Hệ lụy khôn lường của rác thải nhựa

Hà Anh 31/05/2023 08:34

Hơn 200 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên và dữ dội hơn do rác thải nhựa. Theo các nhà khoa học, chất thải nhựa được sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2060, trong số đó chưa đến 10% được tái chế.

Chưa đến 10% rác thải nhựa toàn cầu được tái chế. Ảnh: AP.

Nguy cơ lớn

Một nghiên cứu cho thấy, hơn 200 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên và dữ dội hơn do rác thải nhựa làm tắc hệ thống thoát nước. Trận lũ lụt kinh hoàng năm 2005 giết chết 1.000 người ở thành phố Mumbai của Ấn Độ được xác định nguyên nhân là do túi nilon đã chặn cống thoát nước mưa, ngăn nước lũ mùa mưa thoát ra khỏi thành phố.

Một báo cáo ước tính, 218 triệu người nghèo nhất thế giới có nguy cơ bị lũ lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn do rác thải nhựa gây ra. Con số này tương đương với dân số của Anh, Pháp và Đức cộng lại. Khoảng 41 triệu người trong số đó là trẻ em, người già và người khuyết tật. Trong khi 70% những người có nguy cơ cao nhất sống ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.

Các nhà nghiên cứu môi trường đã phát hiện ra rằng, các cộng đồng ở Cameroon, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Ghana, Bangladesh và Indonesia đã phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng hơn do rác thải nhựa ngăn chặn hệ thống thoát nước trong vài năm gần đây.

Nghiên cứu cho biết, ở những cộng đồng này, rác thải nhựa là “nhân tố nguy cơ” gây lũ lụt, bởi sự tích tụ ô nhiễm nhựa có thể khiến mực nước tăng 1 mét trong giờ đầu tiên sau trận lụt.

Để xác định những người có nguy cơ cao nhất, họ đã sử dụng một nghiên cứu về nguy cơ lũ lụt và nghèo đói do Jun Rentschler và những người khác công bố vào năm 2022. Nghiên cứu này xác định, 1,8 tỷ người ở 188 quốc gia có nguy cơ chịu lũ lụt cao. Họ thu hẹp phân tích của mình vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải rắn và vệ sinh không đầy đủ. Để tập trung vào các nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất do rác thải nhựa làm trầm trọng thêm nguy cơ lũ lụt, họ cũng loại trừ các quốc gia có lượng rác thải được quản lý thấp dưới 1kg/người/năm và tập trung vào các khu ổ chuột đô thị.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các khu đông dân cư ở Nam Á, Đông Á, Thái Bình Dương và châu Phi cận Sahara có khả năng phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất của lũ lụt do rác thải nhựa làm trầm trọng thêm do quá trình phát triển nhanh chóng, thiếu kế hoạch, trong khi cơ sở hạ tầng không đáp ứng việc giảm thiểu lũ lụt, dẫn đến các vấn đề về sức khỏe, bao gồm các bệnh về đường tiêu hóa như dịch tả và tiêu chảy.

Ông Rich Gower, nhà kinh tế cấp cao và cộng tác viên chính sách tại Tearfund, cho rằng khắp thế giới, từ Brazil đến DRC, từ Malawi đến Bangladesh, ô nhiễm nhựa khiến lũ lụt trở nên tồi tệ hơn. Nếu không có hành động quyết đoán, vấn đề này sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Tiến tới thỏa thuận quốc tế

Ngày 29/5, Ủy ban đàm phán liên chính phủ về nhựa của Liên hợp quốc (LHQ) đã tiếp hành họp tại Thủ đô Paris (Pháp) để thảo luận về một thỏa thuận mang tính bước ngoặt nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa toàn cầu. Ủy ban đàm phán liên chính phủ về nhựa chịu trách nhiệm phát triển thỏa thuận quốc tế, ràng buộc về mặt pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, kể cả trong môi trường biển. Đây là cuộc họp thứ 2 trong số 5 cuộc họp sẽ diễn ra để hoàn tất các cuộc đàm phán vào cuối năm 2024.

Tại cuộc họp đầu tiên, được tổ chức 6 tháng trước ở Uruguay, một số quốc gia đã thúc đẩy các nhiệm vụ toàn cầu, một số đưa ra các giải pháp quốc gia và một số khác cho cả hai.

Theo số liệu từ Chương trình Môi trường LHQ, nhân loại sản xuất hơn 430 triệu tấn nhựa mỗi năm, 70% trong số đó là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, sớm trở thành chất thải, lấp đầy đại dương và thường xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, chất thải nhựa được sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng gần gấp 3 lần vào năm 2060, với khoảng một nửa kết thúc ở bãi rác và dưới 10% được tái chế.

Thỏa thuận có thể tập trung vào sức khỏe con người và môi trường, như mong muốn của Liên minh Tham vọng cao do Na Uy và Rwanda đứng đầu, với các hạn chế về sản xuất nhựa và hạn chế đối với một số hóa chất được sử dụng trong nhựa. Liên minh cam kết tạo ra một công cụ quốc tế, ràng buộc về mặt pháp lý để chấm dứt ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Liên minh cũng cho rằng, điều này là cần thiết để bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, đồng thời giúp khôi phục đa dạng sinh học và hạn chế biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, hiệp ước có thể có phạm vi hạn chế hơn để giải quyết vấn đề rác thải nhựa và tăng quy mô tái chế, như mong muốn của một số nhà sản xuất nhựa và xuất khẩu dầu khí.

Hội đồng Hiệp hội Hóa học quốc tế, Hội đồng Nhựa thế giới, Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ và các công ty sản xuất, sử dụng và tái chế nhựa khác cho biết, họ muốn có một thỏa thuận nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa trong khi “duy trì các lợi ích xã hội của nhựa”. Họ cho rằng, các vật liệu nhựa hiện đại được sử dụng trên khắp thế giới để tạo ra các sản phẩm thiết yếu và thường là cứu mạng sống, nhiều sản phẩm trong số đó rất quan trọng đối với một tương lai bền vững hơn, ít carbon hơn.

Ông Rich Gower kêu gọi các chính phủ có mặt tại cuộc họp của Ủy ban đàm phán liên chính phủ về nhựa của LHQ hãy chú ý tới những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của ô nhiễm nhựa. “Thông qua thỏa thuận về nhựa, các nhà lãnh đạo thế giới chỉ có một cơ hội trong đời để chấm dứt cuộc khủng hoảng này bằng cách giảm sản xuất nhựa và đảm bảo phần còn lại được thu gom và tái chế một cách an toàn” – ông Gower nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy khôn lường của rác thải nhựa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO