới 4 cực (thêm châu Âu và một cực nữa là những nền kinh tế mới nổi, có tên gọi “E10” bao gồm Mexico, Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và một số quốc gia khác).

Để bảo vệ quan điểm của mình, GS Acemoglu cho rằng, thực tế cho thấy “thế giới hai cực” thường rất không ổn định, vì hai nước sẽ đương nhiên coi nhau là mối đe dọa và khiến các vấn đề toàn cầu buộc phải phụ thuộc vào lợi ích của hai cường quốc. Vì thế, khi xuất hiện “thế giới 4 cực thời hậu Covid” thì người ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

Vị GS này cũng đưa ra 3 thách thức lớn nhất mà nhân loại đã đang phải đối mặt mà “nếu phớt lờ thì hậu quả sẽ trầm trọng hơn”. Thách thức đầu tiên là sự tập trung quyền lực của các tập đoàn công nghệ khổng lồ (Big Tech). Thách thức thứ hai là sự ủng hộ về các giá trị dân chủ và nhân quyền sẽ ít được ưu tiên. Thách thức thứ ba là vấn đề biến đổi khí hậu. Những thách thức đó, theo GS Acemoglu có thể được giải quyết trong “một thế giới 4 cực”, khi mà nó đem lại tiếng nói đa chiều hơn trong quản trị toàn cầu.
Tuy nhiên, dẫu có đồng ý với GS Acemoglu nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng “thế giới 4 cực” thời hậu Covid-19 cũng không phải là “liều thuốc trị bách bệnh” và rằng người ta còn phải mất rất nhiều thời gian để “tìm hiểu lại thế giới” trước khi muốn “sắp xếp lại”.

Áp phích trên đường phố khuyến khích người dân đeo khẩu trang khi ra ngoài tại Glasgow (Anh).

Thế giới hậu Covid-19 sẽ như thế nào?

Ông Haruaki Deguchi, Hiệu trưởng Trường Đại học châu Á - Thái Bình Dương Ritsumeikan (APU) cho rằng, điều cần thiết là phải phân định rõ ràng thời kỳ dịch bệnh bùng phát với hậu quả mà dịch bệnh này để lại về sau. Với các mục đích thực tế thì 2 giai đoạn được phân tách nhờ quá trình nghiên cứu và ứng dụng thành công vaccine ngừa Covid-19.

Theo GS Deguchi, nếu như trong thời kỳ dịch bệnh (chưa có vaccine) thì phương thức phòng ngừa cơ bản là ở nguyên tại chỗ để tỷ lệ lây nhiễm giảm, cùng với các biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, đo thân nhiệt, rửa tay và khử trùng nhà cửa, trường sở cũng như trang thiết bị làm việc... Có nghĩa là trong thời kỳ dịch bệnh, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc thích nghi, thay đổi mô hình xã hội và điều chỉnh lối sống.

Vào thời hậu Covid-19, về lý thuyết, các khái niệm như “ở nguyên tại chỗ” sẽ không còn cần thiết. Nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc sống sẽ hoàn toàn bình thường như trước, rõ nhất là khả năng làm việc tại bất cứ đâu đã giải phóng con người khỏi những hạn chế về mặt không gian. “Thế giới hậu Covid-19 sẽ là một xã hội lai tạp, nơi mà làm việc từ xa sẽ đóng vai trò lớn hơn trong cuộc sống thường nhật của người dân” - theo GS Deguchi.

Vị học giả này cũng dẫn lại sự thay đổi của thế giới sau những đại dịch trước đây. Cụ thể là dịch hạch “cái chết đen” đã cướp đi 1/3 dân số châu Âu lúc bấy giờ. Đại dịch lớn tiếp theo khi người châu Âu lần đầu tiên vượt Đại Tây dương và bắt đầu thuộc địa hóa châu Mỹ, từ đó xảy ra đại dịch đậu mùa. Đại dịch thứ 3 là sự bùng phát của dịch cúm Tây Ban Nha đã hoành hành khắp thế giới từ năm 1918 đến 1920. Dân số toàn cầu vào thời điểm này vào khoảng 2 tỷ người, trong đó 50 triệu người được cho là chết vì dịch cúm. Số người tử vong do dịch bệnh khiến người dân mệt mỏi, và từ đó đã trở thành những động lực thúc đẩy Chiến tranh Thế giới thứ nhất đi đến hồi kết. Sau đó, Hội Quốc Liên, Hiệp ước Hải quân Washington (còn được gọi là Hiệp ước 5 cường quốc) và Thỏa ước Locarno ra đời, đưa thế giới tiến tới hòa giải và đẩy mạnh toàn cầu hóa bằng con đường hợp tác quốc tế.

Nói cách khác, theo GS Deguchi, sau mỗi đại dịch thì dù muốn dù không “thế giới lại buộc phải nhìn lại mình”, theo những cách thức và mức độ khác nhau.

Trong khi đó, theo ông James Manyika - Chủ tịch Viện Toàn cầu McKinsey thì sau Covid-19, thế giới khó có thể trở lại như trước đây. Nền kinh tế số đang được đẩy mạnh với sự gia tăng của các hoạt động số như làm việc từ, học từ xa, khám bệnh từ xa và dịch vụ giao hàng… Trong khi lại diễn ra nhanh những thách thức tăng theo cấp số nhân, như sự phân cực về thu nhập, tính dễ bị tổn thương của người lao động, hay nhu cầu thích ứng với việc chuyển đổi nghề nghiệp…

“Lịch sử đã chứng minh, những lựa chọn được đưa ra trong các cuộc khủng hoảng có thể định hình thế giới trong nhiều thập kỷ tiếp sau. Và chúng ta cũng khó có thể nói thế giới chúng ta đang góp mặt sẽ ra sao sau Covid-19”- theo ông James Manyika.

Còn bà Jean Saldanha - Giám đốc Mạng lưới châu Âu về nợ và phát triển (Eurodad), lại cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang kiểm tra các giới hạn của hợp tác toàn cầu. Thế giới sau đại dịch Covid-19 phải hòa nhập hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Nhưng điều đó cũng có nghĩa là thế giới phải thay đổi để con người xích lại gần nhau hơn.

Theo bà Mandy Rich - Phụ trách nội dung số của UNICEF, cần giúp thanh thiếu niên bảo vệ sức khỏe tinh thần trước và sau đại dịch Covid-19. Quá trình thành niên vốn đã không dễ dàng, dịch Covid-19 xuất hiện càng thêm phần khó khăn. Nhiều thanh thiếu niên phải bỏ lỡ không chỉ những sự kiện trọng đại của tuổi niên thiếu, mà còn những khoảnh khắc thường nhật như được tán gẫu với bạn bè hay được lên lớp do trường học đóng cửa và nhiều sự kiện bị hủy bỏ.

Bà Mandy Rich dẫn lời TS Lisa Damour - chuyên gia tâm lý, tác giả của hai đầu sách bán chạy và cũng là cây viết cho chuyên mục tháng của Thời báo New York trong lĩnh vực tâm lý vị thành niên, cho rằng cũng không nên quá hoảng hốt về những bất thường tâm lý ở con em mình, vì rằng cảm giác lo âu là một cơ chế bình thường và lành mạnh, giúp cảnh báo con người về các mối đe dọa, từ đó thực hiện biện pháp bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, vấn đề rất đáng quan tâm là khi dịch Covid-19 đi qua, thanh thiếu niên đã có thói quen nhiều quá lâu trước các thiết bị điện tử, hoặc trên mạng xã hội. Mà điều đó là “thiếu sáng suốt” vì rằng lứa tuổi vị thành niên cần có những giao tiếp thực tế chứ không phải là giao tiếp ảo để hình thành kĩ năng cũng như gìn giữ được sự nhạy cảm của tâm hồn, “điều mà xã hội đang ngày một vơi hụt”- nói như TS Lisa Damour.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Covid-19 và một thế giới khác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO