Hậu Giang: Từng bước khẳng định vị thế trong khu vực

Nguyễn Phước 10/02/2021 07:00

Khép lại năm 2020, Hậu Giang tiếp tục khẳng định vị trí với nhiều thành tựu phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 4,53%, xếp thứ 20 của cả nước và cao nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

TP Vị Thanh trung tâm của Hậu Giang ngày càng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu cho rằng, năm 2020, với tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao của toàn Đảng bộ, cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành và nhân dân Hậu Giang đã vượt qua khó khăn, thách thức đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh duy trì đà phục hồi sau làn sóng thứ 1 và thứ 2 của đại dịch Covid-19. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh đạt 4,53%, xếp thứ 20 của cả nước và cao nhất trong khu vực ĐBSCL.

Những dấu ấn nổi bật

Nhận định về những đường hướng, chủ trương đúng đắn của tỉnh trong một năm nhiều khó khăn từ thiên tai, dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết: “Có thể thấy, về cơ bản, các giải pháp điều hành của UBND tỉnh đã được thực thi đúng hướng và phù hợp, được nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh đồng tình ủng hộ. UBND tỉnh đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, người lao đông vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội theo kết luận số 77 ngày 5/6/2020 của Bộ Chính trị về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, từ đó tình hình kinh tế - xã hội năm 2020 đã có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả quan trọng”, ông Tuyên nói.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn nhưng tổng thu ngân sách của Hậu Giang vẫn được 10.382 tỷ đồng, tăng 34,9%, kết quả này cũng được xem là điểm sáng của Nghị quyết; trong đó thu nội địa 3.450 tỷ đồng, tăng 6,4% so với Nghị quyết; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ (13,2%), vượt 1,6% chỉ tiêu. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 52 triệu đồng/người/năm, tăng 8,26% so cùng kỳ, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh tiếp tục chuyển biến tích cực, khi trong năm toàn tỉnh có thêm 730 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 4.179 tỷ đồng, tăng 21% về số doanh nghiệp và tăng 44% về số vốn đăng ký so năm trước. Hậu Giang còn thu hút thêm 8 dự án mới vào các khu, cụm công nghiệp tập trung do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh quản lý, tăng 7 dự án so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư 3.670 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa bàn tỉnh.

Khóm Cầu đúc, đặc sản của nông nghiệp Hậu Giang.

Toàn tỉnh cũng cấp chủ trương đầu tư cho 31 dự án, với tổng vốn 6.295 tỷ đồng, tăng hơn 22% so năm trước; tạo việc làm 4.615 lao động. Điều đó cho thấy tín hiệu tích cực từ việc các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong bối cảnh tập trung “nhiệm vụ kép” - vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Kết quả tích cực trên xuất phát từ sự chủ động phối giữa các sở, ban, ngành với chính quyền địa phương trong việc thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh. Đồng thời, làm tốt việc công bố, công khai thông tin về quy trình, thủ tục đầu tư, thủ tục hành chính khác liên quan để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận. Nhờ đó mà tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khi đến đầu tư lâu dài tại Hậu Giang.

Chưa kể, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được chỉ đạo mạnh mẽ, nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như huyện Phụng Hiệp đạt 96%, Châu Thành A đạt 95%, đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các chương trình phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng, đã hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

Riêng lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục tăng trưởng khá 3,09%. Sự chuyển dịch sản xuất trong nội bộ ngành nông nghiệp đã và đang mang lại nhiều kết quả đáng mừng, nhiều diện tích mía kém chất lượng đã chuyển sang trồng các loại cây trồng khác hiệu quả hơn; mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều. Các sản phẩm OCOP của tỉnh lần đầu tiên được chứng nhận, góp phần tăng thêm giá trị của hàng hóa nông sản.

Quyết tâm ngay đầu nhiệm kỳ

Ngoài các kết quả trên, công tác an sinh xã hội cũng được tỉnh quan tâm chăm lo tốt hơn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, thông tin, tuyên truyền… chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm được tổ chức khá chu đáo, kịp thời, đúng hướng dẫn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt là tổ chức thành công giải Mekong Delta Marathon Hậu Giang lần thứ 2 năm 2020, đã mang lại nhiều dấu ấn tốt đẹp về đất và con người Hậu Giang trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.

Việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh đã và đang được tỉnh Hậu Giang triển khai, thực hiện tích cực.

Việc xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh đã và đang được triển khai, thực hiện tích cực, đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền các cấp. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, giữ vững môi trường ổn định, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Công tác đối ngoại có nhiều nỗ lực; công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Lê Tiến Châu, năm 2021, là năm tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh thứ XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025. Đây cũng là năm được dự báo còn nhiều thách thức.

Cụ thể, theo dự báo, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; vấn đề an sinh xã hội, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và nguồn lực xã hội đầu tư không có nhiều. Trước tình hình đó, đòi hỏi toàn Đảng bộ, cùng các cấp, các ngành phải kiên trì, quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Chương trình công tác năm 2021 đã đề ra.

Trên tinh thần đó, Đảng bộ tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống đoàn kết; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đảng viên. Trọng tâm là củng cổ, ổn định bộ máy sau đại hội đảng các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Tập trung triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, trong đó, hoàn thành xây dựng các đề án, nghị quyết chuyên đề và 4 chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội.

Hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2021 với chất lượng cao nhất, quyết tâm “đầu xuôi - đuôi lọt”, tạo động lực ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Tỉnh ủy sẽ lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, đúng hướng, đồng thời linh hoạt, tranh thủ mọi cơ hội, nguồn lực phục vụ yêu cầu phát triển; đảm bảo thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa cũng như lãnh đạo, chỉ đạo tốt các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kiên quyết đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh…

Cũng trong năm qua, Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công tốt đẹp đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh, được Trung ương đánh giá cao. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, mang lại hiệu quả tích cực; các phong trào, cuộc vận động, các công trình, phần việc gắn với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng được đảm bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hậu Giang: Từng bước khẳng định vị thế trong khu vực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO