Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị'bức tử'

Tâm Lê 30/03/2022 10:35

Thời gian qua, nhiều bến bãi, trạm trộn bê tông tự phát mọc lên tại khu vực sông nội đồng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tưới, tiêu, vận tải đường thủy thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đoạn qua địa bàn tỉnh Hải Dương.

Trạm trộn bê tông ở xã Tân Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) vi phạm hành lang đê sông Cửu An.

Người dân ở thôn Hữu Chung, xã Tân Phong, huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã nhiều lần phản ánh đến cơ quan chức năng về bãi chứa vật liệu xây dựng của ông Đoàn Văn Bao - chủ nhân một bãi vật liệu xây dựng tự phát trên hành lang sông Cửu An qua địa phận thôn Hữu Chung.

Theo phản ánh của người dân, đã nhiều năm nay, bãi chứa vật liệu này vi phạm hành lang đê sông Cửu An nhưng không được xử lý dứt điểm. Thời gian gần đây, ông Đoàn Văn Bao còn tiếp tục lắp đặt thêm trạm trộn bê tông trái phép khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Hoạt động tại cơ sở này đã gây hư hại tuyến đường đê, phát sinh khói bụi gây ô nhiễm môi trường…

Báo cáo số 75/BC-UBND ngày 9/8/2021 của UBND xã Tân Phong nêu rõ: Ông Đoàn Văn Bao đang sử dụng diện tích khu đất bến bãi theo hồ sơ đo đạc năm 2008 là 8.765m2 được UBND xã cho thuê loại đất mặt nước chuyên dùng. Trên khu đất này có 200m2 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở từ năm 2015.

Trong quá trình sử dụng, ông Bao đã cải tạo và khai thác khu đất, xây dựng một số công trình để kinh doanh vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, một số công trình đã vi phạm hành lang công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Ông Bao lấn chiếm đất trái phép trong phạm vi bảo vệ kênh Cửu An, thuộc công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đóng cọc bê tông nhiều lần vào lòng kênh, xây dựng kè bờ, nhà kho, trạm trộn…

Điều đáng nói là các vi phạm này kéo dài từ năm 2017 đến 2021 nhưng sau mỗi lần vi phạm, UBND xã Tân Phong đều phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải lập biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ông Đoàn Văn Bao dừng ngay các hành vi vi phạm, tháo dỡ công trình vi phạm và hoàn trả nguyên trạng như ban đầu. Tuy nhiên, ông Bao vẫn không chấp hành.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, các hành vi vi phạm như của gia đình ông Đoàn Văn Bao đã làm ảnh hưởng đến năng lực phục vụ, an toàn công trình, là nguyên nhân gây suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và ô nhiễm môi trường đối với công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải.

Sở đã đề nghị UBND huyện Ninh Giang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND xã Tân Phong theo thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thủy lợi theo đúng tính chất, mức độ vi phạm, buộc cá nhân vi phạm phải khôi phục tình trạng ban đầu của công trình thủy lợi, tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép, khắc phục ô nhiễm nguồn nước. Trường hợp quá thời hạn mà cá nhân vi phạm không tự nguyện chấp hành phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế giải tỏa vi phạm, không để tồn tại, không để tái phạm.

Tương tự, tại thôn An Nghiệp, xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện hiện có 3 bến bãi nằm trong phạm vi bảo vệ sông Cửu An nhưng chưa được cấp phép. Mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, lập biên bản vi phạm nhưng các chủ bến bãi vẫn không chấp hành và vẫn ngang nhiên hoạt động.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, hoạt động các bến bãi, trạm trộn bê tông trên sông nội đồng ở tỉnh Hải Dương chủ yếu nằm trong hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Đây là hệ thống lớn có nhiều tuyến sông nội đồng phục vụ tưới, tiêu và hoạt động vận tải đường thủy.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 54 bến bãi trên các tuyến sông Sặt, Đĩnh Đào, Cửu An, Tây Kẻ Sặt. Hầu hết các bến bãi này không hoặc chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động trong thời gian qua, phớt lờ các quy định của pháp luật về thủy lợi. Trong đó, các bến bãi không phép tập trung chủ yếu ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Bình Giang...

Có thể thấy, để tình trạng các bến bãi, trạm trộn bê tông “bức tử” hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải một phần là do sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa đơn vị quản lý với chính quyền địa phương. Mặt khác, khu vực đất lưu không, chỉ được phép giao cho người dân nhận thầu khoán nhưng có trường hợp lại được cấp “sổ đỏ” khiến việc quản lý đã khó khăn càng khó khăn hơn, các vi phạm cứ thế tồn tại ngày này qua ngày khác.

Thiết nghĩ, tỉnh Hải Dương cần có sự chỉ đạo quyết liệt để xử lý các vi phạm như trên và tránh trường hợp tương tự tiếp tục xảy ra.

Mặc dù các sai phạm đã rất rõ nhưng việc xử lý luôn gặp khó khăn. Trong khi Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đơn vị quản lý trực tiếp hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải chỉ có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện vi phạm. Việc xử lý vi phạm lại thuộc thẩm quyền của chính quyền các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đang bị'bức tử'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO