Hệ lụy từ ‘kính chuyển’

Tinh Anh 27/10/2020 13:30

Vậy là lần thứ 2 trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong vài năm trở lại đây, người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) buộc phải chặn xe rác không cho vào khu vực xử lý. Lý do đơn giản là chính quyền chỉ hứa mà không thực hiện nghĩa vụ.   

Sau khi các quận nội thành Hà Nội ngập rác vì người dân Sóc Sơn chặn không cho xe chở rác vào khu vực xử lý, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã triệu tập cuộc họp khẩn, bàn biện pháp giải quyết.

Tại cuộc họp, ông Huệ khẳng định, xảy ra tình trạng người dân bức xúc chặn xe chở rác, lỗi chính thuộc về chính quyền các cấp của thành phố. Các cấp, ngành liên quan chưa làm tròn trách nhiệm với dân, đùn đẩy trách nhiệm.

Ông Huệ đơn cử như việc cấp ủy, chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện (Sóc Sơn) chỉ biết “kính chuyển” lên cấp trên mà không thực sự tâm huyết, tích cực vào cuộc giải quyết những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

Từ ví dụ cụ thể là cấp ủy, chính quyền tại huyện Sóc Sơn, Bí thư Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành liên quan phải ngay lập tức vào cuộc, rốt ráo giải quyết triệt để mọi vướng mắc để không tái diễn tình trạng này.

Người đứng đầu Hà Nội yêu cầu cả hệ thống chính trị của thành phố phải quyết liệt vào cuộc để giải quyết cho xong những vấn đề tồn đọng trong thời gian dài tại bãi rác Nam Sơn.

Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân không chặn xe chở rác vào bãi (vì đây là hành vi vi phạm pháp luật), cái gì có thể vận dụng để có lợi cho dân thì phải làm ngay, không để người dân bức xúc như thời gian qua, tạo thành điểm nóng trên địa bàn.

Động thái chấn chỉnh thái độ làm việc của các cấp, ngành, quyết liệt chỉ đạo giải quyết vấn đề của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ được dư luận xã hội hết sức hoan nghênh.

Song, đây cũng không phải là lần đầu tiên lãnh đạo TP Hà Nội họp bàn, chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến bãi rác Nam Sơn. Vậy mà suốt thời gian dài không được thực hiện khiến người dân bức xúc, năm lần bảy lượt chặn xe chở rác.

Lần này, thêm một cuộc họp, thêm một lần chỉ đạo giải quyết các vấn đề tại bãi rác Nam Sơn của người đứng đầu Hà Nội, hy vọng sẽ không bị “chìm vào quên lãng” như những lần trước.

Tồn đọng tại bãi rác Nam Sơn chính là ví dụ điển hình của thực trạng “trên nóng, dưới lạnh” tại Hà Nội. Cả bí thư và chủ tịch thành phố đều đã quyết liệt chỉ đạo giải quyết, song cấp dưới thì “lờ vờ” như không phải việc của cơ quan, đơn vị mình.

Đó chính là lý do vì sao những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người dân như chi trả tiền giải phóng mặt bằng trong bán kính 500m quanh bãi rác Nam Sơn, cung cấp nước sạch... trong suốt một thời gian dài không được giải quyết.

Từ cấp thôn, xã đến huyện, rồi sở, ngành chỉ loanh quanh với việc “kính chuyển” mà không có bất cứ đơn vị nào tâm huyết, sốt sắng giải quyết những vấn đề tồn đọng thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chữ tín rất quan trọng, đã hứa thì phải thực hiện, nhất là lời hứa của cán bộ lãnh đạo, dù ở cấp nào. Do vậy, sau nhiều lần được lãnh đạo thành phố, huyện, xã “hứa” giải quyết một cách thỏa đáng mà không thực hiện, người dân đương nhiên phải bức xúc.

Làm sao có thể không nổi xung, khi hàng ngày phải sống chung với ô nhiễm nặng nề? Làm sao có thể không chặn xe chở rác khi nguồn nước sạch sinh hoạt chưa được cung cấp đầy đủ?

Thực ra, nói cho đến cùng thì cũng khó trách lãnh đạo TP Hà Nội, bởi quản lý một thành phố lớn, lại là Thủ đô của cả nước thì công việc rất nhiều, không thể quán xuyến hết được, nếu bộ máy tham mưu, giúp việc không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.

Song, trong số “hàng tá việc”, lãnh đạo thành phố cũng cần biết cân nhắc “mũi nhọn” để ưu tiên giải quyết việc gì trước việc gì sau, tránh dàn trải để rồi việc gì cũng không xong.

Và có lẽ những vấn đề tồn đọng tại bãi rác Nam Sơn chính là “mũi nhọn” mà lãnh đạo TP Hà Nội cần ưu tiên, tập trung giải quyết một cách dứt điểm.

Nếu vẫn chỉ dừng lại ở “chỉ đạo” rồi mọi việc lại vẫn diễn ra theo phương thức “đánh trống bỏ dùi”, các cấp, ngành vẫn thờ ơ đến vô cảm thì tin rằng sẽ còn tái diễn tình trạng chặn xe chở rác không cho vào khu vực xử lý, dù lần này có thể người dân nhượng bộ không “làm khó” nữa.

Vậy nên, để giải quyết vụ việc này rất cần có sự phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, mạch lạc đối với từng cấp, ngành có liên quan, đồng thời cần có sự giám sát chặt chẽ tiến độ công việc được giao.

Nếu các cấp chính quyền địa phương, hay sở ngành liên quan nào không thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, lãnh đạo thành phố cần có biện pháp “rắn” để răn đe, nếu cần thì luân chuyển, bãi nhiệm để người khác lên làm tốt hơn. Có vậy mới có thể hết thực trạng “kính chuyển”, dẫn đến những hệ lụy xấu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ lụy từ ‘kính chuyển’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO