Hệ lụy đến từ hàng đa cấp biến tướng

Quốc Định 04/11/2022 08:07

Bán hàng theo hình thức đa cấp xuất hiện ở Việt Nam từ hàng chục năm nay, đã có nhiều vụ án bị khởi tố, không ít đường giây bị phá vỡ, hàng nghìn người bị lừa tiền, hàng trăm gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Thế nhưng, hàng ngày vẫn tiếp tục có thêm những nạn nhân mới của hình thức bán hàng đa cấp bất chính.

Một vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng của nhiều người liên quan đến hình thức bán hàng đa cấp vừa được TAND tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử.

Khi mô hình đa cấp mới xuất hiện, các doanh nghiệp (DN) thu phí đăng ký tham gia mạng lưới. Dần về sau, người dân cảnh giác với việc thu phí này. Ngay cả cơ quan quản lý cũng đặt ra quy định cấm thu phí tham gia mạng lưới. Thế nhưng, khi cấm thu phí này, các DN đa cấp chuyển sang thu các loại phí khác như phí đào tạo bán hàng, phí quản lý, phí mua hồ sơ tài liệu về kỹ năng bán hàng… Biến tướng hơn, các DN không thu phí đào tạo, không thu tiền hồ sơ để trục lợi... mà chỉ tính tiền bán sản phẩm.

Để nhanh chóng thu lợi nhiều, chia hoa hồng hấp dẫn, DN bán sản phẩm với giá cao ngất. Với giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, DN kinh doanh đa cấp bất chính không thể bán các mặt hàng tiêu dùng thông thường đã có mặt trên thị trường vì rất dễ bị so sánh giá cả, chất lượng. Họ thường bán các sản phẩm mà người dùng không kiểm tra được giá trị cũng như hiệu quả sử dụng, ví dụ thực phẩm chức năng, các máy móc hồng ngoại, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe.

Càng về sau, việc bán sản phẩm không còn thu hút được người tham gia nữa vì nhiều người dân đã nhận rõ các sản phẩm bán theo đa cấp không xứng với giá trị thực, quá cao so với các mặt hàng tương tự trên thị trường, không thể chiêu dụ người mua, tham gia đa cấp. Các DN chuyển sang chiêu dụ người tham gia góp tiền vào hệ thống theo kiểu đầu tư tài chính để hưởng hoa hồng và hưởng thêm hoa hồng từ việc chiêu dụ người khác tham gia. Với kiểu đa cấp phải mua hàng hóa thì nhiều người còn đắn đo với khoản tiền ban đầu bỏ ra mua những món hàng quá đắt đỏ, nếu không xây dựng được mạng lưới cấp dưới thì coi như mất tiền mua hàng. Chính vì vậy, kiểu đầu tư tài chính đa cấp có đất “tung hoành” khi chiêu dụ người tham gia bỏ tiền đầu tư sẽ có lợi nhuận, muốn rút khỏi hệ thống thì rút. Kiểu tham gia này khiến nhiều người chắc chắn chỉ có lời chứ không mất đồng nào.

Chuyên gia tâm lý Mai Đình Quyết đánh giá, về mặt xã hội, nó tạo ra sự bất hòa, mất đoàn kết trong những người thân thích, anh em bà con dòng họ, do người ta dụ dỗ nhau, lừa dối nhau để bán hàng đa cấp. Kiểu kinh doanh này cũng góp phần khơi dậy sự “độc ác” trong mỗi con người. Vì khi đã lỡ đem tiền đưa vào kinh doanh, trước nguy cơ mất vốn, người ta sẵn sàng nhắm mắt dụ dỗ tiếp những người thân của mình trở thành nạn nhân.

Các đối tượng thường xuyên giới thiệu về những gói sản phẩm và các gói hoa hồng rất hấp dẫn. Khi thực hiện việc tuyên truyền, thường họ không sử dụng đến từ “đa cấp”, bản chất của hình thức bán hàng đa cấp biến tướng là huy động vốn, dùng tiền của người sau trả cho người trước. Việc lợi nhuận của người đến trước có được là từ việc vận động người tham gia sau đóng góp chứ không phải là do thu được từ việc bán sản phẩm được DN trả hoa hồng. “Để tránh bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động bán hàng đa cấp bất chính, lợi dụng mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để huy động tài chính, người dân cần tìm hiểu thật kỹ DN mà mình dự định ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp” - TS. Nguyễn Văn Trung - khoa Quản trị, Đại học Harvard nhấn mạnh.

TS Nguyễn Văn Trung - khoa Quản trị kinh doanh Đại học Harvard cũng cho rằng, kinh doanh đa cấp chỉ phù hợp ở những nền kinh tế đã phát triển, có hành lang pháp lý rõ ràng, đầy đủ, ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cao. Còn ở các nước đang phát triển hay chưa phát triển, nó sẽ gây hại rất lớn cho nền kinh tế và cho xã hội với rất nhiều nguy hiểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy đến từ hàng đa cấp biến tướng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO